Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcKỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2014): Triệu trái tim hướng về Đại tướng

Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7.5.1954 – 7.5.2014): Triệu trái tim hướng về Đại tướng

Thứ tư, 07 Tháng 5 2014 02:13
Những người lính và người dân thắp hương cho Đại tướng. Ảnh: VIẾT LONG Những người lính và người dân thắp hương cho Đại tướng. Ảnh: VIẾT LONG
Những ngày đầu tháng 5, dòng người đổ về Vũng Chùa – Đảo Yến viếng mộ phần Đại tướng Võ Nguyên Giáp nối dài ngút tầm mắt.

Bức ảnh kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đặt gần khu mộ càng làm không khí thêm lắng đọng, ai ai đến viếng cũng rưng rưng nhớ về Người.

Ông Hoàng Khắc Thàng, 90 tuổi, quê ở Cửa Lò (Nghệ An), nguyên chiến sĩ thuộc Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, Bộ Quốc phòng, trào nước mắt khi thắp nén hương lên mộ Đại tướng. Ông nói: “Từ khi Đại tướng mất, tôi nhiều lần bảo con, cháu đưa vào đây để thắp nén hương cho Đại tướng nhưng do sức khỏe nên nhiều lần tính đi mà chưa thực hiện được. Lần này tôi quyết tâm đến đây bằng được để báo cho Đại tướng biết chiến thắng Điện Biên Phủ đã tròn 60 năm, những người lính và dân tộc Việt Nam mãi nhớ ơn Đại tướng”.

Bồi hồi nhớ thương

Ông Thàng nhớ lại trận Điện Biên Phủ là một trận đánh ác liệt nhất trong các trận đánh ông từng tham gia: “Với sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta đã từ kế hoạch “Đánh nhanh thắng nhanh” sang “Đánh chắc, tiến chắc” đó là quyết định vô cùng sáng suốt của Đại tướng mà cả thế giới kính phục. Trước kế hoạch đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ bao vây sân bay Hồng Cúm, mục đích để cô lập, ngăn không cho địch kéo về chi viện cho phân khu trung tâm hoặc phá vây chạy sang Lào.

Với nhiệm vụ quan trọng này, chúng tôi đã dùng núi khống chế đồng bằng làm cho địch hoang mang. Tuy vậy, những ngày đầu quân địch có hỏa lực mạnh, nhiều loại máy bay chiến đấu hiện đại đã khiến cho cuộc vây ráp của ta gặp không ít khó khăn. “Mỗi lúc quá mệt và đói, anh em chúng tôi không ai buông súng, một tay cầm lương khô, một tay xả đạn vào quân địch. Buổi tối nếu yên tiếng súng, một hai anh em ở trong hầm mới dám bò ra ngoài hái lá tàu bay ăn cho đỡ đói để đủ sức đánh giặc…”.

Đặc biệt vào đầu tháng 5, chúng tôi nhận được lệnh của Đại tướng đánh dần vào đồn C làm cho địch không chi viện được cho Mường Thanh. Trước tình thế mới, chúng tôi tập trung đào hầm bí mật để đưa pháo vào và tấn công quân địch. Bị đánh bất ngờ và không lường trước nên quân địch như bị tê liệt khiến cho việc chi viện của quân địch cho cứ điểm Mường Thanh không được. Từ đó, sức mạnh quân địch trên chiến trường Điện Biên Phủ mất khả năng kháng cự giúp quân ta giành thắng lợi lớn trên toàn chiến trường Điện Biên Phủ. “Tôi còn nhớ khi quân Pháp đầu hàng, mỗi người lính chúng tôi sung sướng vô cùng. Hàng trăm chiến sĩ nhảy khỏi hầm giơ khẩu súng lên trời hô lớn khẩu hiệu: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm”… Tiếng hô cứ vang khắp từ chân đồi này đến đỉnh đồi khác làm cho ai cũng sung sướng không thể nào diễn tả được hết. Nhất là những hình ảnh uy nghi của quân đội Việt Nam cầm súng bắt hàng ngàn tù binh ra khỏi hầm đầu hàng…” – ông Thàng bồi hồi nhớ lại.

Khắc ghi công lao Đại tướng

Người lính luôn đau đáu cho dân tộc

Ông Nguyễn Đình Hoài, 89 tuổi, cựu binh thuộc đoàn 305, Quân khu 5, nhớ lại: “Tôi chỉ được một lần nhìn Đại tướng đi qua chiến khu An Khê (Gia Lai) nhưng nó đã để lại trong mỗi người lính chiến trường nhiều ấn tượng về Người. Đó là một người lính luôn đau đáu làm sao cho dân tộc được tự do, là người lính luôn tìm cách để những cuộc thắng lợi không đổ quá nhiều xương máu của mọi người. Đó là điều những người lính như chúng tôi rất kính trọng và không biết dùng lời gì để diễn tả hết được nỗi niềm này”.

Nhìn những tấm ảnh của Đại tướng bên khu mộ, ông Thàng rưng rưng nước mắt: “Từ lúc nghe tin Đại tướng mất tôi rất buồn, vì người dân đất Việt từ nay sẽ mất đi một con người vĩ đại, một sinh khí vốn tồn tại lâu đời với chúng ta. Đặc biệt, những người lính Điện Biên Phủ như chúng tôi hôm nay cảm thấy hụt hẫng, thương tiếc trước sự ra đi của Đại tướng… Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu đã tròn 60 năm, ước gì Đại tướng còn sống thì sung sướng biết bao…”.

Cầm bó hoa cúc đặt nhẹ lên mộ Đại tướng, ông Nguyễn Văn Lịch, 89 tuổi, quê Hà Tĩnh, thuộc Đại đoàn 304, Bộ Quốc phòng, quay người ra phía Đảo Yến để cố che những giọt nước mắt đang lăn trên gò má. Ông nói: “Nén hương tôi mong Đại tướng yên lành nơi chín suối và mỗi chúng tôi, những người chiến sĩ Điện Biên, cùng con cháu ngàn đời vẫn ghi nhớ và biết ơn sâu sắc đến những cống hiến của Đại tướng cho nước Việt Nam này…”.

Đối với ông Nguyễn Văn Lịch, trận chiến Điện Biên Phủ gắn với ông rất nhiều kỷ niệm: “Khi đó, chúng tôi được giao nhiệm vụ liên lạc với các cứ điểm. Vì vậy, thông tin chỉ huy của Đại tướng chúng tôi đều truyền đi. Trong những lần liên lạc, tôi nhớ nhất có lần chỉ huy tôi bảo, Đại tướng có chỉ thị mới là đánh chắc, tiến chắc. Nếu các chiến sĩ chưa chắc thắng thì bao vây nhằm tiêu hao sinh lực địch, không được để chiến sĩ chúng ta hy sinh quá nhiều. Sau ngày chiến thắng, tôi mới hiểu Đại tướng rất lo lắng cho các chiến sĩ và không muốn quân ta hy sinh nhiều trên chiến trường. Điều đó làm tôi kính trọng Đại tướng vô cùng… Tôi nghĩ không có lời nào diễn tả hết được công lao Đại tướng. Hôm nay đứng trước mộ của Người và tròn 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ tôi và những người lính năm xưa xin gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Đại tướng của nhân dân…!”.

Theo Plo.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516