Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcNgành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ: Đổi mới phương pháp dạy và học, là khâu đột phá tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả đối với giáo dục trung học phổ thông

Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ: Đổi mới phương pháp dạy và học, là khâu đột phá tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả đối với giáo dục trung học phổ thông

Thứ tư, 01 Tháng 8 2018 07:19
Năm học 2017-2018 khép lại, ghi dấu mốc quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Phú Thọ. Những thành tựu nổi bật của cán bộ, giáo viên và học sịnh nơi đây là rất đáng tự hào về truyền thống yêu nghề, hiếu học .

image001-khen

9 học sinh đạt điểm tổ hợp khối từ 27 trở lên trong kỳ thi THPT quốc gia được tuyên dương, khen thưởng

Thi chọn học sinh (HS) giỏi Quốc gia lớp 12, tỉnh Phú Thọ có 68/80 HS dự thi đoạt giải, đứng thứ 3 toàn quốc về tỉ lệ đạt giải, đánh dấu mốc son lịch sử; trong đó có có 02 giải Nhất; 17 giải Nhì, 28 giải Ba và 21 giải Khuyến khích (đây là thành tích tốt nhất từ trước tới nay về công tác bồi dưỡng HS giỏi và HS năng khiếu).

Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học có 4/6 dự án tham dự đoạt giải, trong đó có 02 giải Nhì; 02 giải Ba. Cuộc thi Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2018, có 10/20 học sinh đoạt giải chung cuộc, trong đó: 01 giải Nhất, 02 giải Nhì, 07 giải Ba; Sở GD&ĐT Phú Thọ được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức cuộc thi. Cuộc thi “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai” cấp quốc gia, Phú Thọ đoạt 01 giải Nhất cá nhân và được nhận Cờ của Bộ GD&ĐT. Giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng Cup Milo lần thứ XVI, năm 2018, đội THCS của Phú Thọ đoạt Huy chương Vàng khu vực I, Huy chương Đồng toàn quốc.

Đặc biệt, trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Phú Thọ có điểm trung bình các môn thi đứng thứ 13 trên toàn quốc; 09 HS có tổng điểm 3 môn đạt từ 27 điểm trở lên, 02 môn (Địa lí, Giáo dục Công dân) đứng trong top 10 toàn quốc về điểm trung bình môn; nhiều HS đạt điểm tối đa (10 điểm) ở các môn Toán, Vật lí, Hóa học,....Tiêu biểu như em Lê Bá Hoàng (Trường THPT Chuyên Hùng Vương) là thủ khoa khối B toàn quốc với 29,55 điểm (Toán: 9,8; Hóa học 10; Sinh học 9,75). Em Hoàng Đức Thuận (Trường THPT Chuyên Hùng Vương) đạt 28,25 điểm khối A (Toán 10; Vật lý 9,5; Hóa học 8,75). Em Nguyễn Thị Hồng Bích (Trường THPT Hạ Hòa) đạt 27 điểm khối C ( Ngữ văn 8,5; Lịch sử 9,0; Địa 9,5). Em Nguyễn Hồng Sơn (Trường THPT Xuân Áng) đạt 27,25 điểm khối C (Ngữ văn 9,25; Lịch sử 8,0; Địa lí 10)...Đây là những tấm gương HS tiêu biểu của tỉnh Phú Thọ. Thành tích trong kỳ thi THPT quốc gia là sự tiếp nối những thành tích mà các em đã đạt được trong suốt các năm học phổ thông. Các em đều là HS giỏi trong nhiều năm học, đạt giải cao trong các kỳ thi chọn HS giỏi cấp Tỉnh, thi chọn HS giỏi cấp Quốc gia.

Kết quả kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua của tỉnh Phú Thọ đứng thứ 13 toàn quốc (về điểm thi trung bình các môn) năm 2018 được coi là “kỷ lục” của Ngành GD&ĐT Phú Thọ. Tuy nhiên tất cả đều không bất ngờ vì đó là sự kết tinh, hội tụ của trí tuệ, tâm huyết của toàn Ngành; là kết quả tất yếu của sự đổi mới, chỉ đạo quyết liệt có hiệu quả của Sở GD&ĐT, tinh thần nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, HS các trường, sự đồng thuận, ủng hộ, giúp đỡ của phụ huynh học sinh và nhân dân trong những năm gần đây.

Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết: Nhìn lại chặng đường đã qua, Sở GD&ĐT Phú Thọ rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác chỉ đạo giảng dạy và ôn thi THPT Quốc gia như sau:

Thứ Nhất, phải quan tâm và chỉ đạo các trường THPT thường xuyên nắm bắt, cập nhật những thông tin mới về lộ trình đổi mới kỳ thi THPT Quốc gia và phương án thi hằng năm của Bộ GD&ĐT; Tích cực tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và phụ huynh về những điểm mới, những điểm cần chú ý của kỳ thi, từ đó giáo viên, học sinh sẽ chủ động và có thái độ dạy - học nghiêm túc, tích cực ngay từ lớp 10, 11; thực hiện chương trình giáo dục đầy đủ theo kế hoạch, tuyệt đối không dạy dồn ép, cắt xén chương trình.        

Thứ Hai, Sở chỉ đạo các trường chọn, cử giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm, tinh thần trách nhiệm cao để dạy ôn thi THPT Quốc gia, tổ chức hội thảo, tập huấn cho tất cả giáo viên dạy ôn thi. Nội dung hội thảo, tập huấn tập trung vào: Phân tích, rút kinh nghiệm công tác tổ chức ôn thi năm trước, phân tích cấu trúc ma trận đề tham khảo của Bộ GD&ĐT, thảo luận xây dựng kế hoạch ôn thi, bồi dưỡng năng lực biên soạn đề kiểm tra câu hỏi ôn tập….

Thứ Ba, Sở phải chỉ đạo quyết liệt việc dạy học phân hóa. Xây dựng nội dung chương trình ôn tập bám sát đề tham khảo và các hướng dẫn thi của Bộ GD&ĐT, phù hợp với từng đối tượng HS, phân công mỗi GV kèm cặp, giúp đỡ, hướng dẫn một nhóm HS yếu kém (nếu có) trong suốt quá trình ôn tập.

Thứ Tư, Sở chỉ đạo dạy học chính khóa cũng như ôn tập theo định hướng phát triển năng lực, giúp HS hiểu bản chất và vận dụng tốt kiến thức kỹ năng để giải quyết vấn đề; Tổ chức kiểm tra, đánh giá nghiêm túc khách quan (ngoài kiểm tra thường xuyên và định kỳ theo kế hoạch trên lớp, Sở tổ chức khảo sát chất lượng 02 lần đối với HS lớp 12 ) để có đánh giá đúng thực chất kết quả học tập của HS, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời trong quá trình dạy ôn tập cho HS.  

Thứ Năm, phải đổi mới, đa dạng hóa các hình thức ôn tập cho HS. Năm học 2017-2018 Sở GD&ĐT Phú Thọ đã tổ chức thành công, hiệu quả các lớp ôn thi dành cho HS khá, giỏi trên “Trường học kết nối” do đội ngũ GV cốt cán của tỉnh thực hiện. Tại các lớp học này, HS các trường khác nhau không chỉ được học thầy cô trường mình mà còn được học các thầy cô giáo giỏi trong toàn tỉnh. Đồng thời GV các trường được chia sẻ tài liệu, kinh nghiệm dạy học…

Thứ Sáu, Phòng chuyên môn của Sở (Phòng Giáo dục Trung học) phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tư vấn kịp thời để các trường tổ chức tốt công tác ôn thi. Phải đánh giá khách quan rằng việc thực hiện đổi mới dạy, học, thi cử là khâu đột phá đúng hướng trong quá trình thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, làm chuyển biến mạnh mẽ chất lượng giáo dục, đào tạo đối với cấp THPT.

Với những bài học kinh nghiệm nói trên đã được Sở GD&ĐT Phú Thọ áp dụng triển khai, thực hiện thành công và gặt hái được nhiều thành tích trong năm học 2017-2018 và sẽ được tiếp tục đổi mới để thực hiện hiệu quả trong các năm học tiếp theo.

