Đoàn Xuân Trường
(Bài đăng trong Tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng
Số 329 tháng 3/2021)
Bài ký giàu hình ảnh liên tưởng, ngôn ngữ gợi cảm
Từ ngày 10 tháng 7 đến ngày 26 tháng 7 năm Đinh Tỵ ( tức 27 tháng 8 đến 24 tháng 9 năm 1917 ), Thượng thư bộ Công kiêm Binh Bộ sự vụ Đoàn Đình Duyệt theo lệnh nhà vua có chuyến công tác đến tỉnh Lâm Viên (Lâm Đồng ngày nay) mới thành lập để quan sát đồng thời trù liệu xây cất hành cung nhà Nguyễn. Sau chuyến đi này ông đã lập một bản tấu trình lên Hoàng Thượng, được vua Khải Định châu phê: “… Nhưng nay, Ninh Lãng có thể được coi là có lòng đối với nước nhà vậy. Hãy đem bản biên soạn này cùng với lời châu phê chép lại phổ biến. Khâm thử !” Tạp chí Nam Phong số 9 và 10, ra tháng 3 và 4 năm 1918 đăng bài “Lâm Viên hành trình nhật ký” của ông. Theo các nhà nghiên cứu, kể từ đó cho đến nay đã 103 năm trôi qua, đây là tác phẩm văn xuôi đầu tiên của người Việt Nam viết về Đà Lạt (2).
Tác phẩm “Lâm Viên hành trình nhật ký” của Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt thực chất là thể loại nhật ký hay bút ký, ký sự ? Ghi chép đều đặn từng ngày là nhật ký nhưng theo Nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Hải Dương thì đây thực sự là một bài bút ký đã thể hiện rõ tài năng và văn chương của một vị quan Thượng thư liên bộ. Đọc tác phẩm qua chữ Quốc ngữ (bản dịch của Phạm Phú Thành đăng trong mục “Đà Lạt năm xưa” 12/10/2013) người ta thấy suốt chặng đường đi, về trong chuyến công cán, tác giả quan sát rất kỹ lưỡng, ghi chép rất cụ thể, chi tiết mọi cảnh vật, sự việc, con người với lối diễn đạt ngôn ngữ giàu hình ảnh liên tưởng.
Ảnh trên: Tác phẩm “Lâm Viên hành trình nhật ký” bằng chữ Hán hiện lưu tại Thư viện Quốc gia việt Nam
Nói về thời gian của cuộc hành trình, người viết tính đến từng giờ, từng phút. Trong điều kiện giao thông thời đó nhiều trở ngại, khó khăn, vị Đại quan đã phải dùng hàng loạt các loại phương tiện khác nhau như: xe lửa; tàu thuyền, xe điện (xe hơi), xe kéo, xe song mã (xe ngựa), đi kiệu. Tuy vậy, tác phẩm không hề khô khan, rời rạc mà vẫn bay bổng, đôi chỗ thi vị trong từng câu chữ. Hãy xem tác giả miêu tả cảnh thiên nhiên khi thăm cảng Ba Ngòi (nay là vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa): “ Từ bờ ngoằn nghèo nhô ra biển một dãy núi, ba mặt cao ngất, ở giữa hình thành một cái vịnh sâu rộng. Tầu chiến có thể đậu trên một trăm chiếc. Trước vịnh duy nhất có một cửa ải, tàu chiến lớn có thể ra vào được. Quả là nơi đồn trú rất an toàn của tàu chiến, kín đáo như ao trời…”. Những ngày ở Đà Lạt, trời mưa liên tục, có lúc vị quan đại thần phải đi “xe kéo” để thăm thú, “khám sát” những nơi cần đến. Tác giả tập trung miêu tả Đà Lạt với nhiều chi tiết dồn dập, cảnh vật phong phú, đa dạng, đan xen lẫn nhau bằng lời văn đầy chất thơ: “ … Nhìn bốn phía thấy núi cao vây bọc, rừng thông rậm rạp, ở giữa có chừng vài ngàn mẫu đều là núi bằng, đồi trọc cao thấp nhấp nhô. Từ các dinh thự, nhà cửa cho đến khách sạn, nhà ở của người dân đều xây cất trên đỉnh núi. Dưới chân núi nào cũng có đường cái đan chéo, ngang dọc, xe điện có thể chạy được. Lại có những cánh đồng bằng phẳng bé nhỏ có thể cày cấy. Từ dưới đồng bằng nhìn lên, thấy trên núi lâu đài sắp xếp như quân cờ, la liệt như sao. Cảnh đẹp giống như tranh vẽ.”
