Mặc dù có khá nhiều thay đổi được công bố trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 (giảm môn thi từ 6 còn 4 môn, trong đó có 2 môn tự chọn; điểm xét tốt nghiệp tổng hợp từ điểm thi tốt nghiệp và điểm trung bình năm học lớp 12...) nhưng hầu hết dư luận đều dự báo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2014 không thấp hơn năm trước. Quả đúng như vậy, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước tiếp tục tăng dần đều sau kỳ thi lịch sử năm 2007 (chỉ đạt hơn 66%) và đã cán mức 99%.
Cần đổi mới nữa không khi kết quả quá đẹp?
Tất nhiên, mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp THPT là đánh giá năng lực và trình độ học vấn phổ thông, khác xa với mục tiêu tuyển chọn của kỳ thi ĐH nhưng xã hội vẫn không vui với tỉ lệ tốt nghiệp gần như tuyệt đối vì bên cạnh đó còn ngổn ngang bao lo lắng chưa giải quyết về đội ngũ giáo viên, chương trình sách giáo khoa, cơ sở vật chất trường lớp,... mà nghị quyết về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đã nêu ra. Liệu có cần đổi mới căn bản gì nữa không khi mà kết quả giáo dục đã quá đẹp như thế? Liệu 1/3 thí sinh thi rớt tốt nghiệp năm 2007 có bị oan uổng chăng? Liệu kết quả kỳ thi kiểu 2014 có đáp ứng tiêu chí xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ? Liệu kết quả thi như vậy có giúp cho quá trình phân luồng sau THPT đạt hiệu quả cao hơn? Những câu hỏi này vốn đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa có lời giải đáp.
Liên tục nhiều năm trước đây, học sinh thi tốt nghiệp THPT phải thi 6 môn bắt buộc, trong khi thi ĐH, CĐ, thí sinh hoàn toàn được quyền tự chọn khối thi. Với việc cho phép thí sinh tự chọn 2 môn trong 4 môn thi, đã có sự tiếp cận gần hơn giữa 2 kỳ thi liền kề này dẫu rằng vẫn còn bất cập là thí sinh chọn khối thi ĐH, CĐ trước (vào tháng 3), sau đó mới chọn môn thi tốt nghiệp THPT (vào tháng 5).
Kỳ thi năm nay đã không có thủ khoa đạt điểm tuyệt đối. Kết quả sau hàng chục năm của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ “3 chung” cho thấy do đặc thù của môn thi, các thí sinh khối C (văn, sử, địa, tất cả đều thi theo phương thức tự luận) khó lòng đạt điểm tuyệt đối 30/30 như thí sinh khối A, A1, B. Vì vậy, khi xét khen thưởng sinh viên mới trúng tuyển, các trường đều chỉ tính thủ khoa theo khối thi. Theo thiển ý của chúng tôi, khó so sánh trực tiếp bằng điểm thi giữa các thí sinh khi chọn những môn thi khác nhau. Chỉ khi nào độ khó giữa các môn thi tương đương nhau và phổ điểm của các môn thi tương tự nhau thì danh hiệu thủ khoa mới có giá trị đích thực.
Cần biết sớm thay đổi của kỳ thi năm sau
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tuy thí sinh chỉ thi 4 môn nhưng thực chất phải tổ chức thi 8 môn thay vì 6 môn như những năm trước. Dẫu rằng tỉ lệ học sinh chọn môn thi rất chênh lệch nhau nhưng bước đầu đã tránh được việc xảy ra ở nhiều năm trước đây là bỏ không dạy và không học những môn không thi tốt nghiệp. Thí sinh đương nhiên phải học và luyện tập các kỹ năng, kiến thức mà kỳ thi yêu cầu thông qua dạng đề thi được ra.
Chính vì vậy, để tránh tình trạng học lệch và phát huy tối đa khả năng tư duy của người học, cần nhanh chóng sửa đổi việc ra đề thi bằng cách tích hợp các môn học cung cấp kiến thức tổng quát thành những môn thi chung thay vì là những môn thi riêng lẻ như hiện nay.
Có lẽ mong đợi lớn nhất của xã hội là sớm được biết kỳ thi năm sau sẽ có những thay đổi gì nữa để học sinh có sự chuẩn bị tốt nhất. Bên cạnh đó, việc tiến đến một kỳ thi chung dù đạt được ý kiến khá thống nhất nhưng kỳ thi chung đó như thế nào, là giữ lại kỳ thi tốt nghiệp, dùng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ hay giao việc xét tốt nghiệp THPT cho các sở Giáo dục và Đào tạo và chỉ giao cho các trường ĐH, CĐ chủ động tổ chức kỳ thi tuyển sinh hoặc tổ hợp cả 2 kỳ thi về tổ chức thi và đề thi?
Xã hội không chấp nhận kéo dài các thử nghiệm giáo dục và càng không chấp nhận việc “thử và sai”. Chính vào thời điểm này, các giải pháp kỹ thuật cụ thể về kỳ thi chung mang tính khả thi và phù hợp là rất cần thiết và cần được lấy ý kiến chuyên gia cũng như ý kiến rộng rãi.
Chính vào thời điểm này, các giải pháp kỹ thuật cụ thể về kỳ thi chung mang tính khả thi và phù hợp là rất cần thiết và cần được lấy ý kiến chuyên gia cũng như ý kiến rộng rãi.