Đoàn Xuân Trường
Nhà thơ Nguyễn Châu có 10 năm sống và công tác tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh sau khi tốt nghiệp Trường Sư phạm của tỉnh năm 1971. Cũng như nhiều thầy cô giáo trẻ ngày ấy, 21 tuổi anh tình nguyện đến với huyện miền núi biên giới nhận nhiệm vụ dạy chữ, dạy người cho học sinh là con em đồng bào các dân tộc vùng cao trong tâm thế rất nhẹ nhàng, thoải mái: “Tất cả gia tài đựng trong chiếc ba lô/Bộ quần áo với cuốn Kiều đã cũ/ Sách giáo khoa và giáo án mẫu/Khoác ba lô hăm hở lên đường” (Mùa xuân ở đó).
Nhà Giáo, Nhà Thơ Nguyễn Châu
Bình Liêu là huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, đó là địa phương miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đồng bào các dân tộc ít người ở cách xa nhau, giao thông đi lại chủ yếu là đường mòn phải vượt qua núi, đèo, rừng rậm, sông, suối quanh co. Tuy nhiên, chẳng có chút gì băn khoăn, do dự đối với một thầy giáo trẻ giàu xúc cảm lần đầu tiên xa gia đình gặp cảnh vật và con người nơi đây thấy cái gì cũng lạ, trong tâm hồn anh bỗng dâng lên chút thi vị lãng mạn cùng với tình yêu nghề nghiệp:“Trên đường đi gặp viên đá màu nâu/ Gói bỏ túi để sau làm thí nghiệm…” Lạc quan, tin yêu cuộc sống sau mỗi lần vượt qua dốc cao, suối sâu bằng đôi chân đi bộ đã cho Nguyễn Châu cách nhìn, cách cảm khi tự mình nhận ra tương lai đang ở phía trước: “ Lên cao nữa mùa xuân ở đó/ Nghe ba lô khe khẽ hát trên lưng” (Mùa xuân ở đó). Vậy, điều gì đã cuối hút, thôi thúc thầy giáo trẻ hết hồn, hết sức cống hiến cho vùng đất xa xôi, gian khó này, thấm thoắt cách nay đã gần nửa thế kỷ.
Bình Liêu là huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh, đó là địa phương miền núi, biên giới phía Đông Bắc của Tổ quốc với địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, đồng bào các dân tộc ít người ở cách xa nhau, giao thông đi lại chủ yếu là đường mòn phải vượt qua núi, đèo, rừng rậm, sông, suối quanh co. Tuy nhiên, chẳng có chút gì băn khoăn, do dự đối với một thầy giáo trẻ giàu xúc cảm lần đầu tiên xa gia đình gặp cảnh vật và con người nơi đây thấy cái gì cũng lạ, trong tâm hồn anh bỗng dâng lên chút thi vị lãng mạn cùng với tình yêu nghề nghiệp:“ Trên đường đi gặp viên đá màu nâu/ Gói bỏ túi để sau làm thí nghiệm…” Lạc quan, tin yêu cuộc sống sau mỗi lần vượt qua dốc cao, suối sâu bằng đôi chân đi bộ đã cho Nguyễn Châu cách nhìn, cách cảm khi tự mình nhận ra tương lai đang ở phía trước: “ Lên cao nữa mùa xuân ở đó/ Nghe ba lô khe khẽ hát trên lưng” (Mùa xuân ở đó). Vậy, điều gì đã cuối hút, thôi thúc thầy giáo trẻ hết hồn, hết sức cống hiến cho vùng đất xa xôi, gian khó này, thấm thoắt cách nay đã gần nửa thế kỷ.
Trước hết tác giả nhận ra chính mình được bà con dân bản thương yêu, đùm bọc, sẻ chia như những người thân trong gia đình:“Bếp lửa nhà sàn ấm áp canh thâu/ Tôi sưởi những đêm đông khó ngủ/Cơn sốt rừng cấu cào như dã thú/ Bàn tay mế già ấm vị lá xông.” (Gửi Bình Liêu); Lớn lao hơn vẫn là tình yêu con trẻ và trách nhiệm của người thầy giáo: “ Mỗi sáng, ngắm dáng trẻ nhô lên đỉnh dốc/ Tôi thấy tình yêu như rất đủ đầy” (Vượt dốc).
