Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcNĂM 2022 - MỘT NĂM HOẠT ĐỘNG TÍCH CỰC, THIẾT THỰC VÀ HIỆU QUẢ CỦA HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VIỆT NAM (AVU&C)

NĂM 2022 - MỘT NĂM HOẠT ĐỘNG TÍCH CỰC, THIẾT THỰC VÀ HIỆU QUẢ CỦA HIỆP HỘI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VIỆT NAM (AVU&C)

Thứ tư, 11 Tháng 1 2023 08:57
Những tháng đầu trong 2022, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và có biểu hiện giảm dần vào những tháng cuối năm. Cùng với sự cố gắng chung của cả nước, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) đã từng bước đưa các hoạt động trở lại, tiếp tục duy trì sự ổn định với sự thận trọng và khẩn trương hơn, để phấn đấu hoàn thành tốt chương trình công tác của năm 2022, tạo tiền đề tốt cho năm 2023. Các hoạt động của Hiệp hội đã chuyển dịch dần từ hình thức trực tuyến sang hình thức trực tiếp là chủ yếu và kết hợp với trực tuyến, không khí làm việc được gần gũi, sôi nổi, thân mật, hiệu quả hơn.

Hiệp hội 5

Ban Chấp hành AVU&C nhiệm kỳ 2020-2025

1. Tổ chức nhân sự tiếp tục được củng cố, phát triển
Năm 2022 là năm thứ hai của nhiệm kỳ II (12/2020-2025) Hiệp hội đã quan tâm đúng mức tới vấn đề nhân sự và tổ chức bộ máy điều hành. Năm 2022 kết nạp thêm 03 hội viên, thành lập thêm 3 câu lạc bộ và có thêm 3 tổ chức pháp nhân mới ra đời.
Hiệp hội đã sọan thảo và ban hành kịp thời thêm một số văn bản điều hành như: Quy định tiêu chuẩn xét tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục đại học (GD ĐH), cao đẳng; Một số định mức thu chi cụ thể và dự toán kinh phí cho năm 2022; Các cuộc họp và hội nghị đình kỳ trong năm (họp Ban Thường vụ, Ban Chấp hành, …) được tiến hành đều đặn và đầy đủ, nhờ vậy duy trì được nền nếp hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả. Hiệp hội gửi báo cáo 6 tháng đầu năm, báo cáo năm và các báo cáo khác theo yêu cầutới các cơ quan quản lý: Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đầy đủ và đúng thời gian quy định.
2. Hoạt động chính, nổi bật được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả
Hiệp hội đã chủ động liên hệ , trực tiếp báo cáo với Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, làm việc với các Ban, Bộ, Ngành có liên quan về một số vấn đề “nóng” của ngành Giáo dục.
Vì vậy, ngay từ đầu năm Nhâm Dần Lãnh đạo Thường trực Hiệp hội đã lên kế hoạch, đăng ký với các cấp lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội để trực tiếp báo cáo 6 vấn đề đã chọn lựa.
Chủ tịch Hiệp hội và các Phó Chủ tịch thường trực, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn đã lần lượt được gặp và trực tiếp báo cáo với Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư TW Đảng Võ Văn Thưởng, Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Lãnh đạo Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội đồng thời đang có kế hoạch làm việc với Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Hội đồng Lý luận Trung ương. Tại các buổi làm việc, Thường trực Hiệp hội nhận thấy các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất đồng tình với những ý kiến phản ánh, các kiến nghị của Hiệp hội về lĩnh vực GDĐH. Một số ý kiến của Hiệp hội nêu lên đã được các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan có liên quan từng bước giải quyết, tháo gỡ vướng mắc cho ngành Giáo dục nói chung, GD&ĐT nói riêng.
Bộ GD&ĐT, sau khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã có văn bản số 522/BC-BGDĐT ngày 17/5/2022 gửi, báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, về việc Bộ đã tiếp thu các ý kiến đóng góp về GDĐH của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Đây là lần đầu Bộ GD&ĐT đã thể hiện quan điểm bằng văn bản đối với ý kiến góp ý của Hiệp hội.
3. Hiệp hội chủ động đề xuất tổ chức hội nghị về tự chủ đại học
Nghị quyết 29-NQ-TW đã chỉ rõ thực hiện tự chủ đại học là một chủ trương lớn, là một trong những giải pháp quan trọng nhất để đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH Việt Nam. Từ những năm trước đây của nhiệm kỳ I (2014-2020) Hiệp hội đã rất quan tâm, từng tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia để các trường hội viên nghiên cứu, quán triệt thực hiện chủ trương này. Vì vậy, cuối năm 2021, Hiệp hội đã có văn bản gửi kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tổ chức tiếp một hội nghị về tự chủ đại học.
Đề nghị của Hiệp hội đã được Thủ tướng lắng nghe và chỉ đạo thực hiện. Bộ GD&ĐT có kế hoạch tổ chức hội nghị tổng kết về tự chủ đại học. Hiệp hội kỳ vọng nhiều vào nội dung và kết quả của hội nghị này. Những thành công và hạn chế của việc thực hiện thí điểm tự chủ đại học mà 23 trường đã thực hiện sẽ được nhìn nhận đúng đắn, đầy đủ hơn, nghiêm túc hơn.
Ngày 04/8/2022 hội nghị được Bộ GD&ĐT cùng với Ủy ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội phối hợp tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Lãnh đạo Hiệp hội đã được mời dự và đại diện Lãnh đạo Hiệp hội đã được trực tiếp đóng góp ý kiến. Tại hội nghị đánh giá rút kinh nghiệm lần này, tới dự và chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thêm một lần nữa, đã khẳng định vai trò tích cực của Hiệp hội đối với việc triển khai tự chủ đại học.

