Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcRỐI LOẠN TÂM LÝ TUỔI HỌC ĐƯỜNG

RỐI LOẠN TÂM LÝ TUỔI HỌC ĐƯỜNG

Thứ sáu, 17 Tháng 12 2021 01:40
 

Bs.CKI: Bùi Hải Triều, BV Tâm thần Thanh Hóa

Tuổi học đường là lứa tuổi chất chứa thật nhiều những ước mơ hoài bão của biết bao bạn học sinh, cũng là lứa tuổi tập trưởng thành, yêu thích cuộc sống tự do khám phá thế giới, khẳng định cái tôi bản thân muốn được thoát khỏi vỏ bọc chở che của bố mẹ, gia đình. Bởi vậy đây cũng là lứa tuổi dễ cảm thấy hụt hẫng, dễ chán nản, bi quan, cùng với đó là những áp lực về kết quả học tập của bản thân. Điều này là một phần của nguyên nhân dẫn đến những rối loạn về tâm lý, thậm chí là cả rối loạn về mặt tâm thần nếu như không có biện pháp can thiệp kịp thời.

CK2

Sức ép về học hành, điểm số là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến rối loạn tâm lý, tâm thần ở lứa tuổi học sinh.

Tại tỉnh Thanh Hóa hàng năm Bệnh viện Tâm thần ghi nhận nhiều trường hợp đến khám, tư vấn tâm lý, nhiều trường hợp trong số đó đã đến mức phải nhập viện điều trị các bệnh lý liên quan đến rối loạn tâm lý, tâm thần. Nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 toàn cầu đã ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống giáo dục làm thay đổi phương pháp dạy và học. Học sinh sinh viên phải thích nghi trong môi trường giáo dục mới, có những thời điểm có thể gọi là giáo dục online, những thay đổi như thế làm tỷ lệ rối loạn tâm lý ở lứa tuổi học đường tăng lên cả về số lượng lẫn tính nghiêm trọng .

Lứa tuổi nào cũng có thể mắc:

Mỗi lứa tuổi có những biểu hiện rối loạn khác nhau, nhiều khi các bậc cha mẹ không nghĩ rằng đó là những dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần của trẻ. Ở lứa tuổi nhà trẻ (2-3 tuổi), khi bắt đầu đến lớp, trẻ bắt đầu phải làm quen với một môi trường mới: không được chăm sóc riêng như trước đây, những đòi hỏi của trẻ cũng không được đáp ứng dễ dàng như trước, trẻ bắt đầu phải đi vào khuôn khổ như phải ăn, ngủ theo giờ... Tất cả những thay đổi này đều có thể gây nên những rối nhiễu ở trẻ mà các bậc cha mẹ cần chú ý theo sát, động viên trẻ.

Càng lên những cấp học cao thì sức ép về học hành, điểm số càng nặng nề. Ở giai đoạn này, thời gian học càng kéo dài hơn, nhất là ở những lớp cuối cấp. Sức ép phải vào bằng được trường chuyên, đại học khiến nhiều em học ngày học đêm, học thêm hết lớp này đến lớp kia; lo lắng triền miên, quá ít thời gian nghỉ ngơi, ăn uống không đủ chất... gây ra những rối loạn cơ thể. Nếu tình trạng này kéo dài có thể sẽ dẫn đến những rối loạn tâm thần. Ngược lại, một số em ở lứa tuổi này có hiện tượng rối loạn hành vi như nói dối, ăn cắp, bỏ học, bỏ nhà qua đêm, yêu đương, nghiện hút... mà ngoài nguyên nhân xã hội thì nguyên nhân từ phía gia đình rất quan trọng. Nhiều người cho rằng những hiện tượng trên là do hoàn cảnh gia đình, bố mẹ “không biết dạy con”, nhưng sự thực, nhiều em sinh trưởng trong những gia đình nền nếp, bố mẹ rất nghiêm khắc nhưng ở lứa tuổi rất nhạy cảm, có nhiều biến đổi phức tạp, các em rất dễ nổi loạn và sẽ còn tiếp tục trượt dài nếu không có sự giúp đỡ của người thân.

Những biểu hiện dễ nhận biết:

Tùy thuộc vào loại rối loạn tâm thần mắc phải mà trẻ em có những dấu hiệu, triệu chứng khác nhau. Nhưng các rối loạn đó vẫn có một số triệu chứng chung như: Ở tuổi nhà trẻ, mẫu giáo: trẻ lười ăn, hay quấy khóc, hay cáu kỉnh, ương bướng, không muốn đến lớp... Trẻ bắt đầu đi học tiểu học: lầm lì, bướng bỉnh, hay kêu đau đầu, mệt mỏi, ăn không ngon miệng, sợ đi học, sống thu mình... Lứa tuổi THCS, THPT: nhức đầu, mắt kém, cơ thể suy nhược, lúng túng, thậm chí sợ hãi khi phải tự giải quyết những công việc không thuộc lĩnh vực học hành; nặng hơn là có những biểu hiện rối loạn tâm thần; những rối loạn hành vi thường thấy: nói dối, ăn cắp, bỏ học, bỏ nhà qua đêm, nghiện hút, yêu đương sớm.

Lời khuyên của thầy thuốc:

Rối loạn tâm thần tuổi học đường gây ra nhiều ảnh hưởng đối với đời sống tinh thần, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của trẻ. Chính vì vậy, gia đình và nhà trường cần có những hiểu biết sâu sắc hơn về tâm lý của các em.

Tạo điều kiện để con trẻ được học tập và vui chơi lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc phải các rối loạn tâm thần tuổi học đường

Các biện pháp giúp phòng ngừa rối loạn tâm thần tuổi học đường:

Không đặt nặng thành tích khiến các em bị căng thẳng và áp lực quá mức.

• Tổ chức các hoạt động ngoại khóa như các khóa học kỹ năng, cuộc thi thể thao, câu lạc bộ vui chơi, giải trí,…

• Tổ chức các khóa dạy nghề cơ bản để định hướng nghề nghiệp và giúp các em xác định được sở thích, đam mê của bản thân.

• Giáo dục các em về sức khỏe tâm thần và hướng dẫn các kỹ năng giải tỏa stress lành mạnh.

• Nâng cao ý thức của học sinh, sinh viên về ảnh hưởng của chất gây nghiện, rượu bia và các thói quen không lành mạnh khác.

• Tổ chức các buổi tọa đàm để các em có cơ hội chia sẻ tâm tư, tình cảm. Ngoài ra, nhà trường cũng nên có phòng tham vấn tâm lý để học sinh có thể tìm đến khi gặp phải mâu thuẫn với gia đình, bạn bè, thầy cô giáo,…

•  Giáo viên cần quan tâm đến tâm lý của học sinh để các em có động lực vượt qua nghịch cảnh và những thất bại trong cuộc sống. Đồng thời liên lạc với gia đình để có biện pháp khắc phục kịp thời.

Rối loạn tâm thần tuổi học đường đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trước thực trạng này, gia đình và nhà trường cần có biện pháp điều chỉnh để giúp các em bình ổn tâm lý và học tập với trạng thái tinh thần tốt nhất./.

 

 

 

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516