Liên bộ Tài chính - Công Thương yêu cầu doanh nghiệp giảm giá bán lẻ các mặt hàng dầu tối thiểu 136-174 đồng một lít từ 17h chiều nay. Giá xăng không thay đổi so với hiện hành.
Theo thông báo của cơ quan quản lý, sau lần điều chỉnh ngày 7/7, giá xăng dầuthế giới có chiều hướng giảm, nhưng vẫn ở mức cao. Tính bình quân 30 ngày, giá bán hiện hành (của Petrolimex), sau khi đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá 500 đồng/lít, vẫn thấp hơn giá cơ sở theo quy định khoảng 174 đồng mỗi lít. Để góp phần bình ổn giá, Liên bộ đã yêu cầu các doanh nghiệp không tăng giá bán, đồng thời được sử dụng Quỹ Bình ổn thêm 170 đồng/lít. Như vậy, giá bán lẻ mỗi lít xăng RON 92 vẫn ở mức 25.640 đồng.
Đối với dầu diezel và dầu hỏa, cơ quan quản lý cho biết giá bán hiện hành đã cao hơn mức cơ sở, nên yêu cầu giảm giá bán 136-140 đồng một lít. Riêng dầu madút, hiện giá bán ra cũng đã cao hơn giá thành, song để góp phần bình ổn giá, các doanh nghiệp được tiếp tục sử dụng Quỹ Bình ổn và giảm mức bán ra tối thiểu bằng chênh lệch với giá cơ sở (174 đồng/kg).
Động thái của Bộ Tài chính về việc nguyên giá xăng đã xóa đi tin đồn về việc xăng tiếp tục tăng giá nay sau đợt điều chỉnh ngày 7/7. Trên thị trường thế giới, giá xăng RON 92 tại Singapore khoảng 10 ngày gần đây liên tục đi xuống. Cụ thể, ngày 4/7, giá xăng ở ngưỡng 124,13 USD một thùng và giảm khoảng 3 USD trong 6 ngày tiếp theo. Sau khi chốt ở mức 121,34 USD, biểu đồ giá đi theo hình răng cưa và giảm tiếp 2 đôla mỗi thùng vào ngày hôm qua.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xăng dầu (Vinpa), giá cơ sở mặt hàng xăng RON 92 trong hơn một tuần nay tăng nhẹ. Từ 7/7 đến 14/7, giá cơ sở tăng 171 đồng sau đó đi ngang và chốt ở mức 26.314 đồng vào ngày 17/7. Như vậy, so với giá bán lẻ hiện hành 25.640 đồng mỗi lít xăng, sau khi trừ 500 đồng sử dụng quỹ bình ổn, doanh nghiệp lỗ khoảng 174 đồng mỗi lít xăng.
Sau yêu cầu từ phía cơ quan điều hành, cuối giờ chiều nay, Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex cũng đã công bố biểu giá mới. Theo đó, tại vùng 1 và 2, mặt hàng diezel, dầu hỏa giảm 140 đồng mỗi lit. Dầu madút No2 giảm 180 đồng mỗi kg. Riêng Madút No3 ở khu vực 2 giảm 190 đồng còn 18.770 đồng mỗi kg.
Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo doanh nghiệp xăng dầu thừa nhận đơn vị này đang bị lỗ. Tuy nhiên, đầu mối này chưa có ý định kiến nghị tăng giá và chờ quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước.
Từ đầu năm đến giữa tháng 7, giá xăng dầu đã trải qua 15 lần điều chỉnh, trong đó có 5 lần tăng, 5 lần giảm. Các lần còn lại là điều chỉnh mức sử dụng quỹ bình ổn và trích lợi nhuận định mức để giữ giá. Lần tăng mạnh nhất vào ngày 7/7 từ 130 đồng đến 420 đồng đưa giá xăng bán lẻ lập kỷ lục lên tới 25.640 đồng mỗi lít. Giá xăng tăng kỷ lục khi lạm phát đang thấp khiến các chuyên gia không lo ngại về chỉ số vĩ mô nhưng lại khiến người tiêu dùng bất an trong bối cảnh chi tiêu đang thắt chặt.
Người tiêu dùng, doanh nghiệp gặp khó
Theo VnEconomy, đánh giá về việc tăng giá xăng, chuyên gia kinh tế ông Ngô Trí Long cho rằng liên bộ Tài chính - Công Thương chọn cách cho tăng giá nhỏ giọt nhưng tổng các mức tăng ở mức cao. Đáng chú ý, trong bối cảnh hiện nay khi khả năng cạnh tranh của nền kinh tế yếu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức mua người tiêu dùng thấp, việc tăng giá xăng sẽ làm cạn kiệt sức mua của người tiêu dùng. Do đó, có thể tác động khiến doanh nghiệp ngày càng khó khăn, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế.
Trong thời điểm kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, khi hàng hóa liên tục nhích giá người tiêu dùng sẽ phải thắt chặt chi tiêu để chi trả cho đủ mọi loại phí sinh hoạt vốn đã cao nay lại càng “ngất ngưởng”. Điều đó sẽ khiến sức mua giảm mạnh điều này trực tiếp ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa đã khó sẽ càng thêm khó.
Việc xăng tăng giá tới hơn 700 đồng/lít chỉ trong vòng 15 ngày và được dự đoán có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới đã khiến lợi nhuận của các các doanh nghiệp vận tải giảm mạnh. Hiện tại, các doanh nghiệp vận tải tại nhiều địa phương cũng đã và đang xem xét việc tăng giá cước. Nếu xăng dầu tiếp tục neo giá cao có thể khiến mặt bằng vận tải bị nâng lên một mức mới và dĩ nhiên thiệt hại sẽ là người dân.
Theo ông Ngô Trí Long, giá xăng trong nước hiện đang chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu thế giới. Tuy nhiên, nhà nước nên điều hành theo hướng: khi giá thế giới còn tiếp tục tăng, Nhà nước nên xem xét các điều kiện đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, có thể tính đến việc giảm thuế, phí để giảm giá xăng. “Một vài phần trăm thuế có thể giúp giá xăng giảm và bớt áp lực cho người dân”.
Theo NDT