Định giá tài sản quá thấp
Ông Đặng Đình Tiên - chủ trang trại gà Tiên Viên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) là một trong những trường hợp như thế. Ông Tiên kể: “Năm 2002, khi xã có chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình tôi đã mạnh dạn nhận thầu gần 4ha ruộng trũng, sản xuất lúa hiệu quả thấp để đào ao thả cá và xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà. Đến nay, với diện tích 10ha, gia đình tôi đã thành lập công ty và đầu tư xây dựng 14 trại chăn nuôi gà khép kín hiện đại. Bên cạnh đó, công ty còn liên kết với các trại chăn nuôi vệ tinh của các hộ chăn nuôi tại địa phương. Với số lượng trên 200.000 gà các loại, công ty cung cấp ra thị trường 70.000 quả trứng gà sạch mỗi ngày”.
Theo ông Tiên (ngoài cùng bên phải), công ty đang khẩn trương xây dựng chuỗi gà thịt
nhưng gặp khó khăn về vốn. Ảnh: Đ.T
Ông Tiên cho rằng: “Theo tôi được biết, Nhà nước có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Nhưng thú thật nông dân chúng tôi rất khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi cho nông nghiệp bởi hai rào cản. Thứ nhất là tài sản thế chấp, cụ thể là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trang trại. Vấn đề thứ hai là giá trị tài sản trên đất định giá quá thấp so với thực tế. Hai rào cản này không mới, chúng tôi cũng kiến nghị nhiều nhưng vẫn chưa được xem xét giải quyết”.
Ví dụ cụ thể, ông Tiên dẫn chứng: “Đơn cử như trang trại của tôi, với giá trị thực tế của trang trại đạt trên 50 tỷ đồng nhưng do đất trang trại thuê thầu hợp đồng 5 năm thì không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chuồng trại chăn nuôi thì được định giá rất thấp, nên chỉ được vay 600 triệu đồng”.
Nhiều kênh dẫn vốn, nhưng nông dân vẫn khó tiếp cận
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tuất – Chủ tịch Hội Nông dân xã Văn Đức (Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng: “Hiện nay, kênh dẫn vốn cho nông nghiệp, nông thôn khá đa dạng, nhiều ngân hàng cho vay như: Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), Agribank, Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân...
Ông Nguyễn Văn Tuất bên trang trại lợn của gia đình mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, theo ông Tuất, hiện nông dân gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay. Ví dụ, Ngân hàng CSXH được coi là nguồn vốn dễ tiếp cận nhất nhưng nguồn vốn này chủ yếu dành cho các đối đối tượng chính sách như hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... được vay nên số hộ được vay vốn không nhiều và số vốn vay thấp.
Theo quy định, các trang trại phải có diện tích 2,1ha trở lên mới được cấp giấy chứng nhận, trong khi khu vực ngoại thành Hà Nội đất chật, người đông rất khó để tích tụ được diện tích lớn nên chính sách ưu đãi về vốn với nông dân còn xa vời. Ngay cả những hộ đã được công nhận là trang trại thì số vốn được vay cũng rất ít bởi các ngân hàng thương mại định giá tài sản thế chấp để cho vay vô cùng thấp.
Đơn cử như, bản thân gia đình tôi cũng có trang trại chăn nuôi lợn khá quy mô với 60 con lợn nái và 1.800 con lợn thịt/năm. Tuy nhiên, khi làm thủ tục vay vốn ưu đãi theo chính sách dành cho phát triển kinh tế trang trại lại không vay được do chưa được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận trang trại.
Tôi đề nghị, Hội ND cấp trên, Ngân hàng và các cấp ban ngành hỗ trợ, tháo gỡ vấn đề về vốn cho ND. Bởi thiếu vốn làm ăn, ND dù giỏi đến đâu cũng đành khoanh tay “chịu” thua.
Theo Danviet.vn