Học sinh bán trú tại trường THCS Thu Cúc, huyện Tân Sơn
Hàng năm, ngay sau khi tiếp nhận gạo hỗ trợ, Phòng Giáo dục và Đào tạo Tân Sơn đã tiến hành cấp phát về cho các trường học trên địa bàn để bảo quản phục vụ đời sống học sinh. Bên cạnh đó, Phòng cũng đã ban hành các văn bản, quyết định hướng dẫn các Trường học thực hiện quy trình cấp phát gạo đúng đối tượng theo danh sách đã được phê duyệt, cấp phát đầy đủ số lượng gạo hỗ trợ cho học sinh. Thầy giáo Đinh Trung Kiên, Hiệu trưởng trường THCS Thu Cúc cho biết: "Trường THCS Thu Cúc có tổng số 627 học sinh trong đó có 133 học sinh ở bán trú và đang được hưởng chế độ, là một trường có nhiều học sinh ở các thôn vùng khó khăn cách trường chính khoảng 17 km như: Bản Mỹ A, Ngả 1 và Ngả 2, nằm ở thôn vùng sâu, vùng xa, địa hình đồi núi, giao thông hiểm trở, hạ tầng cơ sở vật chất đang từng bước hoàn thiện. Ở đây phụ huynh học sinh có đời sống còn khó khăn rất nhiều. Khi được Nhà nước hỗ trợ tiền và gạo đã giúp con em họ có thêm điều kiện để cải thiện đời sống, yên tâm bám trường học con chữ".
Các em học sinh bán trú dọn vệ sinh sau giờ học .
Qua những đợt tiếp nhận, cấp phát gạo hàng năm, các bậc phụ huynh và các em học sinh càng hiểu biết rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm của mình đồng thời các em học sinh tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, tinh thần tự giác, tích cực, chủ động, sáng tạo để thi đua học tập đạt kết quả cao xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ. Theo Anh Hà Văn Tuấn ở xã Thu Cúc cho biết: "Đảng và Nhà nước không chỉ quan tâm đến cái chữ mà còn quan tâm đến cái ăn cho các cháu. Tôi cảm thấy rất vui. Gia đình tuy còn nhiều khó khăn nhưng tôi sẽ cố gắng cho con mình đi học, biết cái chữ mới mong thoát nghèo được".
Một góc trường mới được đầu tư khang trang, trường THCS Thu Cúc
Đây không chỉ là niềm vui của các em học sinh của thầy trò Trường THCS Thu Cúc mà còn là niềm vui chung của 575 học sinh bán trú Tiểu học, THCS có học sinh đang ăn ở bán trú hàng ngày tại trường trong huyện. 15kg gạo so với nhiều người không lớn nhưng với các em học sinh ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì đây thực sự là “món quà” nâng bước cho các em đến trường. Có dịp đến nhiều xã chứng kiến sự đổi thay hệ thống trường lớp của các trường TH và THCS có học sinh bán trú; chúng tôi mới cảm nhận hết được giá trị nhân văn của chính sách hỗ trợ gạo và tiền cho học sinh vùng khó khăn. Được tận mắt nhìn thấy các các em học sinh mỗi lần nhận gạo trong niềm vui hân hoan vào đầu năm học mới, ông Lê Anh Tuấn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Sơn không giấu được xúc động, nói: "Huyện Tân Sơn là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Phú Thọ, nguồn thu nhập của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính vì vậy con đường đến trường của các em còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Thế nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách hỗ trợ gạo, tiền ăn con đường đến trường của các em đã bớt gian truân hơn, tỉ lệ học sinh ra lớp và việc duy trì sĩ số học sinh được đảm bảo đúng theo yêu cầu của ngành đề ra trong năm học mới này".
Đình Thơm