Cô giáo Phạm Thị Phụng, Hiệu trưởng Trường THPT thị xã Phú Thọ là một trường ngoài công lập với kinh nghiệm quản lý nhiều năm trong ngành GD&ĐT, cô cho biết, để có được một kết quả kỳ thi THPT tốt, nhà trường phải chỉ đạo thực hiện biên chế năm học kế hoạch chương trình dạy học nghiêm túc không cắt xén chương trình, không thay đổi trình tự số tiết, tập trung vào công tác bồi dưỡng đội ngũ, phân loại đội ngũ, bố trí phân công giảng dạy hợp lý, phù hợp với tình hình của trường trong đó đặc biệt bố trí GV giảng dạy các bộ môn thi THPT quốc gia lớp 12 là những GV có tay nghề tốt có kinh nghiệm nhiều năm dạy lớp 12, có kỹ năng và phương pháp dạy học tốt, trách nhiệm với nghề, tận tụy với trường. giáo viên nắm chắc chương trình, chuẩn kiến thức, kỹ năng thái độ đối với bộ môn, giải quyết những vấn đề khó của bộ môn, soạn giáo án theo yêu cầu thiết kế bài học, dạy học theo chuyên đề, khai thác các kiến thức trong mạng trường học kết nối; đổi mới phương pháp dạy học kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là tạo hứng thú học tập cho HS. Học sinh dần từng bước tự học, tự giải quyết các vấn đề; giáo viên vận dụng các phương pháp dạy học kiểm tra, đánh giá phù hợp với đối tượng HS ngoài công lập, đó là: Chưa chăm chỉ, học thụ động, kiến thức bị rỗng nhiều.

Chia sẻ về việc hướng dẫn HS ôn thi THPT Quốc gia năm 2018, cô giáo Đỗ Thị Tuyết Nhung, tổ trưởng tổ Văn – Giáo dục công dân Trường THPT Xuân Áng là người có kinh nghiệm nhiều năm dạy ôn thi cho HS lớp 12, cô chia sẻ: “Bản thân tôi là Tổ trưởng chuyên môn, GV trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn lớp 12, trên tinh thần nắm vững các văn bản chỉ đạo của Bộ, Sở GD&ĐT và kế hoạch của nhà trường, tôi đã thực hiện có hiệu quả việc ôn thi THPT Quốc gia cho các em HS. T heo tôi, trước hết giáo viên phải tạo tâm thế học tập thật thoải mái, tự tin; động cơ học tập tích cực cho HS, để làm sao HS chủ động tiếp thu và sáng tạo trong việc học. Tiếp đó là sự đổi mới về tư duy, phương pháp giảng dạy và tổ chức học tập của GV, chuyển từ việc truyền thụ kiến thức đơn thuần, phương pháp chủ yếu đọc – chép, ghi nhớ thụ động, máy móc sang phương pháp gợi mở, kích thích tư duy, hoạt động của HS, phát huy tối đa kĩ thuật dạy học bằng lược đồ tư duy giúp HS hệ thống kiến thức đa chiều, phát triển tư duy một cách khoa học, lô gic. Người GV cũng cần đổi mới ngay từ khâu soạn giáo án, không tham kiến thức, không dạy học tủ, học vẹt mà soạn có chủ đề, chủ điểm, khắc sâu kiến thức cơ bản, hướng HS biết vận dụng kiến thức vào thực tế, biết liên hệ bản thân sâu sắc, biết giải quyết tình huống hiệu quả. Quá trình ôn tập cũng cần kết hợp chặt chẽ với khâu kiểm tra, đánh giá HS. Kiểm tra, đánh giá dưới nhiều hình thức không chỉ bằng cho điểm, KT thường xuyên trong cả quá trình học tập, chú trọng đánh giá cả kiến thức cơ bản và nâng cao kết hợp rèn cho HS các năng lực đọc, viết, diễn đạt, chính tả, tạo lập văn bản…Có thể nói, việc tổ chức cho HS học ôn thi THPT Quốc gia của Trường THPT Xuân Áng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Giám hiệu, tổ, nhóm chuyên môn, đặc biệt sự cố gắng không mệt mỏi của mỗi thầy cô và các em HS”.

Trước thềm năm học mới 2018-2019, từ những bài học và thành công đã đạt được trong năm học 2017 – 2018 bắt đầu từ chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Sở GD&ĐT, cùng với tinh thần cố gắng không biết mệt mỏi của cán bộ, giáo viên, học sinh, chắc chắn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ sẽ gặt hái được nhiều thành tựu vẻ vang hơn nữa trong những năm học tiếp theo, xứng đáng với truyền thống tự hào của quê hương Đất Tổ.

 Đình Thơm

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516