Tin, ảnh: Đặng Hải
Trong bối cảnh ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; ngày 02 tháng 11 năm 2018 tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng".
Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Hội thảo là dịp để các nhà quản lý và các nhà khoa học đánh giá tổng quan về những thành tựu và thách thức sau những năm đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo. Đây cũng là dịp để tăng cường xây dựng và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng trên cả nước trong giai đoạn mới.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư Trần Hồng Quân – Chủ tịch Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam cho biết: Hướng tới việc sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của trung ương, đây là dịp để các trường trong cả nước cùng trao đổi, chia sẻ nhận thức, kinh nghiệm trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cũng như các xu hướng giáo dục mới, giáo dục khai phóng tại Việt Nam vẫn chưa đậm nét, dù nền tảng, điều kiện tiếp cận của các trường với xu hướng học tập, sự tiến bộ công nghệ của xã hội là rất lớn. Những chuyển biến trong hoạt động đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng là có, nhưng chưa nhiều và chưa đậm nét. Giáo dục đại học Việt Nam vẫn chưa hình thành được bóng dáng của hệ thống giáo dục mở, hướng giáo dục đến việc thực học, thực hành.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành phát biểu tại hội thảo
Cơ sở đào tạo ĐH đang tăng nhanh nhưng chất lượng chưa tương xứng
Theo PGS.TS Dương Văn Sáu, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nhận định, hiện các cơ sở đào tạo đại học đang tăng nhanh nhưng chất lượng chưa tương xứng nên đang trở thành vấn nạn. "Chúng ta đưa ra thị trường quá nhiều trường nhưng không đáp ứng được thực tế lại tạo ra 'rác' của xã hội. Tỉnh nào cũng có trường ĐH nhưng không phải trường nào cũng đáp ứng được yêu cầu xã hội"- ông Sáu nói.Đồng thời ông Sáu cho rằng, thực tế tại Việt Nam đang chuyển từ đào tạo tinh hoa, đỉnh cao xuống đào tạo phổ cập và đại trà. Từ đó tạo ra rất nhiều "hàng nhái", "hàng chợ". Khi có bộ lọc của thế giới, sự chia sẻ giữa đào tạo trong nước và quốc tế thì "hàng nhái" này sẽ bị loại ra.
Giáo sư Trần Hồng Quân tặng hoa chúc mừng các nhà quản lý giáo dục và nhà khoa học tham dự hội thảo.
Nên công nhận chương trình và chia sẻ nguồn lực lẫn nhau
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Chúng ta phát biểu nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng thực tế các trường lại quá chậm. Theo ông Dũng, hiện nay việc chia sẻ nguồn lực đang được thực hiện rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, trong khi trong giáo dục việc này còn nhiều hạn chế. Việc hợp tác giữa các trường mang lại rất nhiều nguồn lợi cho cả sinh viên và nhà trường. Riêng ở các trường đào tạo khối ngành sư phạm hiện có nhiều môn học chung nhưng mỗi trường lại có giáo trình riêng, cách dạy khác nhau. Điều này tạo nên sự lãng phí rất lớn. "Tôi đề nghị các trường cùng chia sẻ nguồn lực với nhau, không nên tiếp tục tình trạng mỗi trường tự đầu tư dàn trải. Cụ thể như: thư viện, học liệu số, bài giảng điện tử, phòng thí nghiệm…Theo đó, sinh viên các trường có thể dùng chung các nguồn lực này. Tiếp sau đó, các trường còn có thể chia sẻ bài giảng, công nhận chương trình đào tạo lẫn nhau và cùng trao đổi giảng viên. Thậm chí, sinh viên trường này có thể học ở trường khác, muốn cải cách giáo dục đại học cần có tư duy mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải trở thành một cầu nối, tập trung nguồn lực để gắn kết, chia sẻ với nhau” – Phó Giáo sư Đỗ Văn Dũng nhấn mạnh./.