Các em học sinh trường PTDTBTTH Nậm Chẩy giờ tự học
Trong số các chính sách hỗ trợ giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vùng DTTS đang được triển khai trên nhiều địa phương thì chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo Nghị định số 116/2016/NÐ-CP của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả rất tích cực. Hàng nghìn học sinh vùng khó khăn đã yên tâm học tập; chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt. Theo quy định tại Nghị định số 116, đối tượng thụ hưởng gồm: Học sinh các trường phổ thông dân tộc bán trú, học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc những xã vùng đặc biệt khó khăn, hoặc ở xa trường từ 4 đến 7km. Trong đó, mỗi học sinh sẽ được hỗ trợ tiền ăn mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở, tiền nhà ở mỗi tháng bằng 10% mức lương cơ sở và 15kg gạo. Thời gian hỗ trợ mỗi năm học tối đa là 9 tháng. Ðối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị; mua sắm, sửa chữa dụng cụ thể dục, thể thao, nhạc cụ, ti vi phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao và các vật dụng khác theo từng năm học. Ðồng thời nhà trường được lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất với mức hỗ trợ 50 nghìn đồng/học sinh/năm.
Gạo được cấp đến trường cho các em học sinh
Theo thầy giáo Nguyễn Văn Vinh, Trưởng Phòng Giáo dục và Ðào tạo (GD&ÐT) huyện Mường Khương cho biết: Năm học 2020 - 2021, toàn huyện có gần 3909 học sinh được hỗ trợ tiền ăn và hỗ trợ gạo với tổng số 207585 tấn gạo trong đó có 18 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) 12 trường không phải trường bán trú nhưng có học sinh được hưởng chế độ bán trú. Phòng GD&ÐT huyện thường xuyên hướng dẫn, tuyên truyền, vận động phụ huynh hoàn thiện hồ sơ hưởng chính sách hỗ trợ để các em yên tâm đến lớp học đầy đủ chương trình. Từ khi có chính sách hỗ trợ gạo, hầu như không còn tình trạng học sinh bỏ học để đi lao động, phụ giúp gia đình làm nương, làm ruộng... Hàng năm, tỷ lệ học sinh ra lớp bậc tiểu học, THCS luôn đạt 100%. Đây cũng là động lực để giáo dục vùng cao, vùng biên giới duy trì sĩ số.
Đến thăm trường PTDTBT TH Nậm Chẩy vào những ngày đầu mùa đông thấy được không khi thi đua dạy và học của thầy và trò nhà trường để lập thành tích chào mừng kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Trường PTDTBTTH Nậm Chảy là một trường đặt tiếp giáp vùng biên giới người dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, năm học 2020 – 2021 trường có tổng số 422 học sinh trong đó có 149 học sinh ở bán trú, mới ngày hôm trước nhà trường vừa tiếp nhận 6.880kg gạo để thực hiện cho học sinh ăn ở bán trú. Nhiều năm trở lại đây nhà trường luôn tổ chức họp phụ huynh học sinh bán trú để triển khai thông báo chế độ chính sách các em được hưởng đến từng phụ huynh, để phụ huynh biết và giám sát kịp thời việc thực hiện ăn ở bán trú của các con hàng ngày. Vào mỗi dịp hết học kỳ nhà trường tổ chức trả lại số gạo còn dư của các con cho các bậc phụ huynh. Hôm nay gặp anh Vàng Seo Sử ở thôn Sẩn Pản đến nhận gạo còn dư của năm học trước với số lượng 50kg anh chia sẻ; "Đảng và Nhà nước không chỉ quan tâm đến cái chữ mà còn quan tâm đến cái ăn cho các cháu, gia đình cũng được nhận gạo như thế nay tôi thấy rất vui. Gia đình tuy còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng động viên con mình đi học, biết nhiều cái chữ mới mong thoát nghèo được". Hôm nay nhà trường tổ chức trả lại số gạo của năm học trước cho 157 em với tổng số 157 bao gạo mỗi bao 50kg.
Phụ huynh và học sinh rất vui khi nhận quà từ các nhà từ thiện
Theo cô giáo Vũ Thị Kim Huệ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ; “Nhiều phụ huynh muốn đề nghị nhà trường cho các em ở cả thứ Bẩy và Chủ nhật để gia đình đỡ phải đưa đón vì ở trường được ăn uống đảm bảo hơn, đi học đầy đủ. Nhiều phụ huynh cũng thường xuyên xuống chợ rồi vào trường xem các con ăn uống và ở như thế nào cùng xem thực đơn khẩu phần ăn của các em xem có đảm bảo hay không? Cũng có nhiều phụ huynh cùng muốn đề nghị cho con ở bán trú nhưng các em không đủ điều kiện về số km để được hưởng. Năm học này các em ở bán trú không lo áo ấm nữa vì đã có đoàn từ thiện tặng mỗi em 2 chiếc áo. Nhờ chính sách hỗ trợ gạo, học sinh bán trú được ăn hai bữa chính và một bữa phụ trong ngày, có đủ thịt, cá, rau... sức khỏe các em được bảo đảm khiến phụ huynh rất yên tâm,”.
Em Thền Chủng Nghiệt, học sinh lớp 5A2 cho biết; “Ở trường vui lắm các em được thầy cô chăm sóc, ăn, ở, học tập chính vì vậy ở trường em cảm thấy thích hơn ở nhà. Ở đây cúng em còn được các đoàn từ thiện cho áo mới, ăn uống đầy đủ, nhiều bạn bè trong trường, tối đến được lên phòng tự học, được thầy cô dạy bảo, em cảm ơn các bác lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã lo cho chúng em có chỗ ăn ở, đi học chúng em hứa sẽ luôn chăm học thật giỏi để sau này là người có ích cho xã hội”.
Mô hình trường học bán trú đã thực sự nâng cao chất lượng giáo dục của huyện vùng cao biên giới như Mường Khương. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường cấp Tiểu học đạt 100%, cấp Trung học cơ sở đạt 98%. Đặc biệt, đối với học sinh ở bán trú, ngoài việc học, thông qua các hoạt động trồng cây, tăng gia sản xuất, các em được rèn luyện thêm kỹ năng sống và tự biết chăm sóc bản thân mình khi sống xa nhà./.
Đình Thơm