Càng có nhiều quyền càng dễ lạm quyền
Bộ Công an vừa ban hành dự thảo lần 1 Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 171/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân có thể nộp tiền phạt tại chỗ cho người ra quyết định xử phạt và được nhận biên lai thu tiền phạt. Nhiều người lo lắng tiêu cực trong lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ phát sinh, còn ông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển?
Thực ra trước đây cũng đã có quy định cho phép CSGT thu tiền phạt trực tiếp, thế nhưng sau đó phát sinh nhiều tiêu cực nên mới chuyển về cho kho bạc. Rồi nộp phạt trực tiếp sẽ quên mất hành vi vi phạm bởi họ chỉ nhanh nhanh chóng chóng nộp phạt cho xong trách nhiệm.
Còn nếu người vi phạm phải đem tiền phạt đến kho bạc thì họ sẽ phải có trách nhiệm với hành vi vi phạm của mình. Giờ lại đặt vấn đề nộp tiền phạt tại chỗ, có lẽ là bởi các cơ quan quản lý nhà nước cân nhắc yếu tố phiền hà của người vi phạm. Việc xử phạt này phải được nhìn ở nhiều góc độ là sự thuận tiện cho người dân, chống được tiêu cực và trách nhiệm của người vi phạm.
Phải chăng người đưa ra dự thảo này đang dựa trên việc tránh phiền hà cho người dân?
Có lẽ thế, nhưng nó lại thái quá. Nộp phạt trực tiếp cho CSGT trong điều kiện hiện nay là không ổn. Tiêu cực nhiều. Tính răn đe không cao. Thực thi công vụ và thu tiền cho ngân sách là không được ghép chung. Còn người nộp phạt kêu bất tiện, phiền hà thì cũng đúng, nhưng bất cập đó không đánh đổi được việc phải tích cực chống tham nhũng đối với người thực thi công vụ.
Hẳn là CSGT không muốn "gánh" thêm việc là thu tiền, bởi nó giống như là nhận thêm việc để làm vậy?
Đúng thế, về hình thức thì có vẻ như vậy. Thêm việc, vất vả hơn, phiền hà hơn, thu rồi lại về đơn vị nộp lại. Nhưng họ lại có quyền định đoạt được mức phạt, tiền thu trực tiếp luôn. Nó là câu chuyện quyền lực. Đây là nhiệm vụ phải làm hay không phải làm, có nhiệm vụ không thích cũng phải làm. Thu tiền trực tiếp, CSGT có quyền hơn, mà có quyền thì người ta dễ lạm quyền. Quyền mà không được kiểm soát thì càng dễ lạm quyền, đó là bản năng rồi.
Hình phạt là để răn đe chứ không phải tận thu
Việc nộp tiền trực tiếp cho CSGT có lẽ khiến nhiều người dân đồng tình vì tiện lợi?
Ở góc độ người vi phạm luật cũng có những thứ rất lấn cấn. Rút tiền ra nộp phạt ngay thì tính răn đe nó không cao. Nộp phạt xong là họ quên ngay hành vi vi phạm của mình, đặc biệt là những người luôn có sẵn tiền thì họ càng nhanh quên ngay hành vi đó. Tôi sợ là khi đó, tính răn đe của hình phạt không cao. Mà luật sinh ra là để trừng phạt và răn đe. Việc xử phạt phải là để răn đe chứ không phải là để CSGT tận thu.
Thế nhưng hình thức phạt hiện nay rườm rà quá?
Vi phạm và bị giữ giấy tờ, đến kho bạc nộp tiền rồi mới lấy lại được giấy tờ. Về hình thức thì điều này có vẻ phiền hà cho người dân. Thế nhưng chắc chắn một điều là người vi phạm sẽ nhớ lâu. Nó mang tính răn đe, nhắc nhở để không tái phạm. Bởi nếu vi phạm thì không chỉ mất tiền mà còn mất thời gian, mất công sức đi lại, rất phiền hà. Sự phiền hà lại có tác dụng tốt ở góc độ này. Và đã là người vi phạm thì phải chấp nhận sự phiền hà đó, nếu không thì đừng vi phạm nữa. Nó như là một hình phạt phụ khiến người vi phạm nhớ lâu.