Tác giả giới thiệu kỹ lưỡng những địa danh tuyệt đẹp, hấp dẫn của Đà Lạt: Cách Đa Lạt 2,5 km có suối Cẩm Lệ (Cam Ly) “quả là chốn bồng lai tiên cảnh”; Cách Đà Lạt 14 km là Lâm Viên, có vườn hoa và chỗ nuôi thú, “đất đai trong vườn phì nhiêu bốn mùa đều có rau đậu phương Tây tươi tốt xứng đáng được gọi là Đàn hương sơn trên đại lục”; Cách Lâm Viên chừng 5-6 km có suối Đan Ki; gần Lâm Viên có ngọn núi cao 2.200 thước tây là núi cao nhất trung kỳ…
Tầm nhìn của một nhà kinh tế, quân sự.
Không chỉ ghi chép hay tả cảnh, với cách nhìn của một vị quan Đại thần nắm giữ Bộ Công (Bộ Kinh tế thời đó) và Binh Bộ (tương đương Bộ Quốc phòng ngày nay), ông Đoàn Đình Duyệt đã có những nhận định, đánh giá chính xác về tương lai, lợi ích của những địa danh nơi ông đặt chân đến. Với cảng Ba Ngòi, ông dự báo: “Tương lai, nơi này sẽ là bến neo thuyền lớn nhất của Trung kỳ”. Đúng vậy, nhiều thập niên đã qua cho đến ngày nay vịnh Cam Ranh là quân cảng lớn nhất, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của nước ta và của khu vực. Đến Cầu Bảo, tức Phan Rang, ông tả rất kỹ ngã ba này sầm uất khi có các con đường, trở về hướng Bắc đi Nha Trang, một ngả đi hướng Nam về Sài Gòn, còn một ngả đi về phía Tây: “ Nơi đây quả là ngã tư hội tụ, tương lai hẳn sẽ ngày càng phồn thịnh”. Ngược đường lên Đà Lạt dù hiểm trở, gian nan nhưng khi thấy đất, rừng, đồi núi, ruộng đồng chen lẫn, mênh mông… ông nhận định: “Nhìn ra thấy hoang vu cả ngàn dặm tới tận cùng tầm mắt. Nếu di dân lập ấp, khai khẩn canh tác thì có thể có được hai, ba trăm thôn”. Đứng trước cảnh vật thiên nhiên phong phú, điệp trùng, tâm hồn ông dâng trào cảm xúc: “Vùng đất này sản sinh rất nhiều thông, hai bên đường đi nhìn thấy toàn màu xanh, một màu xanh biếc thật đẹp mắt…”. Dành thời gian để tìm hiểu về Đà Lạt vì chuyến đi này nhiệm vụ chính của ông là tìm một khu đất để xây dựng hành cung nhà Nguyễn, tác giả tập trung miêu tả chi tiết cảnh vật thiên nhiên trong đó ông khéo léo nói đến khí hậu đặc trưng, riêng biệt của Đà Lạt qua những câu văn thật xúc tích nhưng đầy gợi cảm: “Trời vào tiết đầu thu, miền trung châu chưa bớt nóng mà ở nơi đây thì trời đã lạnh dần, có mưa phùn, mặc áo lông cừu thật thích hợp. Xem khí hậu thật giống như đầu xuân”. Và ông nhận định: “ Tương lai nơi này hẳn trở thành một đô hội lớn “. Đặc biệt, trước khi kết thúc những ngày công cán ở Đà Lạt, tác giả có những nhận định về vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Lâm Viên: “Thiết nghĩ, sau này khi kiến thiết xong hệ thống đường sá, đường bộ, đường thủy thông thương thì Lâm Viên sẽ là vùng đất rộng lớn, then chốt của Đông Dương”. Ông gợi mở cho tương lai một cách khéo léo bằng một câu tu từ: “Dường như nước non tươi đẹp vẫn còn đợi chờ khách hữu tình vậy ?”. Thật chính xác như ông dự đoán, sau hơn 100 năm xây dựng, những địa danh ông đến tại các tỉnh ngày đó, nay đã phát triển vượt bậc, đặc biệt Đà Lạt từ lâu đã trở thành một trung tâm du lịch và nghỉ dưỡng sang trọng bậc nhất của nước ta và thế giới.
