Thu gom rác ngoài cộng đồng
Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn, tiến đến tương lai của các ngành kinh tế xanh, không còn rác thải nhựa đang là một trong những mục tiêu trọng tâm của Việt Nam ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 lần đầu tiên quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi bao bì, sản phẩm có khả năng tái chế với tỷ lệ và quy cách bắt buộc, hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu. Mới đây, Chính phủ cũng bổ sung vào Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt cá nhân, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn. Theo đó, phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định. Đây cũng là điểm mới nhằm thúc đẩy quá trình phân loại rác tại nguồn, góp phần xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn theo Luật Bảo vệ môi trường.
Tại Hội thảo, Ủy ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm ( Hà Nội) và CECR đã trình bày báo cáo kết quả Dự án. Theo đó, dự án đã ghi nhận những kết quả tích cực của mô hình kinh tế tuần hoàn trong công tác quản lý, xử lý rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, Dự án cũng cho thấy sự đóng góp ý nghĩa vào quá trình nâng cao nhận thức của cộng đồng về mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Được triển khai từ 15/02/2021 – 30/06/2022, dự án bắt đầu từ việc thí điểm tại phường Hàng Đào, sau đó mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển rác thải nhựa giá trị thấp đã được nhân rộng trên địa bàn 5 phường khác gồm Hàng Trống, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Cửa Đông và Phúc Tân. Về những kết quả thực tế, đã có 8000 hộ dân trên địa bàn 06 phường nhận được hướng dẫn phân loại rác nhựa giá trị thấp tại nguồn, 7000 hộ dân đã trực tiếp tham gia phân loại rác. Lượng rác nhựa giá trị thấp thu gom được từ 06 phường trung bình khoảng 170 kg/ngày. Chỉ riêng tại phường Hàng Đào, trong hơn 2 tháng mô hình phân loại thu gom vận hành ổn định đã có 1.936 kg rác thải nhựa giá trị thấp đã được các hộ gia đình phân loại và được nhân viên môi trường của công ty URENCO thu gom.
Làm sạch bãi biển
Hiệu suất thu gom rác thải của từng công nhân URENCO giữa các tổ ở các phường có sự chênh lệch nhất định. Tuy nhiên, nhìn chung số lượng rác thu gom được ở mỗi phường đều đáp ứng hoặc vượt qua mục tiêu đề ra ban đầu. Điển hình là phường Cửa Đông luôn duy trì hiệu quả thu gom cao nhất trong quá trình triển khai mô hình (khoảng 1.224 kg/tháng, tương đương 4,7 kg/công nhân/ngày). Cao thứ hai là phường Hàng Buồm (1.062 kg/tháng, tương đương 3,9 kg/công nhân/ngày). Các phường còn lại đều ghi nhận số lượng rác thải được thu gom mỗi ngày trên 3kg/ công nhân. Ở thời điểm kết thúc thu gom, tại kho tập kết của URENCO Hoàn Kiếm có tổng cộng 16.150 kg (xấp xỉ 16 tấn) rác nhựa giá trị thấp.
Phát biểu trong Hội thảo về những thành tựu, kết quả dự án đã đạt được, đại diện Ủy ban nhân dân Quận Hoàn Kiếm cho biết: Một trong những kết quả thực tế nổi bật khác của dự án là trong khoảng thời gian 2 tháng (từ ngày 26/04/2022 – 30/06/2022), Vietcycle - đơn vị sản xuất các sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa - đã hoàn thành vận chuyển toàn bộ hơn 16 tấn rác thải nhựa giá trị thấp trên về cơ sở sản xuất của Công ty tái chế thành hạt nhựa, đầu vào cho sản xuất bao bì nhựa. Công ty đã thực hiện 12 chuyến vận chuyển từ kho tập kết của URENCO về cơ sở tái chế để sản xuất sản phẩm mới. Rác thải nhựa giá trị thấp đã được phân loại nay sẽ bước vào quá trình “tái sinh”, sẵn sàng quay trở lại đời sống với những hình hài hữu ích mới.
Là nhà tài trợ cho toàn bộ dự án, đồng thời, là công ty khoa học vật liệu và cung cấp giải pháp đổi mới, sáng tạo, Ông Ekkasit Lakkananithiphan, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam chia sẻ: “Dow rất vinh dự tài trợ dự án Mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa dựa vào cộng đồng tại Quận Hoàn Kiếm. Qua thời gian triển khai thực hiện dự án, chúng tôi cũng rất vui mừng nhận thấy dự án đã kết nối các bên liên quan cùng chung tay thực hiện mục tiêu cao cả: Biến rác thải nhựa thành tài nguyên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Chúng tôi rất kỳ vọng dự án sẽ là mô hình kinh tế tuần hoàn mẫu để có thể nhân rộng áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.”