Đoàn Xuân Trường
Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục và Xã hội
Một người bạn ở thị trấn Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh gửi tới tôi mấy bài thơ đầu tay của em gái mình Nguyễn Lệ Hằng (sinh 1967) hiện chị đang sống cùng gia đình ở thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Qua Internet, Lệ Hằng gửi từng đợt 30 bài một lần, sau đó tôi nhận được tập bản thảo gồm 150 bài thơ chị sáng tác qua 2 năm trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt và ngặt nghèo: Phải chống chọi với những cơn đau dày vò, dai dẳng của căn bệnh quái ác!. Đọc thơ Nguyễn Lệ Hằng, tôi nhớ đến nhận định về thơ của Nhà phê bình Văn học Nga nổi tiếng Bi-ê-lin-xki: “Thơ trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật...”. Thật vậy, với mỗi bài thơ của Nguyễn Lệ Hằng có được có thể coi là “chiến công” sau từng trận chiến đấu quyết liệt với những cơn đau kinh hoàng trước lưỡi hái của tử thần.
Trước kia Nguyễn Lệ Hằng chưa từng làm thơ, nhưng từ chuyện buồn của gia đình sau 2 năm người cha (bố chồng) chị qua đời, Nguyễn Lệ Hằng bỗng bật ra những câu thơ đầu tiên cùng nước mắt với bài “Nhớ cha”, ở đó hình ảnh người cha thân thương, giản dị được khắc họa rõ nét trong tâm trí chị:
“... Vắng đi một dáng gầy
Vắng đi mái tóc bạc
Vắng đi ánh mắt hiền
Vắng... tình cha yêu thương...”.
Rồi sau đó một tai họa bất ngờ ập đến, các bác sĩ phát hiện chị mắc bệnh ung thư... phải liên tục điều trị bằng những ca phẫu thuật, xạ trị dài ngày... Đó cũng là lúc hồn thơ trong Nguyễn Lệ Hằng bỗng “bừng lên, tuôn chảy” ngay trên giường bệnh và sau những cơn đau hành hạ. Đọc thơ Nguyễn Lệ Hằng, người ta thấy rất rõ tinh thần lạc quan, yêu đời, tràn đầy lòng biết ơn những người thân trong gia đình đã hết lòng chăm sóc, nâng đỡ chị:
“Con hạnh phúc được làm con của mẹ
Con hạnh phúc được bao người chia sẻ...”
(Yêu mẹ).
Đặc biệt, với người chồng thân yêu của mình, tác giả dành hầu hết các sáng tác tặng anh qua những bài thơ, câu thơ mộc mạc, chân thành khi nhớ về kỷ niệm, tình yêu, trách nhiệm, sự sẻ chia... sau nhiều chục năm chung sống bên nhau đến nay họ đã lên ông, lên bà:
“Tình yêu anh chính là liều thuốc
Chữa cho em hết mọi đớn đau...”.
(Điều ước của anh).
Khi chị mắc bệnh, người chồng của Nguyễn Lệ Hằng là Giám đốc một Sở ngành trong tỉnh và hiện nay anh là Bí thư Huyện ủy một huyện thuộc tỉnh Lạng Sơn. Tuy công việc hàng ngày ở cơ quan tất bật nhưng sau giờ hành chính, anh luôn kề cạnh bên vợ để chăm sóc, chia sẻ, động viên hay làm bất cứ công việc gì có thể để chị yên tâm điều trị. Trong bài “Bác sĩ nhà tôi” có phần ngộ nghĩnh, đáng yêu khi diễn tả chồng mình đã quá thông thạo với những công việc chuyên môn của y tá, hộ lý ở bệnh viện trong thời gian chị chữa bệnh tại nhà:
“Tiêm, truyền, cắt chỉ, thay băng
Chồng tôi làm giỏi cỡ hàng cao siêu...”.
Chiến đấu với căn bệnh quái ác từng ngày, từng giờ... tác giả trân trọng, nâng niu cuộc sống bằng chính lòng biết ơn tình yêu lứa đôi đầy trách nhiệm của anh đã dành cho mình, đó là kết quả cuộc sống hạnh phúc do hai người cùng vun trồng, bồi đắp:
“Cảm ơn đời và cảm ơn anh
Dành cho em những tháng năm hạnh phúc
Dành tặng em những yêu thương chân thực
Tặng một gia đình chuẩn mực, bình yên...”
(Cảm ơn đời và cảm ơn anh).