Là một vị đại quan Đại thần luôn có trách nhiệm trước công việc của dân, của nước, lại yêu cảnh vật thiên nhiên và con người nên khi trên đường từ Lâm Viên trở về Huế, ông Đoàn Đình Duyệt vẫn dành từng chút thời gian để thăm thố, khám sát, ghi chép tại các địa phương như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định: “Ngày 22,… 4 giờ rưỡi chiều đi cùng với quan tỉnh đến xem một đập đá mới đắp do Hội bảo nông của địa phương thuộc phủ An Nhơn”. Sau khi nghe giới thiệu nguồn gốc, quá trình xây đập bằng xi măng, ích lợi và phương thức vận hành, ông ghi nhận, đánh giá: “Công cuộc cải tiến nông nghiệp của ta ở Trung kỳ do dân khởi xướng bắt đầu từ cái đập này. Tỉnh hạt có vài cái đập. Nếu tất cả những nơi khác đều bắt chước đó mà làm, thật là lợi ích lâu dài…”
Bài thơ nghiêm luật, giàu tinh thần lạc quan
Thạc sĩ Nguyễn Văn Biểu công tác tại Viện Sử học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và anh Nguyễn Gia Quyền ở Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn gần đây gửi cho tôi bản chụp bài thơ chữ Hán của Nam tước, Đại thần Đoàn Đình Duyệt khắc trên vách đá động Tam Thanh (Lạng Sơn) được dịch sang chữ Quốc ngữ. Ông viết bài thơ này theo thể Thất ngôn, Bát cú Đường luật vào ngày 1/5/1918 khi đi hộ giá vua Khải Định trong chuyến Bắc tuần từ ngày 19/4 đến ngày 8/5/1918. Trong chuyến đi này nhà vua cùng đoàn có thăm tỉnh Hải Dương .
Đến Lạng Sơn, thăm động Tam Thanh, ông viết bài ký trong đó ghi lại những cảm nhận rất chân thành về một vùng đất thiêng của tổ quốc: “Động này là kỳ quan do trời đất tạo ra, nơi đây là thắng tích của vùng đất thiêng người giỏi, thực khó mà miêu tả tô vẽ được”. Dưới đó là bài thơ ông đề tặng, sau này được Lâm Giang dịch ra chữ Quốc ngữ như sau:
Tam Thanh non nước một màu xanh Hộ giá theo lên đến Đoàn Thành Cửa động còn lưu danh tuất kiệt Vách hang lại hiện cảnh yên bình. Cảm hoài núi đã sinh hiền tướng Rộn tiếng hô vang giúp thánh linh Đất nước nghìn xưa vận hội mới Không lời ghi lại dạ sao đành. Ảnh bên: Bản dịch của Lâm Giang (tư liệu hiện đang lưu tại Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn). |
|
Đối chiếu với luật Thơ Thất ngôn Bát cú Đường luật, bài thơ ông viết theo Luật bằng, Vần bằng, người đọc am hiểu luật làm thơ theo thể loại này thấy tác giả thực hiện rất nghiêm luật. Điều này chứng tỏ quan Đại thần Đoàn Đình Duyệt còn có tài làm thơ khi thể hiện cảm xúc của mình trước hiện thực sinh động, hào hùng, mặc dù thời gian ghé thăm động là rất ngắn. Qua nét chấm phá về động Tam Thanh (câu 1- phá đề); câu 3 và 4 là những câu trạng giải thích rõ đề tài của bài, tác giả dùng hình ảnh đối lập: “Cửa động còn lưu danh tuấn kiệt/ Vách hang lại hiện cảnh yên bình” để nói lên giá trị cao đẹp của vùng đất biên cương từ truyền thống đến hiện tại. Tuy nhiên, trong hai câu luận 5 và 6 tác giả chủ đích thể hiện lòng cảm phục và trân trọng trước các bậc tiền nhân đã có công xây dựng và bảo vệ vùng đất biên ải của tổ quốc. Với quần thể 3 động gồm Nhất Thanh, Nhị Thanh và Tam Thanh có vách đá khắc ghi bài thơ của Ngô Thì Sĩ (1726-1780), cũng là người phát hiện ra động khi ông làm Đốc trấn Lạng Sơn. Trước đó tác giả cùng nhà vua đã đến thăm Đoàn Thành là di tích lịch sử có vai trò đặc biệt quan trọng trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm ở Lạng Sơn, là công trình kiến trúc quân sự kiên cố, quy mô của các vương triều phong kiến Việt Nam. Ý nghĩa của bài thơ không dừng lại việc ghi lại cảm hứng của tác giả trước vẻ đẹp lộng lẫy của động Tam Thanh mà rộng lớn, sâu xa hơn đó là tác giả bày tỏ lòng cảm phục, biết ơn, tự hào đối với đất nước nơi địa đầu tổ quốc khi các bậc tài danh, tuấn kiệt đã hiến dâng công sức, xương máu của mình để dựng xây và gìn giữ. Đồng thời tác giả không quên thể hiện rõ lòng tự tin về tương lai của đất nước: “Đất nước nghìn xưa vận hội mới”. Trong không gian tươi đẹp, tự hào đó, tác giả tự nhủ rằng, không thể đành lòng nếu lặng im: “ Không lời ghi lại dạ sao đành” thông qua câu kết 7 và 8 của bài thơ./.
Đ . X . T