Gắn bó với vùng đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về vật chất cũng như tinh thần nhưng tác giả không chút tỏ ra buồn nản, bi quan. Điều quyết định mang đến nhận thức và hành động có ý nghĩa sâu sắc khi anh phát hiện ra những vẻ đẹp từ thiên nhiên, con người ở một địa phương giàu bản sắc văn hóa dân tộc: “ Bên này là núi non trùng điệp/ Là suối, là mây lượn quanh đồi/ Là câu Soóng cọ câu Si lượn/ Là hội Au pò… những lứa đôi ! (Tản mạn vùng biên) và: “ Con gái bản em/ Đứa nào cũng nghịch/ Trèo cây hái hồi/ Rúc ra rúc rích… Tay gẩy đàn tính/ Lắng trầm đêm sâu” (Con gái bản em). Ngưởi đọc dễ dàng nhận ra thiên nhiên và con người Bình Liêu trong thơ Nguyễn Châu ngày đó rất hùng vĩ, sống động, đầy lạc quan… tất cả như hòa quyện, bắt nguồn từ truyền thống xa xưa của ông cha truyền lại, nay thêm rộn ràng, cuốn hút.Thơ Nguyễn Châu dành nhiều ý hay, lời đẹp để ngợi ca những người lao động, đặc biệt là hình ảnh các cô gái, chàng trai ở công việc, vị trí nào cũng thấy họ rất đẹp, lam làm: “Biết em đi trồng rừng/Hương hồi tuôn như thác/Biết em đi trồng bắp/ Bắp đua nhau bồng con/ Biết em đi đắp đập/ Nước hiền như lúa non…(Tiếng kèn tìm bạn). Người lao động được chia sẻ, cảm thông bằng những câu thơ chân thật nhưng rất có tình khi tác giả khéo léo dùng từ “ thương” láy đi láy lại nhiều lần để rồi ai cũng như được động viên, an ủi, bớt đi những nhọc nhằn, vất vả: “Em tưới cam trán ánh mồ hôi/ Anh thương em muốn làm ngọn gió/ Đất thương em nuôi đồi cam trĩu quả/ Cam thương em mật đọng bên trong” (Cô gái nông trường cam). Vâng, trong cuộc sống hàng ngày chỉ có tình thương yêu thì dù vất vả gian nan đến đâu con người cũng vượt qua, đem đến thành công. Lao động sản xuất tạo ra vẻ đẹp như một bức tranh hòa quyện giữa mùa xuân vùng cao vốn có khi tuổi trẻ cùng chung tay sản xuất: “Tháng Giêng ngô xanh rẫy xa/Tháng Ba sắn giăng bản thấp/ Em đan gùi đợi kỳ bẻ bắp/ Anh tìm mật ong trong rừng ngào ngạt lá hoa thơm…” (Giữa trăm ngọn núi). “Ở chợ về con chim vào tổ/ Một vầng trăng lên giữa rừng thơm/ tới đầu xóm ấm nồng bếp lửa/ Hương hồi bay vào trong bữa cơm” (Hương rừng hồi).
Mỗi khi bắt gặp màu sắc, âm thanh và không khí tưng bừng của vùng đất có nhiều lễ hội, Nguyễn Châu bị cuốn hút bởi tiếng đàn, tiếng hát làm thiên nhiên ở đây như cũng lay động, hòa cùng: “Con gái Nùng đi từ Pạc Cặm, Pạc Pùng/Con trai Nùng đến từ Lùng Vài, Lùng Cả/ Tiếng đàn tính luồn trong kẽ lá/ Câu Si mượt mà vượt dốc núi cao” (Tiếng đàn mở hội). Hoặc: “Tiếng kèn qua đồi núi/ Sao bàn chân ngập ngừng ?”.
