Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Úc, bày tỏ với phóng viên trước thông tin 116 trẻ tử vong do sởi nhưng Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 112 người chết vì sởi, và 8.000 người nghi nhiễm sởi.... nhưng cơ quan y tế khá chậm trong công cố dịch, điều này liệu có bình thường? Điều kiện công bố dịch ở Việt Nam so với một số nước trên thế giới như thế nào thưa ông?
Tôi nghĩ dù có công bố hay không, ai cũng biết Việt Nam đang có dịch sởi. Tuy nhiên, nếu công bố sớm, người dân sẽ chủ động hơn và cẩn thận hơn trong việc phòng ngừa bệnh ở quy mô cộng đồng.
Tôi thấy Việt Nam có quy định về công bố dịch hơi phức tạp và hành chính hóa. Chẳng hạn như chỉ có Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mới có quyền công bố, còn Bộ Y tế lại không được can thiệp; ở cấp địa phương, điều kiện để công bố là số bệnh nhân tăng cao so với dự báo, ngành y tế không kiểm soát được bệnh, tỉ lệ tử vong cao,... Đó là những qui định rất phức tạp, theo tôi có phần chưa hợp lí và rõ ràng.
Ở nước ngoài đơn giản hơn, chỉ cần vài ca bệnh và có tử vong, người ta đã công bố có - dịch. Dựa trên nguyên lí vì lợi ích của cộng đồng để công bố chứ không phải vì lợi ích của hành chính.
Theo ông, việc công bố hoặc không công bố dịch ảnh hưởng thế nào đến việc ứng phó phòng chống dịch của cơ quan y tế và người dân?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Úc
Như tôi nói ở trên, khi công bố dịch bệnh, người dân ý thức và chủ động hơn trong việc phòng chống bệnh. Nên nhớ rằng phòng chống bệnh hữu hiệu nhất vẫn xuất phát từ gia đình và cá nhân; khi cá nhân biết rằng có dịch bệnh, họ sẽ cẩn thận hơn trong việc phòng ngừa.
Ông đánh giá thế nào về khả năng ứng phó với bệnh sởi của ngànhy tế?
Nhiều người đã đánh giá rồi, tôi không muốn nói thêm. Tôi nghĩ khách quan mà nói, Bộ Y tế hình như có phần lúng túng trong việc đối phó với dịch. Có lẽ ban đầu họ đánh giá quy mô bệnh còn thấp, nên chưa quan tâm; đến khi quy mô bệnh tăng nhanh, họ bị động như chúng ta thấy qua những phát biểu của các quan chức ngành y tế. So với cách ứng phó dịch SARS và H1N1, lần này hệ thống y tế Việt Nam có phần chậm hơn.
So với một số dịch bệnh khác, như dịch SARS, H5N1... mức độ nguy hiểm của bệnh sởi như thế nào, thưa ông?
Dịch SARS, H1N1 hay sởi đều nguy hiểm, nhưng quy mô khác nhau. Hiện nay chúng ta thấy sởi có qui mô cao hơn SARS. Con số tử vong vì sởi đã quá cao, cao hơn dịch SARS mấy năm trước.
Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về dịch tễ, ông có ý kiến gì về dịch sởi hiện nay? Theo ông, nên áp dụng những biện pháp gì để khống chế và phòng chống bệnh sởi hiệu quả?
Phần lớn (khoảng 90%) bệnh nhân sởi là những người chưa từng được chích ngừa. Do đó, phòng chống bệnh phải bắt đầu từ chích ngừa.
Hiện nay, Việt Nam có chương trình chích ngừa cho trẻ em từ 9 tháng tuổi đến 9 năm tuổi, nhưng theo tôi như thế chưa đủ. Phải mở rộng tuổi chích ngừa đến 14 tuổi như các chuyên gia nước ngoài khuyến cáo. Lý do, nhiều chứng cứ gần đây cho thấy bệnh nhân sởi càng ngày càng cao tuổi hơn. Ví dụ trong dịch sởi năm 2009 - 2010, khoảng 60% bệnh nhân tuổi 14 trở trên, và họ chưa từng được chích ngừa.
Số trẻ mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang ở mức kỷ lục
Ngoài ra, hiệu quả chích ngừa hiện cũng giới hạn trong tỉ lệ 90 - 95%; nên phải tăng số lần chích ngừa lên 3 lần chứ không phải 1 hay 2 lần như hiện nay.
Ông có lời khuyên nào cho các bà mẹ đang nuôi con nhỏ trong việc phòng chống bệnh sởi?
Sởi là bệnh rất dễ lây lan qua hắt hơi và ho, nên cần phải giảm tình trạng lây lan cho người chăm sóc bệnh. Ở Úc, các chuyên gia đã ra khuyến cáo rất rõ ràng: cho trẻ uống nhiều nước; nghỉ ngơi ở phòng tối (tránh cho mắt tiếp xúc với ánh sáng); cho uống paracetamol để giảm sốt; không chỉ định aspirin trẻ em dưới 16 tuổi vì có thể gây biến chứng; tránh gãi da; cắt ngắn móng tay; nếu trẻ bị ngứa, có thể dùng sản phẩm chống ngứa; nếu mắt dính và bầy nhầy, dùng nước muối và bông gòn rửa. Cách tốt nhất là tìm tư vấn của bác sĩ gia đình.
Thưa ông, thống kê cho thấy, rất nhiều trẻ mắc sởi hiện nay chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ mũi. Có ý kiến cho rằng, các bà mẹ quá lo ngại sau những vụ tai nạn liên quan đến vắc xin (trẻ tử vong sau tiêm) nên không cho con đi tiêm chủng. Theo ông, sự lo lắng của các bà mẹ về biến chứng sau tiêm chủng có thái quá? Ông có lời khuyên gì cho các bà mẹ?
Trẻ em nên được chích ngừa vắc xin phòng chống bệnh sởi, quai bị và thủy đậu. Ở các nước tiên tiến, sở dĩ các bệnh này đã được xoá (hay gần xoá sổ) chính là nhờ có chương trình tiêm chủng quốc gia. Ở Việt Nam có phần khó khăn hơn vì xảy ra một số ca tử vong sau khi được tiêm vắc xin.
Tôi cũng hiểu được sự lo lắng, mất niềm tin vào chất lượng và sự an toàn của vắc xin của các bậc phụ huynh sau khi có hàng chục ca tử vong sau khi tiêm. Tôi nghĩ ngành y tế cần phải tạo uy tín và niềm tin ở công chúng, mới thuyết phục được họ.
Giữa lựa chọn chích ngừa và không chích ngừa cho trẻ, chích ngừa vẫn là lựa chọn sáng suốt nhất vì lợi ích của chính trẻ nhỏ. Nó không chỉ có lợi cho cá nhân người được chích ngừa mà còn cho cả cộng đồng. Tiêm vaccine cũng có biến chứng nhưng rất hiếm.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn là một nhà khoa học y khoa chuyên về dịch tễ học và di truyền loãng xương. Ông hiện là giáo sư thỉnh giảng cao cấp tại Đại học New South Wales, Úc.
Ông hiện đứng đầu nhóm nghiên cứu về loãng xương và di truyền học ở Viện nghiên cứu y khoa Garvan (thành phố Sydney thuộc tiểu bang New South Wales, Australia. "Gia tài" ông gồm hơn 400 bài báo khoa học đăng tải khắp các tạp chí chuyên đề uy tín thế giới.
Theo 24h.com.vn