Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcKết luận nứt trụ cầu Vĩnh Tuy do co ngót bê tông là... vội vàng

Kết luận nứt trụ cầu Vĩnh Tuy do co ngót bê tông là... vội vàng

Thứ hai, 24 Tháng 2 2014 04:43
Liên quan đến vết nứt ở trụ cầu Vĩnh Tuy, theo PGS. Trần Chủng, khi chưa tiến hành kiểm định mà kết luận do co ngót bê tông là hơi vội vàng.  

Đó là nhận định của các chuyên gia đầu ngành về giao thông khi đánh giá về những vết nứt bất thường dọc trụ cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội). Phản hồi về thông tin từ phía cơ quan chức năng cho rằng vết nứt trên không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ và vẫn đảm bảo cho cầu khai thác an toàn, nhiều chuyên gia khẳng định, đó là cái nhìn tương đối bàng quan. Nếu chỉ ở mức bình thường sẽ tiến hành gia cố được, trường hợp nghiêm trọng có thể phải thay thế bằng trụ mới để đảm bảo an toàn cho cả cây cầu.

 

Xahoi-hoangtrung67

Vết nứt dọc trụ cầu Vĩnh Tuy dài hàng chục mét.

Vết nứt phát lộ nhiều bất thường

Để làm rõ những thông tin về hiện tượng trụ cầu Vĩnh Tuy xuất hiện vết nứt, PV Đời sốngpháp luật đã trực tiếp xuống hiện trường để thu thập dữ liệu.

Đúng như phản ánh, không khó để nhận ra một vết nứt hàng chục mét chạy dọc trụ cầu H22 (còn được ký hiệu là T22), kéo dài dọc tim dầm từ sát mặt đất lên giữa thân. Phía chân trụ, điểm tiếp giáp nền đất có hiện tượng rỉ nước, bê tông phồng lên, xuất hiện mảng rêu bám. Trong khi đó, các trụ khác vẫn có bề mặt trơn nhẵn, không xuất hiện tình trạng nứt như trụ H22.

Theo quan sát của PV, trụ H22 nằm ở vị trí giữa sông Hồng. Đây là một trong những trụ đỡ nhịp chính của cầu. Tại trụ H22 cũng xuất hiện một số vết nứt ngang, tuy nhiên không rõ ràng như vết nứt dọc tim này. PV đã lập tức liên lạc với các chuyên gia đầu ngành về cầu đường và giao thông để đánh giá về những nghi vấn kể trên.

Sau khi xem những bức ảnh chụp cận cảnh vết nứt dọc trụ cầu Vĩnh Tuy, PGS. TS Phạm Huy Khang, Trưởng bộ môn xây dựng đường ô tô - sân bay (ĐH Giao thông vận tải) cho rằng, vết nứt này phát lộ nhiều điểm bất thường. Theo quan điểm của PGS. Khang, nếu xuất hiện những vết nứt ngang hoàn toàn thì còn có thể do khâu thi công, đằng này vết nứt xuất hiện dọc trụ cầu là minh chứng cho những dấu hiệu không đơn giản. "Vết nứt dọc bao giờ cũng nguy hiểm hơn những vết nứt ngang. Nước càng ngấm sâu vào bên trong sẽ càng nguy hiểm hơn", PGS. Khang nhấn mạnh.

Cũng trao đổi với PV báo Đời sống và pháp luật, PGS. TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, cần phải có cách tiếp cận chặt chẽ và khoa học mới đưa ra đánh giá đầy đủ được. Những yếu tố cần phải đánh giá là cấu tạo, tính chất hoạt động của kết cấu cũng như lịch sử thi công và khai thác sử dụng. Một điểm khác cũng vô cùng quan trọng là lịch sử xuất hiện và phát triển của vết nứt này. "Tôi mới xem qua hình ảnh chụp, cũng chưa tiếp cận với hồ sơ nên chưa khẳng định được. Nhưng tôi cho rằng, vết nứt dọc là biểu hiện bất thường. Đây là trụ bê tông rỗng, dạng nứt dọc có vẻ không phải dọc chịu lực thông thường. Cần thiết phải thành lập đơn vị kiểm định, sử dụng phương tiện kỹ thuật để "siêu âm", tìm ra nguyên nhân sớm nhất", vị này cho biết.

Liệu có thực sự an toàn?

Trong một diễn biến mới nhất, theo nguồn tin mà PV thu thập được, sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã thành lập đoàn kiểm tra đến trực tiếp hiện trường để thẩm định về vết nứt dọc trụ cầu Vĩnh Tuy. Sở cũng đã có văn bản báo cáo Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (bộ Xây dựng). Theo đó, sở GTVT cho biết, vết nứt dọc trụ H22 có độ rộng 2,3 đến 2,6mm, chiều dài vết nứt từ điểm tiếp giáp đất lên trụ khoảng 10m. Nguyên nhân vết nứt, theo đánh giá ban đầu có thể do co ngót bê tông, cần phải theo dõi.