Năm 2022, cùng với báo cáo trực tiếp, Hiệp hội đã gửi nhiều văn bản đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn bản và đề nghị các cơ quan quản lý các cấp có liên quan xem xét giải quyết, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các trường hội viên:
Góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung các nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và Thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (CV số 69/HH-NC&PTCS ngày 18/8/2022);
Góp ý cho dự thảo Nghị định mới thay thế cho Nghị định 45/2010/NĐ-CP ký ngày 21/4/2012 về tổ chức và quản lý hội (CV số 66/HH-VP ngày 15/8/2020) gửi Bộ Nội vụ; Góp ý cho dự thảo của các văn bản phục vụ xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới phát triển Giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới (CV số 39/HH-NC&PTCS ngày 16/5/2022) gửi Bộ LĐTB&XH;
Kiến nghị rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục Đại học (CV số 20/HH- NC&PTCS ngày 18/4/2022) gửi trình Thủ tướng Chính phủ. Có thể nói trong văn bản này, quan điểm của Hiệp hội đã trình bày rõ, rất cụ thể và thẳng thắn với tinh thần trách nhiệm của một tổ chức tâm huyết với GDĐH.
4. Tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc gia    
Hội thảo Phát triển và nâng cao chất lượng GDĐH trong bối cảnh mới tháng vào đầu 10/2022, trực tiếp tại Đại học Huế.
Các trường hội viên đã hưởng ứng tích cực. Ban Tổ chức đã nhận được được gần 120 báo cáo tham luận. Với tinh thần khoa học nghiêm túc, Ban tổ chức đã làm việc cẩn trọng, chọn lọc kỹ, 94 báo cáo đáp ứng đầy đủ tiêu chí đề ra và Nhà Xuất bản Đại học Huế đã in thành cuốn Kỷ yếu hội thảo, kịp thời cung cấp cho các đại biểu trực tiếp tham dự hội thảo và các tác giả có bài được in.
Hội thảo đã tiến hành trong ngày 07/10/2022 tại thành phố Huế. 8 chủ đề quan trọng đã được 288 đại biểu dự trực tiếp đã tập trung trao đổi sôi nổi, tích cực. Đại biểu của Ban Tuyên giáo Trung ương đã tới dự. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Tháng 4/2022, Hiệp hội phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Phương Đông - Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật, tổ chức hội thảo tại Phú Yên. Đề tài Đổi mới tư duy về tự chủ đại học đã được một số đại biểu của các cơ quan, tổ chức liên và các chuyên gia tới dự, tham luận.
5. Nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm với nhiều nội dung phong phú thiết thực được Thường trực Hiệp hội và Ban Chủ nhiệm các câu lạc bộ tổ chức
Trong năm 2022, Thường trực Hiệp hội đã tổ chức gần 40 buổi tọa đàm khoa học vào thứ sáu hàng tuần, với sự tham dự của các cán bộ của Thường trực Hiệp hội; một số chuyên gia về khoa học giáo dục, về quản lý; đại diện của Ban Tuyên giáo TW; Lãnh đạo Hội đồng Cố vấn Hiệp hội, …
