Vậy là, ngành Y Thanh Hóa đang tồn tại nghịch lý, có không ít trường hợp dù đã được bố trí công việc nhưng lại dửng dưng không tiếp nhận.
Công văn của sở Y tế xin ý kiến của UBND tỉnh về các trường hợp sinh viên không nhận quyết định phân công.
Người muốn “gửi gắm”, kẻ dửng dưng
Theo tin tức từ Sở Y tế Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Y ra trường, dù đã được bố trí công việc nhưng nhiều sinh viên vẫn không tiếp nhận công việc. Sở Y tế Thanh Hóa đã nhiều lần thông báo nhưng những sinh viên này vẫn không đến tiếp nhận quyết định phân công công tác.
Từ năm 2011 đến nay, Sở Y tế Thanh Hóa đã tiếp nhận và phân công công tác đối với 72 bác sĩ đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Sinh viên tốt nghiệp ra trường từ chối công việc, nghe qua có vẻ hơi lạ, nhưng đó là thực tế khi còn nhiều trường hợp sinh viên không đến nhận quyết định công việc sau khi đã tốt nghiệp.
Đến nay, có một trường hợp là bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh (sinh năm 1988) trú tại thị trấn Cẩm Thủy, huyện Cẩm Thủy, tốt nghiệp năm 2013, được phân công công tác về Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy. Nhưng do hoàn cảnh gia đình nên có nguyện vọng xin được bồi thường kinh phí đào tạo để liên hệ công tác tại tỉnh ngoài.
Còn 2 trường hợp dù đã được sở Y tế Thanh Hóa gửi thông báo nhiều lần nhưng không đến nhận quyết định phân công công tác gồm: Bác sĩ Nguyễn Quang Cường (sinh năm 1981), trú tại thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, tốt nghiệp năm 2011, được phân công công tác về Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành; bác sĩ Phạm Ngọc Minh (sinh năm 1988), trú tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tốt nghiệp năm 2013, được phân công về Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Lát.
Những trường hợp nêu trên được đi học theo chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng, được Nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí học tập. Theo cam kết, sau khi tốt nghiệp, những sinh viên này phải về công tác tại tỉnh Thanh Hóa theo sự phân công của ngành chức năng. Thời gian công tác 5 năm sau khi ra trường mới có quyền được xin thuyên chuyển công tác. Trước sự việc nêu trên, Sở Y tế Thanh Hóa phải xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
Câu chuyện sinh viên dửng dưng với công việc được phân tại Thanh Hóa khiến PV liên tưởng đến phát biểu của ông Trịnh Văn Chiến - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ và các địa phương cách đây không lâu khi nhìn lại chất lượng thi đầu vào công chức.
Ông Chiến nói: "Chúng tôi tổ chức thi tuyển tuyệt đối bí mật. Tôi nói rõ trong Thường vụ Tỉnh ủy là không ai được gửi con cái, thi phải khách quan. Như vậy, người dân rất tin tưởng. Kết quả kỳ thi công chức vừa rồi rất thấp, chỉ 30% thí sinh đủ điểm xét tuyển tối thiểu". Điều đó cho thấy một nghịch lý, nhiều người muốn “gửi gắm” con để có một công việc tốt nhưng không ít trường hợp lại tự chối bỏ cơ hội của mình.
PV trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, được biết: “Chiều qua (4/3), chúng tôi vừa nhận được công văn của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá giao cho sở Nội vụ phối hợp với sở Y tế xem xét xử lý 3 trường hợp sau khi tốt nghiệp đại học các chuyên ngành thuộc lĩnh vực y tế, diện đào tạo cử tuyển đã không chấp hành sự phân công công tác của cấp có thẩm quyền. Chúng tôi đang xác minh thông tin xem 3 trường hợp trên hiện đang ở đâu, họ tình nguyện đi vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn hay họ nhận lời làm cho tư nhân thì mới có hướng xử lý”.
Chạy theo đồng tiền, bỏ qua... cơ hội?