Trong gia tài sáng tác của nhà thơ Nguyễn Châu những bài thơ, câu thơ hay nhất là khi tác giả viết về thầy cô giáo, nhà trường và học sinh ở Bình Liêu cách đây nửa thế kỷ bằng một cảm xúc tự nhiên, chân thành nhưng có sức lay động sâu xa. Bài “Núi cõng em” kể lại một truyền thuyết rằng, phía mặt trời có cái hang huyền bí trong hang có “Cuốn sách thần kỳ /Dạy người Dao, cái hay cái phải / Dạy làm phai, cày bừa, gặt hái /Dạy tìm ra cuộc sống ấm no…”.Hai chị em Tiểu Hồng và Tiểu Hoa lặn lội đi tìm cuốn sách nhưng chẳng thấy sách đâu, cuối cùng “Tiểu Hoa kiệt sức rồi, Tiểu Hồng phải cõng em” và “ Hai chị em hóa dáng núi thân quen”…Câu chuyện xưa gợi lại chuyện buồn ca ngợi đức hy sinh của hai cô gái mong tìm ra cuộc sống mới cho dân bản nhưng không thành….Cũng là dân bản ở đó họ kể lại công việc của cô giáo được phân công về địa phương giảng dạy, tại đây cô giáo đã dạy chữ, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước … đem đến cuộc sống mới có nhiều đổi thay, tiến bộ: “Từ buổi có em - cô giáo trẻ/ Người Dao biết chung lưng trồng lúa/ Cây lúa thương người, nhiều nhánh nặng bông”. Cảnh quan quê hương tươi đẹp, rộn ràng vui cùng dân bản và luôn ghi nhớ hình ảnh cô giáo: “Suối Na Tầm in mãi bóng em chảy về muôn phương dào dạt/ Cây kèn trên tay người rạo rực/ Trường mới dựng lên ấm tiếng đánh vần”. Đó là công sức, trí tuệ và tình cảm của các thầy cô giáo “ cắm bản” - cách nói dân dã trong ngành Giáo dục ngày nay: “ Cuốn sách em là cuốn sách thần/ Sớm chiều mở hóa niềm vui làng bản”. Để có kết quả, thành công như vậy chính là thầy cô giáo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với công việc dạy chữ, dạy người ở một địa phương vùng cao xa xôi. Tuy nhiên, trên đất nước ta hiện nay và Bình Liêu nói riêng đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa còn không ít khó khăn, thiếu thốn. Các thầy cô giáo vẫn phải tiếp tục vượt lên chính mình trong điều kiện của thời tiết khắc nghiệt để tiếp tục dạy chữ, dạy người cho con em dân bản: “Dân bản ấm no rồi em đi bản xa hơn…”. Câu thơ trong bài “Núi cõng em” giàu hình ảnh, âm điệu dân gian miền núi, Nguyễn Châu đã khắc họa được hình ảnh các cô giáo trẻ trong cuộc sống mới góp phần tích cực đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân các dân tộc vùng cao, không giống như Tiểu Hồng và Tiểu Hoa thủa trước. Ở bài thơ “ Vượt dốc” với cách nhìn từ trách nhiệm của một nhà giáo, tác giả bày tỏ suy nghĩ, tình cảm của mình khi nhận ra nỗi trống vắng trong tâm hồn thầy cô mỗi khi học sinh bỏ học: “Gì thiếu hụt bằng vắng tiếng đùa lũ trẻ/ Tôi vội trèo đèo đến với các em…” . Những vất vả, nhọc nhằn tiếp tục thách thức các thầy cô khi phải vượt dốc đến từng nhà các em để dạy học: “Những trưa dạy ở nhà Chăn Dào, A Chi/Những tối, tôi sang Khe O, Khe Cóc…”. Tấm lòng yêu thương con trẻ hết mực cùng với trách nhiệm cao cả của thầy cô đã nuôi dưỡng các em lớn lên, tạo cho các em nhận thức mới tiến bộ: “ Bọn trẻ thương tôi đi về khó nhọc/ Lại rủ nhau về học đông vui…”. Bài thơ kể về những tình huống cụ thể diễn ra trong nghề dạy học các em học sinh vùng cao nhưng cũng đem đến cho người đọc một triết lý nghề nghiệp đơn giản mà sâu sắc khi tác giả lại dùng đến chữ “ thương” có tính chất “ bắc cầu”: Thầy thương trò – Trò thương thầy – Dân bản thương thầy… từ đó mỗi thầy cô càng nhận thấy trách nhiệm của mình nhiều hơn: “Dân thương tôi rủ nhau làm trường xây/ Bầy trẻ giờ đây không em nào bỏ học/ Thương các em đến trường khó nhọc/ Tôi biết mình vượt dốc nhiều hơn…”.