Các nội dung được trao đổi rất đa dạng, phong phú,… Đó là những vấn đề liên quan đến Chiến lược phát triển giáo dục nói chung, GDĐH nói riêng; vấn đề tự chủ đại học; về trường đại học không vì lợi nhuận; về kiểm định, đánh giá trường, chương trình đại học, cao đẳng; tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo, khuyến nghị về hệ thống giáo dục khu vực và thế giới của UNESCO; chính sách thuế đối với giáo dục, xu hướng phát triển của GDĐH và của Việt Nam, Mục tiêu đổi mới giáo dục đại học, xu hướng phát triển GDĐH trên thế giới và Việt Nam; Chuyển đổi số trong GDĐH; Kiểm định chất lượng giáo dục; về trường đại học không vì lợi nhuận; vấn đề quản trị trường đại học; về thành tựu nghiên cứu plasma và những ứng dụng, về đường tầu điện treo. Tọa đàm về Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Bộ GD&ĐT đã và đang soạn thảo là chủ đề quan trọng, được quan tâm nhiều nhất. Hiệp hội đã tập trung nghiên cứu, trao đổi chuẩn bị những ý kiến để đóng góp kịp thời cho dự thảo văn bản.
Trong năm 2022, 24 câu lạc bộ của Hiệp hội tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thông qua các hội thảo hoặc tọa đàm. Nhiều câu lạc bộ đã tập trung tổ chức sinh hoạt chuyên môn và khoa học trực tiếp tại cố đô Huế, vào ngày 06/10/2022. Tại các diễn đàn này, nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tế triển khai các công việc được các Ban Chủ nhiệm đưa ra chia sẻ, trao đổi: Đó là nhân sự của Hội đồng trường; Vai trò và trách nhiệm của Chủ tịch hội đồng trường; về Nghị định 60 quy định mức tự chủ trong chi thường xuyên ở các trường thực hiện tự chủ; về quản trị nhà trường; về Luật Giáo dục Đại học ban hành năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, về dự thảo Điều lệ trường cao đẳng sư phạm; về định hướng củng cố và phát triển của các trường CĐSP trong những năm tới, thực hiện Luật Giáo dục mới ban hành, về liên kết Doanh nghiệp với Trường, Viện, phương pháp giảng dạy trực tuyến, …
Khối trường cao đẳng chủ yếu thuộc sự quản lý của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và là hội viên của nhiều hội, trong đó có Hiệp hội Các trường ĐH,CĐ Việt Nam. Tiếp đó Chính phủ được Quốc hội giao xem xét quyết định chuyển các trường cao đẳng chuyên nghiệp từ Bộ GD&ĐT sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Sự thuyên chuyển này chưa được nghiên cứu thấu đáo, không đủ căn cứ để thuyết phục,… vì vậy, khi được yêu cầu đóng góp ý kiến cho bản giải trình của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hiệp hội đã bày tỏ quan điểm không đồng tình, thể hiện rõ trong 3 công văn gửi báo cáo Văn phòng Chính phủ. Ở đó Hiệp hội đã chỉ rõ một số những điều khoản không phù hợp, thiếu căn cứ rất cần được sửa đổi; đồng thời Hiệp hội cũng đã cảnh báo trước một số hệ lụy không đáng có trong việc thuyên chuyển này. Những hệ lụy đó sẽ gây ra những ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng đào tạo, tới cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, phát triển kinh tế xã hội, bởi vì khuyết đội ngũ cán bộ kỹ thuật, sản phẩm bấy nay của các trường cao đẳng chuyên nghiệp, nay không còn được đào tạo nữa.
