Kiều Hậu
Việt Nam hiện đang trên đà tăng trưởng kinh tế khá mạnh. Đội ngũ doanh nhân Việt đã và đang tập trung vươn lên, xây dựng kinh tế đất nước. Đội ngũ người trẻ khởi nghiệp cũng nhiều. Nhưng một trong những quan ngại đó là sức bền của doanh nhân Việt.
Doanh nhân văn hóa Vũ Minh Châu (bên phải) cùng Mẹ ông (giữa) trong một bữa cơm gia đình.
Càng giàu bạc tiền, càng nghèo sức khỏe
Mỗi năm, trong các bảng xếp hạng, thường chỉ vinh danh những doanh nhân giàu nhất Việt Nam, những doanh nghiệp tăng trưởng vượt trội. Nhưng không thấy có thông tin nào về sức khỏe sức bền doanh nhân, hoặc cổ vũ những doanh nhân có sức bền trong kinh doanh, có sức khỏe thể chất và tinh thần.
Thực tế, nhiều doanh nhân đã ngã ngựa giữa đường. Trong lúc đang kinh doanh tấn tới, thì sức khỏe suy sụp, ngã bệnh nặng và không qua khỏi. Thật đáng tiếc cho những nhân tài đó, giỏi kinh doanh kiếm tiền nhưng lại thiếu kiến thức tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Đất nước cũng thiệt hại không nhỏ khi mất đi những doanh nhân giỏi.
Hoạt động trong môi trường kinh doanh 30 năm nay, doanh nhân văn hóa Vũ Minh Châu có một quan sát tinh tế. Ông đúc rút ra một điều rằng phần lớn các doanh nhân Việt Nam giàu có tiền bạc nhưng một số người còn nghèo sức khỏe. Bận rộn việc kinh doanh, không ít người phó mặc việc chăm lo bữa ăn cho người nhà, hoặc người giúp việc. Những người này thường thiếu kiến thức về dinh dưỡng, không chú tâm đến việc lựa chọn nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn, chế biến không đúng phương pháp nên dù bữa ăn có ê hề thực phẩm, thì chất lượng dinh dưỡng vẫn kém, thậm chí dùng nhiều món có hại cho sức khỏe hệ tim mạch, tiêu hóa và chuyển hóa mà không hay biết. Doanh nhân cũng thường phải giao dịch nhiều, ăn uống bên ngoài không đảm bảo vệ sinh, thậm chí uống phải rượu chất lượng kém gây tổn hại vô cùng đến sức khỏe.
- Ông Vũ Minh Châu trong một chuyến thăm quan và tìm vị thuốc quý ở nước ngoài.
“Đàn ông giỏi nên biết nấu ăn ngon, hiểu biết sâu sắc về ẩm thực, dinh dưỡng. Doanh nhân càng nên biết vào bếp và huấn luyện được người nhà cũng như người giúp việc cách nấu ăn ngon, cân bằng dinh dưỡng và phương pháp chọn thực phẩm sạch.” – Doanh nhân Vũ Minh Châu chia sẻ một quan điểm của mình.
Như vậy, để doanh nghiệp khỏe, thì người chủ doanh nghiệp không những cần trau dồi kiến thức kinh doanh, đoàn kết đội ngũ để doanh nghiệp mình phát triển bền vững, đóng góp cho sức mạnh chung của nền kinh tế, mà còn phải biết tự chăm lo cho sức khỏe bản thân, để sống khỏe, sống thọ, đồng hành cùng doanh nghiệp đủ lâu để bồi đắp doanh nghiệp lớn mạnh.
Trong doanh nghiệp của mình, Tổng Giám đốc Vũ Minh Châu là một tấm gương về sức khỏe, sức làm việc cho cán bộ nhân viên. Có một điều khá lạ ở con người này, đó là càng ngày thấy ông càng khỏe hơn. Những thanh niên mới được tuyển vào công ty làm việc, chịu thua Sếp về sức khỏe. Thử tay nắn những cơ bắp rắn chắc phi thường của ông, chúng tôi hỏi, hẳn là ông tập tạ, tập thể hình kinh khủng lắm. Nhưng bật cười trước câu hỏi của chúng tôi, vị Tổng giám đốc này đưa ra một nhận định có vẻ ngược dòng: “Tập thể dục thể thao để khỏe là quan niệm đã lỗi thời. Hơn nữa, doanh nhân như chúng tôi, khá bận rộn không có thời gian tập. Sức khỏe, sức trẻ, sức bền có được là từ dinh dưỡng. Dinh dưỡng góp tỷ lệ 70% cho sức khỏe.”
