Đổi mới nhưng làm theo cách cũ
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã một mực khẳng định đề án trình ra Thường vụ Quốc hội không hề nói tới tiền, tức là không có con số 34 nghìn tỷ.
Vậy tại sao một đề án lại không nhắc tới kinh phí? Ông Luận lý giải: “Vào năm 2000, Quốc hội khóa X đã bàn và ra Nghị quyết số 40 về chủ trương đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông. Đến năm nay thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương chúng ta cũng triển khai việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa trong khuôn khổ đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo. Chúng tôi nghiên cứu thấy rằng không có văn bản pháp luật nào nói về việc này, anh em thảo luận và đề xuất với Thủ tướng là theo cách làm của Quốc hội khóa X, tiền lệ làm là như vậy. Trong Nghị quyết 40 của Quốc hội Khóa X không có vấn đề kinh phí, do vậy hồ sơ Bộ Giáo dục và Đào tạo trình không có vấn đề kinh phí”.
Nghe Bộ trưởng Luận giải thích, nhiều người bảo: Thật lạ là Bộ Giáo dục Đào tạo luôn hô hào đổi mới, cũng là đầu tàu trong chiến dịch đổi mới toàn diện nền giáo dục, vậy mà lại cứ vin vào “cách làm cũ”. Đấy chỉ là giải thích cho qua chuyện, chứ không thuyết phục được nhân dân.
Ông Phạm Vũ Luận - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Vấn đề kinh phí sẽ xử lý thế nào? Bộ trưởng Luận cho biết, Chính phủ tính toán sẽ làm giống như năm 2000 là sau khi Quốc hội có nghị quyết về chủ trương đổi mới chương trình sách giáo khoa thì Chính phủ phê duyệt các đề án triển khai nghị quyết đổi mới chương trình sách giáo khoa của Quốc hội.
Mỗi một đề án đó sẽ có vấn đề kinh phí, trong những đề án đấy sẽ có một đề án về sách giáo khoa. Phê duyệt đề án ấy theo quy định của pháp luật hiện hành, nếu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, Thủ tướng phê duyệt, nếu vượt thẩm quyền Thủ tướng thì Chính phủ thảo luận và Chính phủ sẽ quyết, nếu vượt thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ, Thủ tướng sẽ báo cáo với Quốc hội để Quốc hội quyết định. Cách làm tiếp cận để chuẩn bị hồ sơ trình năm nay theo hướng đó. Do vậy không có nội dung kinh phí và không có con số 34.000 tỷ ở trong hồ sơ đó, để Quốc hội cân nhắc, xem xét.
Và rồi, ông Luận lại khăng khăng: “Chúng tôi thấy chúng tôi không có khuyết điểm gì về việc này, vì không có quy định về văn bản pháp luật là trình hồ sơ thế nào và khi không có quy định văn bản pháp luật thì chỉ có một cách là căn cứ vào lịch sử Quốc hội khóa trước ở nhiệm vụ làm như vậy thì Bộ chuẩn bị như vậy”.
Ngay sau phát biểu của Bộ trưởng Luận, Đại biểu Dương Trung Quốc đã nói thẳng: “Bộ
Năm 2013, ông KSor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc từng nói: "Chuyện này Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển từng vừa lau mồ hôi vừa trình bày trước Quốc hội. Giờ đã qua 3 Bộ trưởng mà cuộc chiến này vẫn chưa dừng”.
trưởng trả lời như vậy thì ĐBQH chúng tôi rất hoang mang không biết bao giờ thì đổi mới chương trình-SGK xong, mà nhiệm kỳ của cả Quốc hội lẫn Bộ trưởng sắp xong rồi. Những việc đó gây mất lòng tin cho nhân dân. Mặc dù chúng ta ghi nhận là giáo dục thời gian qua đã có những thay đổi, nhưng với giáo dục, chúng ta đang đòi hỏi phải có những đổi mới cấp bách. Bộ trưởng không chỉ nói về bản thân mà nói cả về bộ máy của mình. Tốt nhất là Bộ trưởng nhận lỗi của mình. Còn sau đó Bộ trưởng xử lý cấp dưới của mình như thế nào thì chúng ta không bàn".
34 nghìn tỷ là… “lỗi kỹ thuật”?