Nhìn từ sự kiện 3 sinh viên không đến tiếp nhận công việc ở Thanh Hóa, PGS.TS Đỗ Minh Cương, nguyên cán bộ vụ Đào tạo và Bồi dưỡng cán bộ, ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Khâu tổ chức cho học viên đi học phải có hợp đồng, có chế tài rõ ràng hoặc là chấp nhận làm việc theo phân công không phải chịu mức phạt cao hơn nhiều lần chi phí Nhà nước bỏ ra để họ có ý thức tuân thủ hợp đồng, lời hứa có trách nhiệm hơn.
Về mặt chính sách cũng cần xem xét lại là cử học viên đi học hệ cử tuyển thì đầu vào rất dễ dàng. Rõ ràng thi trường Y rất khó, nếu là con nhà nghèo chịu đựng gian khổ mà được tỉnh hỗ trợ kinh phí 50% thì chắc chắn họ sẽ chấp nhận việc sẵn sàng đi công tác tại bệnh viện tuyến huyện, miền núi. Đặc biệt là phải xem xét lại trong thành phần được đào tạo theo địa chỉ có phải con cán bộ hay của các gia đình giàu có không? Tôi sợ rằng, nếu cơ hội được trao cho những người này thì họ khó có thể chịu đựng gian khổ và sẽ ngại đi vùng sâu, vùng xa. Cần phải xem lại chính sách, đối tượng ưu tiên có thực sự phù hợp không? Tôi e rằng người đáng được đi học thì không được đi học còn những người không đáng, thường là con nhà giàu, con ông cháu cha thì lại được trao cơ hội này. Với những người này, nếu tinh thần cống hiến vì cộng đồng, sẵn sàng hy sinh chịu đựng gian khổ kém thì chắc chắn tỷ lệ bỏ hợp đồng là rất cao".
Theo một vị từng làm công tác tổ chức cán bộ, để sự việc xảy ra có trách nhiệm phần nào của cơ quan quản lý cán bộ. Đã cho học sinh đi học và cho vào nguồn quy hoạch sẽ về địa phương làm việc thì trong quá trình đấy, nơi cử người đi học phải có sự phối hợp với trường, quan tâm động viên họ, làm công tác tư tưởng cho họ khi về làm việc tại địa phương thì sẽ không có chuyện người dửng dưng với công việc như thế.
“Từ phía học viên, địa phương đã tạo điều kiện và cho họ cơ hội mà họ lại không thực hiện thì rõ ràng cần phải phê bình, lên án. Mặt khác cũng phải xem chế độ đãi ngộ, ban hành chính sách ở các huyện miền núi có đủ sức hấp dẫn, động viên người mới tốt nghiệp lên công tác không? Rõ ràng, với người tốt nghiệp đại học ngành Y hiện nay thì cơ hội ra làm việc ở bệnh viện tư hay phòng khám tư là khá dễ dàng và thu nhập tốt. Còn nếu làm việc ở viện công với thu nhập 3, 4 triệu đồng thì khó đảm bảo đời sống của họ. Theo tôi nghĩ, với các bệnh viện đa khoa thì không nên chỉ tuyển người địa phương, chúng ta phải mở rộng cơ hội cho những người tài giỏi, tâm huyết, lý tưởng cống hiến, cần mở rộng đầu ra. Quan trọng nhất là công khai minh bạch và tuyển mộ rộng rãi”, PGS.TS Cương nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hoá cho biết: “Từ trước đến nay, các trường hợp được phân công công tác đều chấp hành nghiêm túc, chưa xảy ra tình huống như thế này. Chúng tôi sẽ thông báo kết quả đến quý báo sau khi đã xác minh, xử lý. Theo quy định của pháp luật, nếu những trường hợp nêu trên có nguyện vọng công tác tại địa phương khác sẽ phải xem xét giải quyết việc bồi hoàn kinh phí theo quy định của pháp luật”. |
Theo DSPL