Về khả năng chịu lực, công trình đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước cầu Vĩnh Tuy nghiệm thu đưa vào sử dụng. Vết nứt dọc trụ H22 không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ. Trụ H22 vẫn đảm bảo khả năng khai thác an toàn. "Hội đồng thống nhất biện pháp xử lý vết nứt theo hướng bơm keo bảo vệ cốt thép lớp trong và tiếp tục theo dõi", đại diện sở GTVT cho biết.

PV cũng liên lạc với Ban quản lý dự án Tả Ngạn (thuộc UBND TP.Hà Nội) - chủ đầu tư xây dựng công trình để làm rõ hơn những thông tin liên quan. Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Ban quản lý dự án Tả Ngạn cho biết: "Ban quản lý đã cử cán bộ tham gia cùng đoàn kiểm tra của sở GTVT để xác định nguyên nhân vết nứt. Mọi thông tin, phía Sở sẽ phát ngôn chính thức".

Trước đánh giá sơ bộ của các cơ quan chức năng, giới chuyên gia cho rằng, sẽ là quá vội vàng nếu kết luận vết nứt trên ở mức an toàn. Theo PGS. Phạm Huy Khang, vết nứt này chắc chắn sẽ ảnh hưởng, chỉ có điều sức ảnh hưởng dừng ở mức nào. Về mặt lý thuyết, nước ngấm dần vào bên trong, ăn mòn cốt thép và bê tông, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến an toàn của công trình. "Nếu ở mức bình thường có thể khắc phục bằng phương pháp gia cố, nhưng nếu nghiêm trọng có khi phải thay thế trụ cầu mới", vị này nhận định.

Trong khi đó, PGS. Trần Chủng lại cho rằng, giải pháp phủ keo tại vết nứt chỉ có tác dụng tạm thời, giúp ngăn chặn các tác nhân xâm thực vào bê tông và ăn mòn cốt thép, còn về lâu dài sẽ không mang lại hiệu quả. Bởi keo chỉ có tính chất kết dính chứ không có tác dụng liên kết, chịu lực. Còn sau này, nếu áp dụng phương pháp gia cường, sẽ  phải sử dụng loại keo khác, có tính chất tương tự bê tông giúp hàn gắn và chịu lực cho công trình.  

Ở một diễn biến khác, trả lời báo chí, ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (bộ Xây dựng), cho biết, Cục đã nhận được báo cáo ban đầu của sở GTVT Hà Nội về tình trạng nứt trụ H22 cầu Vĩnh Tuy. "Cục sẽ chỉ đạo đoàn kiểm tra thực tế hiện trường để đánh giá mức độ của sự cố. Còn việc thuê tư vấn độc lập để kiểm định trụ cầu sẽ do chủ đầu tư thực hiện theo công trình, vì đây là công trình đã đưa vào sử dụng và có thời gian bảo hành", ông Hùng nói.

Kết luận do co ngót bê tông là vội vàng!

Theo PGS. Trần Chủng, khi chưa tiến hành kiểm định mà kết luận do co ngót bê tông là hơi vội vàng. Thông thường, có hai dạng co ngót. Giai đoạn đầu (còn gọi là co mềm) xuất hiện khi bê tông chưa liên kết. Những vết nứt do co mềm thường sâu, có thể xuyên qua tiết diện. Giai đoạn thứ hai (còn gọi là co khô), thường thể hiện trên bề mặt những vết nứt rạn, đột ngột và không đồng đều. Để xác định chính xác cần phải trải qua quy trình kiểm định, chưa thể khẳng định ngay là do co ngót được.

Sử dụng được hơn 3 năm đã xuống cấp?

Cầu Vĩnh Tuy có chiều dài tuyến chính gồm cầu vượt sông và đường hai đầu cầu khoảng 5.800m, trong đó, chiều dài cầu vượt sông Hồng là 3.700m. Đây là một trong 7 cây cầu bắc qua sông Hồng trên địa bàn Hà Nội theo quy hoạch phát triển Thủ đô đến 2020. Mặc dù mới được đưa vào sử dụng từ tháng 9/2009, với tổng vốn đầu tư 5.500 tỷ đồng nhưng đến nay cầu Vĩnh Tuy đã xuống cấp nghiêm trọng. Trên mặt cầu đã xuất hiện nhiều vết nứt ngang, hai bên làn dành cho xe máy tạo thành những vệt dọc dài rất nguy hiểm.

 


Theo DSPL

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516