Theo ông, muốn khỏe thì ăn uống phải cân bằng, đủ các vi chất, dưỡng chất. Mỗi bữa ăn, trên mâm cơm của ông và những nhân viên được cùng thưởng thức bữa cơm sinh thái công ty thường có tới 20 món khác nhau. Mỗi món ông chỉ cần dùng 1-2 miếng nhỏ là đủ no, cân bằng dinh dưỡng. Nguồn thực phẩm được ông cùng đầu bếp lựa chọn rất tinh, hầu hết từ vùng cao, nuôi trồng tự nhiên, sống đủ vòng đời, không dùng chất kích thích tăng trưởng hoặc thuốc trừ sâu.
Doanh nghiệp là một trường học thú vị
Một nữ cán bộ làm việc tại Công ty Bảo Tín Minh Châu kể rằng, khi làm việc ở đây, mỗi ngày cô học được một điều mới. Mọi người luôn học được từ Sếp của mình cách làm việc hiệu quả, chỉn chu, đặc biệt là lối sống lành mạnh, vui vẻ, cách chăm sóc bản thân để luôn sung sức, không bị bệnh tật hỏi thăm. Họ cũng luôn được tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ, nhất là các khóa học ở Tổ chức PTI. Từng nhóm cán bộ, nhân viên được cử đi học, khi học về lại phổ biến cho đồng nghiệp của mình những kiến thức mới thu lượm được. Đặc biệt, Sếp Châu hàng ngày vẫn dành thời gian truyền đạt cho nhân viên những điều hay nhất mà ông nghiên cứu, phát hiện ra, kể cả những bí quyết quản lý, những tuyệt chiêu kinh doanh, hay cách đối nhân xử thế. Ông chẳng bao giờ giấu bí quyết cho riêng mình, mà hào phóng chia sẻ với mọi người.
- Ông Vũ Minh Châu tặng quà cho bạn hữu và nhân viên để giúp họ sống khỏe.
Tại văn phòng làm việc, họ cũng có thể tìm thấy các loại máy tập, nhạc cụ, xe đạp, sách... Những lúc muốn thư giãn, nhân viên hoàn toàn có thể chơi đàn, đọc sách, hoặc tập luyện thể chất. Đó là một môi trường ấm cúng, thoải mái như ở nhà. Trên gương mặt những nhân viên ở đây, không phải là sự căng thẳng, lo lắng hoặc âu sầu vì sức ép công việc. Họ luôn tươi tắn, tràn đầy năng lượng, tin tưởng. Bởi đơn giản, họ không chỉ được truyền năng lượng hàng ngày từ người Sếp của mình, mà họ tin rằng, chỉ cần làm tốt nhất công việc của mình tại đây, thì họ và gia đình có thể an tâm sống khỏe. Học hỏi những điều từ ông Châu, họ được trang bị những kinh nghiệm sống quý giá. Điều quan trọng là ông không chỉ truyền đạt kiến thức, mà đích thân huấn luyện ngay cho nhân viên cách làm chỉn chu ngay từ đầu.
- Ông Châu cùng nhân viên và bạn hữu chọn thực phẩm an toàn.
Đội ngũ cán bộ nhân viên tại công ty còn được phát triển giá trị cá nhân qua những chuyến đi học hỏi, tham quan, du lịch trong và ngoài nước. Sếp và nhân viên cùng đồng hành với nhau. Đó là phần thưởng nhưng đó cũng là thử thách. Bởi, đi du lịch cũng cần có kỹ năng, đó là trải nghiệm thú vị nhưng cũng là phép thử giá trị con người. Nhiều cặp vợ chồng có thể sống cùng nhau cả đời nhưng không thể du lịch cùng nhau. Thì ở Bảo Tín Minh Châu, khi du lịch là thưởng thức mà cũng là trải nghiệm trình độ sống. Qua từng cách ứng xử trước những tình huống có thể dự đoán trước nhưng cũng có thể bất ngờ xảy ra trong chuyến đi, họ tham gia một trò chơi thú vị, khám phá kiến thức mới và chia sẻ kinh nghiệm sống, nâng giá trị của mỗi người lên qua những điều mới mẻ, lý thú được trải nghiệm cùng nhau. Mỗi chuyến đi cũng là một cách để luyện sức bền, luyện tư duy sống tích cực.