Tác giả Nguyễn Châu còn rất nhiều bài thơ khác viết về ngành Giáo dục, về thầy cô giáo và học trò. Mảng văn thơ viết cho thiếu nhi của anh cũng có nhiều thành công, với 2 tập thơ (Sừng trăng, Vòng tròn của hoa), 2 tập văn (Nhái bén ra biển và Anh em nhà kiến) Anh đã 2 lần đoạt giải cuộc thi sáng tác văn học cho thiếu nhi của Hội nhà văn, Ủy ban Chăm sóc và bảo vệ tre em Việt Nam và UNISEF Hà Nội tổ chức ( Giải Ba và giải Tư); Giải thưởng cuộc thi sáng tác thơ cho lứa tuổi mầm non của Bộ Giáo dục ( Giải Tư), và 5 lần đoạt giải Văn Nghệ Hạ Long (từ giải Nhì đến Khuyến khích)... Ở đó tác giả thể hiện rõ nhất lòng yêu người, yêu nghề dạy học và làm thơ, viết truyện thiếu nhi cho đến khi trở thành Nhà thơ.... (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Hạ Long ) nhưng theo tôi hai bài “Núi Cõng em” và “Vượt dốc” vẫn là những bài thơ hay nhất viết về đề tài này. Nhắc lại một kỷ niệm cách đây hơn 30 năm, khi tôi đem thơ của Nguyễn Châu giới thiệu với Nguyễn Đăng Vũ đang học Cao học tại Hà Nội, Nguyễn Đăng Vũ đọc rất thích, anh nói với tôi và mấy bạn văn rằng: “ Đây là một trong những tác giả làm thơ hay nhất về ngành Giáo dục nước ta…”. Nguyễn Đăng Vũ sau này cũng trở thành Nhà thơ, Tiến sĩ, Giám đốc Sở Văn hóa tỉnh, hiện ông là Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng ( tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1975 Nguyễn Châu nhận giải Khuyến khích trong cuộc vận động sáng tác Văn học về thầy giáo và nhà trường do Bộ Giáo dục và Hội Nhà văn phối hợp tổ chức. Nhà thơ Nguyễn Châu còn nhận được nhiều giải thưởng chính thức qua các cuộc thi sáng tác thơ văn của tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan ở Trung ương.
50 năm đã qua, nay đọc lại những bài thơ của Nhà thơ Nguyễn Châu viết về Bình Liêu, một huyện miền núi, vùng cao biên giới của tỉnh, chúng ta hình dung được rất rõ cảnh vật thiên nhiên và con người, cuộc sống nơi đây thật sinh động, hoành tráng, một vùng đất thấm đẫm Bản sắc văn hóa dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Đặc biệt, bạn đọc cảm nhận được tình yêu nghề nghiệp, tấm lòng nhân hậu, yêu thương học trò, các tầng lớp nhân dân, các thầy cô giáo bằng cảm xúc chân thành thông qua phương pháp thể hiện mộc mạc, tự nhiên, giàu sức cuốn hút. Tác giả bộc lộ chân thực chuyện riêng tư của mình rằng:“ Tình yêu tôi có ở nơi đây/Người yêu tôi cũng là cô giáo/ Em hiền dịu và em mạnh bạo /Tôi gắn với em, gắn với ngôi trường… (Gửi Bình Liêu).Đó cũng là động lực tạo nên niềm tin, sức mạnh, khả năng sáng tạo dồi dào trong thơ anh…
Ngày nay Bình Liêu giàu đẹp, hiện đại và hoành tráng hơn xưa rất nhiều, điều đó thể hiện sự quan tâm, lãnh đạo và đầu tư của tỉnh Quảng Ninh cùng với những nỗ lực vươn lên không ngừng của cán bộ, nhân dân các dân tộc anh em trong huyện. Tất cả bắt nguồn từ tình đoàn kết, thân ái, tinh thần lao động sản xuất hăng say của mỗi người góp lại. Sau này Nhà thơ Nguyễn Châu có dịp trở lại, tác giả vui mừng, hạnh phúc khi nhận thấy cuộc sống mới hiện tại đang dồn dập hiện về: “Người già ra phố chơi bằng ô tô/ Ăn bát phở thơm lừng hương núí/ Trẻ nhỏ theo bố mẹ ngồi xe máy đi chợ/ Mua cuốn sách có nàng tiên tóc xoăn... (Đường lên bản cao).
Tháng 12/2019 Bình Liêu Kỷ niệm 100 thành lập huyện và 70 năm giải phóng khỏi ách cai trị của thực dân Pháp với những thành tích, chiến công đạt được rất đáng tự hào trong nhiều thập niên đã qua. Hiện tại và tương lai người viết bài này cũng như nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục khác rất mong đợi những quyết sách của địa phương để bảo tồn và phát huy được Bản sắc văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc Bình Liêu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Đây sẽ là nguồn “tài nguyên” vô cùng quý giá và bền vững thu hút khách thập phương đến thưởng lãm và chung tay xây dựng, phát triển. Ở đó có những bài thơ, tập thơ, tập truyện của Nhà thơ Nguyễn Châu là những sản phẩm tinh thần cao quý ghi nhớ về một thời gian khó của ông cha nhưng rất đáng tự hào cho hôm nay và mai sau./.
Hà Nội, Hạ Long tháng 12/2019