Thầy Đặng Xuân Thịnh phát biểu
Cách đây đúng 50 năm – nửa thế kỷ đã trôi qua, vào năm 1969 của thế kỷ XX; khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn hết sức quyết liệt, tại xã miền núi Tràng Lương, Đông Triều, quê hương của Đệ Tứ chiến khu, nơi Trường Trung cấp Sư phạm tỉnh Quảng Ninh sơ tán, Ban Giám hiệu nhà trường đã cho ra đời lớp Văn – Sử D. Đây là một tập thể sư phạm gồm một số cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ, có người sau khi rời quân ngũ, đơn vị thanh niên xung phong, nhưng phần đông là thanh niên nam nữ tuổi 18– 20 vừa rời ghế nhà trường phổ thông chủ yếu quê ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh và một số là người tỉnh ngoài về học tập, rèn luyện để sau này trở thành những thầy cô giáo phục vụ sự nghiệp giáo dục đào tạo, sự nghiệp “trồng người” cho quê hương, đất nước.
Thời gian trôi nhanh như dòng nước lũ, những sinh viên của lớp Văn – Sử D ngày ấy, có một số ít anh chị sau này chuyển sang làm việc trong các lĩnh vực ngành nghề khác… tất cả các thành viên trong lớp ngày đó ra công tác đều là những cán bộ, giáo viên, đảng viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Đến nay mỗi người đã nên ông , nên bà, có người nên Cụ, tóc hoa sương, bạc trắng, đã mỏi gối, chồn chân vì trải qua hơn nửa cuộc đời với bao nhọc nhằn, khó khăn, gian khổ, cùng với bao niềm vui, hạnh phúc tràn đầy, có cả những nỗi buồn… trong cuộc sống gia đình, công tác và xã hội. Thời gian 47 năm dài dặc sau khi ra trường đến nay, ở mọi hoàn cảnh bộn bề của cuộc sống, công tác thì trái tim và khối óc của mỗi người có lúc vẫn thao thức nhớ về Mái trường Sư phạm Tràng Lương thân yêu ngày xưa. Ở nơi đó có hình ảnh của các thầy, các cô, các bạn thân thương, giản dị, đã cùng nhau lội suối, trèo đèo, đi rừng chặt tre, vác gỗ trĩu vai, tự tay dựng lên lớp học, ngôi nhà, mái tranh vách đất, gió lùa. Bữa ăn ngày đó chủ yếu là rau xanh, măng rừng với bánh “nắp hầm” bột mỳ, nước suối... Nhưng trong gian khổ, nhọc nhằn ngày ấy, mọi người vẫn đầy tràn niềm vui, khát vọng, ước mơ... như mô tả trong bài thơ Thị trấn Sư phạm của thầy Nguyễn Đình Pho đăng trong tạp chí Người Vùng mỏ để nhiều học trò yêu thơ, yêu mái trường sư phạm đơn sơ ngày ấy vẫn thuộc nằm lòng cho đến bây giờ: “Thủng thẳng xe trâu đi vào kỷ nệm; Cái rất gần gợi nhớ rất xa...” . Trong hoàn cảnh vô cùng khắc nghiệt đó, tình thầy trò, tình bạn, tình yêu… trong sáng, vô tư, đẹp tuyệt vời, cùng với bao khát vọng cháy bỏng ước mơ về nghề nghiệp, ngày mai ra trường sẽ là thầy cô đứng trên bục giảng dạy chữ, dạy người….
