Cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ rà quét thông tin trên các trang web, mạng xã hội nhằm phát hiện những thông tin xấu độc
Thông tin trên internet ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Những thông tin trên mạng đa dạng, phong phú, đã góp phần thúc đẩy phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, trở thành một trong những kênh thông tin chính thống tuyên truyền quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước… Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, thông tin trên mạng cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa khó lường như: Vấn nạn tin giả, tin có nội dung thiếu lành mạnh, phản giáo dục. Đặc biệt, tình trạng thông tin xấu độc, thông tin chưa được kiểm chứng phát tán tràn lan trên mạng trong thời gian gần đây đã trở thành vấn đề nóng, ảnh hưởng đến cá nhân, tổ chức, trật tự an toàn xã hội và lòng tin của nhân dân đối với chính quyền, gây bức xúc trong xã hội.
Ông Nguyễn Tiến Trung, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ) cho biết: Yêu cầu đặt ra với các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin để lọc và phát hiện sớm các thông tin xấu, độc trên mạng internet, qua đó kịp thời phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, hiện nay việc thu thập, chọn lọc thông tin trên mạng internet đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, thiếu công cụ kỹ thuật hỗ trợ. Cùng với sự phát triển của các nền tảng truyền thông, sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, YouTube, trang thông tin điện tử… khiến các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong kiểm soát thông tin. Bởi vậy, việc đưa ra biện pháp hợp lý để hạn chế ảnh hưởng xấu của các thông tin sai lệch trên mạng đối với dư luận xã hội là điều vô cùng cấp thiết.
Thời gian qua, để ngăn chặn sự lây lan, phát tán của các thông tin có nội dung xấu độc, tỉnh Phú Thọ đã tập trung triển khai thực hiện công tác tăng cường quản lý, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã sớm tham mưu cho BTV Tỉnh ủy xây dựng và ban hành Đề án Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc trên Internet và mạng xã hội; thành lập Ban chỉ đạo, Nhóm chuyên gia, Tổ thư ký giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện. Hằng tháng, Ban Tuyên giáo thông báo tình hình chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị và định hướng nội dung cần tập trung đấu tranh, phản bác; chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên rà soát gần 100 trang báo điện tử, website, blog cá nhân, diễn đàn xã hội và hàng trăm tài khoản facebook... Qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, xử phạt và đề nghị gỡ bỏ thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, có nguy cơ gây mất ổn định, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng; công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu độc, đã đạt được kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh còn đơn điệu, chủ yếu vẫn bằng hình thức, phương pháp truyền thống; công tác phát hiện, ngăn chặn, xác minh và xử lý thông tin sai sự thật, xấu độc còn gặp nhiều khó khăn và chưa hiệu quả... Trước thực tế đó, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ thông tin để lọc và phát hiện sớm những sự việc, thông tin có nội dung xấu độc trên mạng Internet trở nên cần thiết trong công tác quản lý. “Nghiên cứu, xây dựng phần mềm trích chọn sự kiện về thông tin xấu, độc trong văn bản tin tức tiếng Việt đăng tải trên các trang thông tin điện tử tổng hợp” là một trong những vấn đề cấp thiết trong tình hình hiện nay.
“Một trong những ứng dụng quan trọng của trích chọn sự kiện là trích chọn các sự kiện về thông tin xấu, độc trong văn bản tin tức tiếng Việt. Về nội dung và bản chất, có thể nhận diện thông tin xấu, độc tán phát trên Internet là những thông tin bịa đặt, bóp méo sự thật, xuyên tạc vấn đề, “đổi trắng, thay đen”, làm lẫn lộn đúng sai, thật giả hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng luận điệu thù địch. Kết quả của quá trình này sẽ được phân tích, thống kê thành các báo cáo hữu ích giúp các nhà quản lý ban hành các chính sách phù hợp nhằm quản lý thông tin trên mạng Internet hợp lý, góp phần nhận diện, phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tác động từ thông tin xấu, độc trên mạng Internet; đồng thời giúp tiết kiệm chi phí, cải cách hành chính, đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh” - Ông Nguyễn Tiến Trung cho biết thêm.
Huyền Trang