Thực tế cho thấy một số vấn đề của khối trường cao đẳng liên quan tới việc thống nhất quản lý nhà nước về đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW, liên quan nội hàm của bậc GDĐH, liên quan tới các trường sư phạm, tới cơ cấu nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, tới chất lượng của hệ cao đẳng sau khi hợp nhất hai loại trường cao đẳng (nghề và chuyên nghiệp), hệ đào tạo thí điểm 9 + 3 cấp bằng kỹ sư thực hành? Vậy, Công nghiệp hóa và hiện đại hóa ở Việt Nam có còn cần đến đội ngũ cán bộ kỹ thuật nữa không? Nếu còn nơi nào sẽ đảm đương nhiệm vụ đào tạo? ….
Thường trực Hiệp hội, qua nhiều lần cân nhắc thấy cần thiết phải có những buổi tọa đàm, phải tổ chức hội thảo khoa học để trao đổi thật kỹ những vấn đề nêu trên đây của Khối Cao đẳng. Lãnh đạo Hiệp hội đã phân công chuẩn bị để có thể tổ chức hội thảo trực tiếp vào đầu Quý II/ 2023. Hội thảo cần có sự phối hợp của các Bộ, Địa phương và các Hội liên quan cùng trao đổi và chuẩn bị, để việc hội thảo có được những thuận lợi và đạt được kết quả mong muốn.
6. Các hoạt động khác đã được triển khai đồng thời và có kết quả
Lãnh đạo Hiệp hội làm việc với Hội đồng Anh về một số nội dung mà hai bên cùng quan tâm: chương trình giảng dạy, bồi dưỡng giáo viên và đào tạo cán bộ nữ.
Cùng với Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Ban Hợp tác quốc tế đã tham mưu để Hiệp hội phối hợp với THE (Tổ chức xếp hạng quốc tế của Vương quốc Anh) tổ chức hội thảo với chủ đề: “Quốc tế hóa trong giáo dục đại học”. Hơn 80 trường hội viên đã tham gia.
Hiệp hội ký kết MOU về hợp tác giáo dục với Tổ chức giáo dục Capstone của Hoa Kỳ, với Trường Đại học Việt Nhật.
Đã thành lập thêm Câu lạc bộ Hợp tác quốc tế, để các trường hội viên có cơ hội giao lưu, hiểu biết hỗ trợ lẫn nhau, kết nối được các mối quan hệ với các tổ chức, các trường trong khu vực.
Hiệp hội cùng với Hiệp hội giáo dục Đài - Việt khởi động các chương trình kết nối tuyển dụng sinh viên(SV) để đào tạo nhân lực chất lượng cao làm việc trong các doanh nghiệp Đài Loan tại Việt Nam.
Hiệp hội cùng với Trường Đại học FPT tiếp tục giới thiệu tạp chí Giáo dục quốc tế (Interrnational Higher Education-IHE) - ấn phẩm định kỳ hàng quý của Trung tâm Giáo dục Đại học Quốc tế (CIHE, Boston. College, Hoa Kỳ bằng tiếng Việt, miễn phí ).
So với các năm trước công việc hợp tác quốc tế năm 2022 của Hiệp hội đã có bước tiến đáng kể.
Các câu lạc bộ tiếp tục được củng cố, tiến tới chủ động tổ chức sinh hoạt nền nếp. Hiện tại, Hiệp hội đã thành lập được 24 câu lạc bộ trực thuộc. Các câu lạc bộ đều hoạt động có nền nếp, một số câu lạc bộ rất chủ động trong việc tổ chức, triển khai sinh hoạt. Trong năm 2022, các CLB tổ chức được gần 20 buổi tọa đàm với những nội dung khá phong phú và thiết thực. Ban Hỗ trợ CLB khối trường đã kết nối 16 trường hội viên với Viện Nghiên cứu cây Đàn hương và thực vật quý hiếm để được hướng dẫn và hỗ trợ 1.600 cây giống đàn hương (trị giá khoảng 104 triệu đồng) để trồng tại các trường. Đây là cây giống quý hiếm, rất nhiều công dụng, có nguồn gốc từ Ấn Độ.