Thầy giáo Nguyễn Văn Dần giới thiệu từng Cựu giáo sinh của lớp
Tháng 6 năm 1972, sau khi tốt nghiệp khóa học, thầy trò và đồng nghiệp vội vã chia tay, anh chị em trong lớp đến với những mái trường thân yêu, trên mọi địa bàn công tác của tỉnh Quảng Ninh trong những ngày bom Mỹ hủy diệt nhiều địa phương miền Bắc. Thầy Nguyễn Thiệu Dụ, một giảng viên của trường ngày đó đã nói về những giáo sinh yêu quý của mình bằng hình ảnh chân thực trong những câu thơ rất cụ thể nhưng giàu khái quát và triết lý như sau: “Bùi Thúy Phượng mắt đen như than mỏ về dạy toán ở Hòn Gai; Phạm Bá Hùng thích làm thơ và nói chuyện tương lai về dạy văn ở đảo; Thơ sẽ hái trong mùa biển bão, Toán sẽ giải ra công việc mình làm…”
Ngừời xưa có câu: "Chim khôn dù bay xa đến đâu vẫn nhớ về tổ cũ"; Với nỗi nhớ thầy, nhớ cô, nhớ các anh, các chị và nhớ bạn bè đồng nghiệp trong lớp Văn - Sử D như triết lý về cuộc sống trong câu thơ của một tác giả nguyên là cựu giáo sinh trong lớp đã viết : "Cuộc đời tình nghĩa xiết bao; Ở thì ít, nhớ về nhau thì nhiều"... Điều đó đã thôi thúc Ban liên lạc lâm thời của lớp gồm: Chị Hoàng Thị Tiền (cựu lớp phó), anh Nguyễn Văn Dần và Đoàn Xuân Trường liên hệ với nhau, tự nguyện lập nên một Ban liên lạc Cựu giáo sinh lớp Văn - Sử D. Mỗi người đều chịu khó đi tìm thông tin để rồi liên hệ trực tiếp với các anh, chị, các bạn... Và lớp ngày đó đã có buổi đoàn tụ đầy bất ngờ, cảm động giờ đây... Có thể nói, buổi gặp mặt hôm nay là sự kiện lịch sử của các Cựu giáo sinh lớp Văn- Sử D Sư phạm Tràng Lương năm xưa ...
Thầy Đặng Xuân Thịnh chụp ảnh cùng giáo sinh cũ của lớp
2. 50 năm đã đi qua, trong suốt quá trình học tập và ra công tác các cựu giáo sinh lớp Văn Sử D luôn được các thầy, các cô là giảng viên Trường sư phạm Tràng Lương ngày ấy ân cần giảng dạy, truyền nghề và động viên để vượt qua bao gian khó, vươn tới thành công. Mặc dù bận trăm công ngàn việc, xa cách về thời gian, không gian; hôm nay các thầy đại diện cho tập thể cán bộ, giảng viên Trường Trung cấp sư phạm tỉnh Quảng Ninh ngày ấy... vẫn dành cho các Cựu giáo sinh lớp văn sử D của mình một tình cảm thân thương, đầm ấm đặc biệt. Các thầy đã đến dự và động viên chúng em trong buổi họp mặt đầy ý nghĩa và cảm động này. Xin chân thành cảm ơn thầy Hiệu trưởng và Ban giám hiệu Trường THPT Hòn Gai đã nhiệt tình giúp đỡ để chúng ta có buổi họp mặt thân mật tại ngôi trường THPT có bề dày lịch sử, giàu thành tích dạy tốt, học tốt nhất tỉnh Quảng Ninh nằm bên bờ vịnh Hạ Long xinh đẹp, kỳ quan của thế giới này.
3. Trong niềm vui, xúc động chân thành của buổi gặp gỡ hôm nay, chúng ta bùi ngùi, thương tiếc tưởng nhớ tới các thầy giáo, cô giáo, đặc biệt có Thầy giáo Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Hưu cùng người bạn đời là cô giáo Lê Thị Tơ – người đồng nghiệp cùng lớp chúng ta; Bác Nguyễn Văn Tuấn, anh: Vũ Văn Vần, anh Nguyễn Thế Long, anh Phùng Lãng, anh Đoàn Ngọc Thủy, anh Nguyễn Tiến Châu, chị Hoàng Thị Quyên... và có thể còn nữa... đã vĩnh biệt chúng ta.
4. Nội dung chính của buổi gặp mặt hôm nay là để các thầy, các anh, các chị và các bạn tâm sự, nói lên suy nghĩ, tình cảm và công việc của mình trong thời gian qua; đồng thời bàn đến công việc của lớp hoạt động trong thời gian tới, hẹn gặp lại nhau đông vui hơn vào lần sau./.
Bài, ảnh: Trương Huyền