Là một người tham gia giao thông, ông có thấy việc nộp phạt có phiền hà?
Có những trường hợp đúng là rất phiền. Ví dụ, tôi đi công tác ở Lạng Sơn. Tôi vi phạm luật giao thông. Thế là tôi phải để lại giấy tờ ở đó, một tuần sau tôi lại phai lên đó nộp phạt để lấy giấy tờ về. Đúng là rất phiền. Nhưng có một cách là người ta có thể chuyển biên lai phạt đó về địa phương tôi sinh sống để tiện lợi cho tôi. Chứ không vì thế mà cho phép CSGT thu trực tiếp.
Tiêu cực có thể nhiều hơn
Vì sao lại có những tiêu cực trong lực lượng CSGT?
Đa phần là bởi vì quy trình phạt không rõ ràng. Tiêu cực lớn nhiều khi không chỉ từ phía công an mà từ phía người vi phạm, thôi thì nộp phạt nhanh nhanh để đi cho nó tiện lợi. Cho nên nhìn vào vấn đề này phải có cách tiếp cận đồng bộ. Việc phạt phải được thực hiện theo quy trình như thế nào. Ví dụ như vị trí đứng phạt nên chăng phải có công nghệ cao ghi lại hình ảnh. Làm việc phải đứng trước mũi xe ghi lại. Nếu tin tưởng giao cho CSGT thu tiền phạt thì phải có cơ chế giám sát. Cái động tác viết hóa đơn thu tiền phạt phải được ghi lại rõ ràng. Cái này trang bị quá đơn giản.
Nhưng nếu họ đã có ý định nhận tiền thì họ thiếu gì cách, ra ngoài camera chẳng hạn?
Tất nhiên nếu họ muốn nhận tiền thì họ thiếu gì cách đâu. Nhưng nó là biện pháp để giám sát, ít nhiều ở mức nào đó. Nếu đã có quy trình rõ ràng như thế, CSGT xử phạt ở ngoài tầm kiểm soát của camera thì coi như phạm luật và phải bị xử lý.
Ý ông đây là giải pháp cần thiết để chống tiêu cực?
Muốn chống được tiêu cực thì phải kiểm soát được hành vi. Mà trước mắt bây giờ là sử dụng công nghệ cao, giống như nhiều nước áp dụng. Nó phải trở thành điều lệnh, quy trình làm việc và công bố công khai. Chỉ cần CSGT đứng ngoài camera đó là người ta biết ngay người này đang vi phạm. Người ta có thể có nhiều cách để "lách" nhưng nó là giải pháp tránh tiêu cực, giảm thiểu tham nhũng.
Ông vừa nói quy trình nghiệp vụ rõ ràng, tôi tưởng cái này đã có?
Chưa. Quy trình nghiệp vụ rõ ràng và công khai, khi xử lý người vi phạm thì bước 1 là gì, 2, 3, 4 là gì, hiện nay không có. Quy trình tác nghiệp, quy trình xử lý vi phạm... phải công khai. Khi có quy trình đó thì mới áp dụng được. Còn nếu vẫn để như bây giờ mà áp dụng thì khả năng tiêu cực lại quay trở lại là lớn, có khi còn nhiều hơn trước. Nhiều khi CSGT đứng vẫy vẫy, xe dừng lại đưa cho CSGT cái gì đó thế là cho đi. Làm việc kiểu như thế là không được.
Xin cảm ơn ông!
Trong một xã hội phát triển thì tiếp xúc với tiền mặt càng ít càng hạn chế được tiêu cực và kiểm soát được hệ thống công quyền. Trong các giao dịch chung cũng vậy. Thế nhưng, tôi cũng phải nói rằng, thuận tiện cho người dân không có nghĩa là cứ nộp phạt xong là xong luôn, hình phạt không có chút răn đe nào. Chưa nói đến việc những tiêu cực trở lại hoành hành.
Theo: kienthuc.net.vn