Ban Hỗ trợ CLB khối trường đã hỗ trợ để 07 trường hội viên của Hiệp hội tham gia kết nối thư viện dùng chung; Hỗ trợ tập huấn về khai thác tài nguyên giáo dục mở cho gần 20 lớp tại các trường hội viên.
Ban Truyền thông và Sinh viên cũng thường xuyên quan tâm cải tiến Trang tin www.avnuc.vn của Hiệp hội để đáp ứng được yêu cầu cập nhật thông tin chính thống, đăng tải kịp thời các văn bản và hoạt động của Hiệp hội.
Xây dựng thêm đầu mối kết nối website của Hiệp hội với website của các đơn vị trực thuộc, tiến tới thông tin các trường hội viên được liên thông với nhau.
Tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm đối tác phối hợp và đề xuất các hình thức hoạt động của phong trào SV khởi nghiệp, SV nghiên cứu khoa học, quỹ học bổng cho SV...
Hiệp hội cũng nhận được sự hỗ trợ của một số trường hội viên, tổ chức hỗ trợ trực tiếp tổ chức hội thảo khoa học, hỗ trợ trả chi phí in sách kỷ yếu; hỗ trợ trả các chi phí (đón, đưa, ăn, ở, hội trường) tổ chức họp và nghỉ mát của Ban Thường vụ và Hội đồng Cố vấn tại Phú Yên; hỗ trợ trực tiếp tổ chức hội thảo (hoặc tọa đàm) ở các câu lạc bộ, hỗ trợ trang thiết bị (máy tính); hỗ trợ kinh phí cho quỹ hội và nghiên cứu khoa học.
Năm 2022, Hiệp hội tiếp tục vận động các trường hội viên tích cực hưởng ứng phòng trào thi đua yêu nước được Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phát động. Khá nhiều trường hội viên của Hiệp hội (Đại học, Trường đại học, Học viên, Viện, Trường cao đẳng, Trường dự bị Dân tộc, …) đã có nhiều quan tâm hỗ trợ các SV có hoàn cảnh khó khan như cấp học bổng, tổ chức cho SV tình nguyện đi đến các vùng sâu, xa xôi, nhiều khó khan để hỗ trợ nhân dân địa phương, …
Thành tích của các Trường hội viên đã báo cáo với các cơ quan liên quan ở các địa phương để được ghi nhận.
7. Hoạt động của một số đơn vị trực thuộc
Hiện Hiệp hội có 22 tổ chức trực thuộc, trong đó có một Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bảy trung tâm và mười viện, trong đó có một viện mới thành lập trong năm 2022. 21 trong số 22 tổ chức đã có giấy phép và triển khai hoạt động có theo Điều lệ, Quy chế được phê duyệt và tuân thủ pháp luật. Ngày 19/5/2022, Hiệp hội đã tổ chức họp với các Lãnh đạo của các tổ chức trực thuộc để đánh giá kết quả, hiệu quả hoạt động trong thời gian qua. Nhìn chung trong bối cảnh khó khăn chung của đại dịch covid -19 nhưng hầu hết các tổ chức đều cố gắng tìm các giải pháp cụ thể để khắc phục và duy trì hoạt động. Trong đó, một số tổ chức đã duy trì hoạt động thường xuyên và có được những kết quả cần ghi nhận.
Kết quả đạt được của năm 2022 sẽ tạo khí thế mới để Hiệp hội tiếp tục vươn lên trong những năm tới, phục vụ Ngành Giáo dục được nhiều hơn và tốt hơn./.

 

Nguyễn Đăng Khoa (AVU&C)
Hứa Phương Linh (ĐHNN-ĐHQGHN)

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516