Trong suốt thời gian qua, sự sống còn của các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đã trở thành đề tài nóng của giáo dục. Thành lập một cách ồ ạt, nhưng hiện nay nhiều trường đang có nguy cơ giải thể vì không tuyển sinh đủ.
Tại hội nghị tuyển sinh diễn ra vào tháng 12/2012, nhiều đại diện đến từ các trường tư đã đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ điểm sàn, hoặc để mức điểm sàn của trường tư thấp hơn. Một đại biểu cho rằng việc xác định điểm sàn của Bộ GD – ĐT hiện nay là không có cơ sở khoa học. Cụ thể, ông cho rằng kỳ thi tuyển sinh đại học, năm 2012 Bộ GD – ĐT đưa điểm sàn sai, bởi theo phổ điểm thì số lượng học sinh đạt tổng điểm 3 môn từ 7–8 điểm có tỷ lệ cao nhất, nhưng điểm sàn đại học của Bộ GD – ĐT công bố lại từ 13–14,5 điểm. Với số điểm này, các trường đại học ngoài công lập rất khó có thể tuyển sinh được.
Dù vậy, khi yêu cầu công khai phổ điểm thì các trường lại không đưa ra. Trong khi đó, Ông Lê Viết Khuyến, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Đại học cho rằng, các trường muốn tuyển sinh được cần phải khắc phục những hạn chế trong chương trình, cách tổ chức đào tạo mà hiện nay các trường ngoài công lập đang thực hiện thay vì đòi bỏ ba chung, bỏ điểm sàn.
Sự việc vẫn chưa được giải quyết thì nguy cơ tan rã của các trường tư đã cụ thể hóa. Đó là việc ĐH Văn Hiến đã phải bán lại cho một đơn vị khác với giá bèo, do bị đình chỉ tuyển sinh vì chưa có cơ sở đào tạo thuộc sở hữu và tỷ lệ sinh viên/giảng viên vượt quá quy định.
Mới đây, trường trung cấp Trường Sơn (Đắk Lắk) đã phải rao bán (dù đến nay vẫn chưa có ai mua). Hiện nay, ngôi trường tư này chỉ còn 13 cán bộ và 300 học viên. Năm vừa qua, trường chỉ tuyển được 31 học viên trong số hàng trăm chỉ tiêu. Không tuyển sinh được, nợ nần chồng chất, ngôi trường này đang lâm vào thế khó.
Trước những vấn đề trên, sáng nay, tại trụ sở chính ở Hà Nội, lãnh đạo Bộ GD - ĐT làm việc với Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập để bàn bạc, giải tỏa vướng mắc.
Thủy Nguyên
Theo Infonet