Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcThanh Hóa: Tổ chức cho phóng viên đi thực tế tại Thành Nhà Hồ

Thanh Hóa: Tổ chức cho phóng viên đi thực tế tại Thành Nhà Hồ

Thứ năm, 15 Tháng 5 2025 01:29
Chiều 12/5, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp với huyện Vĩnh Lộc tổ chức cho cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Thanh Hóa đi thực tế tại huyện Vĩnh Lộc.

Điểm đầu tiên của đoàn cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh, các cơ quan báo chí Trung ương thường trú tại Thanh Hóa cùng các đại biểu là đến tham quan Thành Nhà Hồ - Di sản Văn hóa thế giới được UNESCO công nhận năm 2011. Tại đây, đoàn đã được tham quan, giới thiệu về lịch sử hình thành, kiến trúc của Thành Nhà Hồ. Đồng thời, được tìm hiểu, trải nghiệm “không gian văn hoá nông nghiệp vùng Tây Đô”… để hiểu hơn về vùng đất và con người nơi đây gắn từ thời kỳ lịch sử cho đến ngày hôm nay

.nha ho 1

Hướng dẫn viên di tích Thành Nhà Hồ đang giới thiệu về lịch sử hình thành, kiến trúc của thành.

Thành Nhà Hồ (hay còn gọi là thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Tây Kinh hay thành Tây Giai) là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu của Việt Nam dưới thời nhà Hồ), nằm trên địa phận tỉnh Thanh Hóa. Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn hiếm hoi ở Việt Nam, có giá trị và độc đáo nhất, duy nhất còn lại ở tại Đông Nam Á và là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới. Thành được xây dựng trong thời gian ngắn, chỉ khoảng 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng 3 năm 1397), gồm Thành Nội, La Thành và Đàn Tế Nam Giao. Thành rộng 155,5 ha và được bao bọc bởi một vùng đệm 5.078,5 ha. Vị trí của Thành được lựa chọn theo những nguyên tắc phong thủy trong một cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp giữa hai dòng sông Mã và sông Bưởi ở huyện Vĩnh Lộc.

Hiện nay, dù đã tồn tại hơn 600 năm nhưng một số đoạn của tòa thành này còn lại tương đối nguyên vẹn. Năm 2011, Thành nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Từ những bức tường thành và cổng thành còn tồn tại hiện hữu, khảo cổ học đã phát hiện nhiều kiến trúc quan trọng trong Thành Nhà Hồ như: Điện Hoàng Nguyên (chính điện); Đông Thái Miếu; Tây Thái Miếu; Nền Vua; Hào Thành; đường Hoàng Gia; cấu trúc tường thành, cổng thành...cùng hệ thống di vật, hiện vật vô cùng độc đáo và giá trị.

nha ho 2

Đá được sử dụng cho súng bắn đá, là loại vũ khí phòng ngự tại Thành Nhà Hồ.

Những phát hiện khảo cổ quan trọng đó đã minh chứng rõ nét Thành Nhà Hồ là một kinh đô cổ được quy hoạch và xây dựng hoàn chỉnh, bài bản, quy chuẩn với đầy đủ đền đài, miếu mạo, cung điện, đường xá và được sử dụng xuyên suốt trong nhiều triều đại quân chủ phong kiến Việt Nam với tư cách là trung tâm hành chính - chính trị - quân sự của quốc gia và khu vực lúc bấy giờ.

nha ho 3

Phóng viên các cơ quan báo chí chụp ảnh lưu niệm tại Thành Nhà Hồ.

Phát triền du lịch xứng tầm với di sản thế giới Thành Nhà Hồ

Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhằm thông tin kết quả thực hiện chương trình trọng tâm của nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, huyện Vĩnh Lộc tổ chức cho phóng viên các cơ quan đi thực tế tại Thành Nhà Hồ …

nha ho 4

Ông Lê Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị

Sau khi tham quan, trải nghiệm thực tế, PV các cơ quan báo chí được nghe lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc chia sẻ về kết quả thực hiện Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 tại hội trường của huyện.

Ông Ngô Quang Tự, Phó Tổng biên tập Báo Thanh Hóa gửi lời cảm ơn các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí của Tỉnh và huyện Vĩnh Lộc đã tạo điều kiện đưa Phóng viên các cơ quan báo chí đi thực tế, trải nghiệm để lấy tư liệu viết tin, bài.

Nhà báo Xuân Hùng, Báo Lao động đóng góp ý kiến, để phát huy được giá trị là di sản văn hóa thế giới của Thành Nhà Hồ thì các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần tăng cường công tác kết nối giữa di sản này với các điểm du lịch nổi tiếng của Thanh Hóa như Sầm Sơn,…Đồng thời, địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần tăng cường quảng bá, giới thiệu về hình ảnh, giá trị của Thành Nhà Hồ đến với du khách.

Nhà báo Lê Hoàng, Báo VnExpress chia sẻ, nhà nước, chính quyền địa phương và đơn vị quản lý cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, quảng bá để Thành Nhà Hồ xứng tầm là di sản văn hóa thế giới. Từ đó, Thành Nhà Hồ nói riêng và huyện Vĩnh Lộc mới thu hút và giữ được chân du khách.

Lãnh đạo Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và huyện Lĩnh Lộc đã cảm ơn, tiếp thu các ý kiến góp ý của Phóng viên các cơ quan báo chí để Thành Nhà Hồ xứng tầm là di sản văn hóa thế giới.

nha ho 5

Toàn cảnh hội nghị thông tin kết quả thực hiện chương trình trọng tâm của nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX và nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Lộc lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025

Kết thục buổi tham quan thực tế và hội nghị, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo dân vận tỉnh Thanh Hóa gửi lời cảm ơn Trung tâm bảo tồn Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và huyện Lĩnh Lộc đã tạo điều kiện cho phóng viên các cơ quan báo chí đi trải nghiệm thực tế, lấy tư liệu viết tin bài.

Đồng thời, đề nghị các phóng viên, các cơ quan báo chí cần quan tâm tăng cường tuyên truyền về di sản thế giới Thành Nhà Hồ nói riêng và du lịch của địa phương nói chung. Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp, phóng viên các cơ quan báo chí cần thận trọng trong việc xác minh thông tin, liên hệ với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng để có thông tin chính xác, chính thống phục vụ cho việc viết tin bài.

Thiệu Ninh

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516