Con số 34.000 tỷ suất hiện ở chỗ nào, lúc nào? Ông Luận nói: “Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến về đề án này, theo chương trình đối ngoại của Bộ, tôi với tư cách là Chủ tịch Hội đồng giáo dục các nước Đông Nam Á cần phải chủ trì phiên họp của Hội đồng ở nước ngoài, không thể về kịp. Tôi có báo cáo với Thường vụ và Thường vụ linh động cho phép một đồng chí thứ trưởng dự họp.
Trong tay đồng chí Thứ trưởng thay mặt tôi dự để báo cáo vấn đề này không có con số 34 nghìn tỷ. Một đồng chí cấp vụ của chúng tôi ngồi ở ghế sau đưa lên một tờ giấy. Các đồng chí thông cảm cho là anh em dự một phiên họp quan trọng như vậy, trang nghiêm như vậy, đọc con số đó chúng tôi chưa bàn bạc, thống nhất ở bên dưới như đã trình bày”.
Cũng theo ông Luận, sau đó Bộ Giáo dục tổ chức một cuộc họp báo để nói lại là 34 nghìn tỷ nhiều việc, nhưng báo chí lại rút gọn lại là 34 nghìn tỷ để làm chương trình sách giáo khoa.
“Mình nói để giải thích ý đó, nhưng nói cũng không khéo, không đầy đủ, nhân dân thì lại thấy con số 34 nghìn tỷ là đúng, anh đi anh giải thích. Như thế có lỗi kỹ thuật sai sót để xảy ra như thế. Tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện sự ủy nhiệm của Thủ tướng Chính phủ chưa đầy đủ và gây nên sự lo lắng, băn khoăn trong nhân dân, lo lắng nhất là mấy anh này chỉ vẽ ra để tiêu tiền, làm thất thoát tiền của đất nước, của nhân dân”, ông Luận nói.
Nghe giải thích này của Bộ trưởng Luận hẳn sẽ có nhiều người đồng cảm với những áp lực mà cá nhân Bộ trưởng đang phải đối mặt. Và đúng như lời Bộ trưởng, ngay tại buổi họp báo ấy, ông Đỗ Ngọc Thống – Vụ phó Vụ Giáo dục trung học, thường trực Ban soạn thảo Đề án đổi mới chương trình - SGK hồn nhiên ví von, việc báo cáo tại Thường vụ Quốc hội chỉ là buổi “bảo vệ” thử luận án; rằng tên đề án khiến nhiều người hiểu lầm, thực tế chương trình và sách giáo khoa chỉ tốn khoảng 5 nghìn tỷ, còn lại là các hạng mục khác (khoảng 7-8 mục).
Đại biểu Dương Trung Quốc bình luận: "Với con số 34.000 tỉ đồng, điều khiến người dân thấy phản cảm nhất, mất lòng tin nhất là tại sao một con số vu vơ như vậy mà lại được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội?".
Chưa biết đến bao giờ mới đổi mới được chương trình - SGK. Ảnh minh họa, nguồn TTO. |
Rất nhiều chuyên gia giáo dục đã đặt ra câu hỏi: Chương trình – SGK còn chưa đạt chuẩn, vậy thì tiêu hàng nghìn tỷ vào các hạng mục khác làm gì? Điều đó chẳng khác gì Bộ Giáo dục chưa có được bản thiết kế một ngôi nhà, chưa xây được nhà mà đã vội vung tiền mua đồ dùng, không biết rồi sẽ đặt vào đâu?
Vấn đề đặt ra không phải là có bao nhiêu tiền để làm đề án, mà là đề án có thực sự thuyết phục hay không? Nếu đề án thuyết phục, thì chẳng có lý gì nhân dân lại sợ tốn tiền cho việc nâng cao trí tuệ cho con em mình, và cũng là sự tồn vong của dân tộc.
Nhưng trước mắt, Bộ Giáo dục phải khắc phục được những nhược điểm đã nói rõ trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: “Quy trình biên soạn chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học; không có tổng chủ biên chương trình, sách giáo khoa chung; thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều hành, phối hợp, bảo đảm vận hành thống nhất toàn bộ quá trình biên soạn, triển khai thực hiện; thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế; chưa tổ chức một cách hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo, nhất là các giáo viên trực tiếp giảng dạy các cấp học”.
Theo: GDVN