Thơ Nguyễn Lệ Hằng không chỉ dành tình cảm tin yêu cho những người thân trong gia đình, tác giả luôn quan tâm nhiều đến không gian rộng lớn, đó là: Thiên nhiên, bốn mùa, quê hương, mái trường, xã hội... qua các bài “Trốn mưa”, “Mưa xuân“, “Chiếc lá mùa đông”,... Ở chủ đề này thơ chị hình như được “ cất cánh”, với những câu chữ mềm mại, cách diễn tả tinh tế và giàu hình ảnh gợi cảm. Điều đó chứng tỏ, hồn thơ đến với chị như đã được trao duyên, gợi mở từ trước. Trong bài “Lời hay trao nhau”, tác giả thể hiện quan niệm của mình và mong muốn nhắn nhủ mọi người cùng tự nhiên, tự nguyện sử dụng những ngôn từ hay đẹp khi giao tiếp để chung tay xây dựng khi cuộc sống vẫn còn nhiều lo toan, vất vả:
“Lời nhẹ nhàng xoa hết mọi nỗi đau
Lời yêu thương giúp vượt qua gian khó
Lời động viên chuyện buồn to, thành nhỏ
Thật tuyệt vời được chia sẻ cùng nhau...”.
Thơ Nguyễn Lệ Hằng tràn đầy sinh lực, yêu đời, yêu người, đây là hình ảnh của chị:
“Cô gái ấy... có tình yêu chứa chan
Yêu nắng vàng và yêu từng làn gió
Bước thật khẽ sợ làm đau cây cỏ
Giữ niềm yêu trong tim nhỏ ấm nồng...”
(Cô gái hay cười).
Có được phẩm chất cao quý đó, tất cả đều bắt nguồn từ nền tảng của tình yêu, hạnh phúc bản thân và gia đình; đây chính là liều thuốc tinh thần vô giá để chị vượt qua những thử thách khó khăn trong thời gian chữa bệnh. Và, những bài thơ thực sự đã tiếp sức, nâng đỡ chị cùng người thân trong “cuộc chiến” dài ngày, căng thẳng để giành lại sự bình yên, hạnh phúc đời thường vốn có. Tác giả Nguyễn Lệ Hằng có dự định sẽ in tập thơ này làm kỷ niệm, điều đó chắc không làm khó đối với một nhà xuất bản khi đón nhận kết quả thơ từ một tâm hồn giàu cảm xúc chân thành, biết vượt lên từ nỗi đau thể xác.
Thay cho lời kết, người viết bài này bỗng nhớ lại bài văn đoạt giải Nhất trong cuộc thi học sinh giỏi lớp 10 toàn miền Bắc của cố Nhà văn, Nhà báo Nguyễn An Định thời ông còn đi học phổ thông cách đây hơn 60 năm khi nói về tác dụng của văn học: “Văn học đi vào lòng người không cần giấy thông hành; Văn học như liều thuốc bổ đối với người không có bệnh; Văn học chữa khỏi bệnh đối với người có bệnh...”. Trường hợp làm thơ trong hoàn cảnh ngặt nghèo hiếm gặp này có thể nói, Nàng Thơ đã “bất ngờ xà xuống” đánh thức tâm hồn Nguyễn Lệ Hằng và Nguyễn Lệ Hằng đã thể hiện được lòng mình bằng lời thơ chân thực, chân thành. Chị đang đến với văn học... Chúng ta hy vọng Nguyễn Lệ Hằng sẽ sớm khỏi bệnh và sáng tác thơ nhiều hơn, nghệ thuật hơn để có được “liều thuốc quý” vô cùng hữu hiệu cho chính mình và cho bao nhiêu người khác.
Tôi thật sự vui mừng, trân trọng giới thiệu tác giả thơ Nguyễn Lệ Hằng và mong đợi tập thơ đầu tay của chị sẽ sớm đến với bạn đọc. Sau đây là hai bài thơ của chị./.
Hà Nội, đầu tháng 8/2021
Cảm ơn Đời và cảm ơn Anh
Nguyễn Lệ Hằng
Cảm ơn đời cho em được gặp anh
Để duyên kết chúng mình thành chồng vợ
Từ lâu lắm lúc nào không còn nhớ
Có một người từ lạ trở thành yêu
Cảm ơn anh bên em những sớm chiều
Chăm sóc, quan tâm, ân cần nhiều thế
Dù một ngày vắng thôi cũng không dễ
Em quen rồi nên không thể xa anh
Cảm ơn đời và cảm ơn anh
Dành tặng em những tháng năm hạnh phúc
Dành tặng em những yêu thương chân thực
Tặng một gia đình... chuẩn mực bình yên !
Lạng Sơn ngày 13/01/2021
Tháng Giêng
Nguyễn Lệ Hằng
Tháng Giêng hé cửa đón xuân
Hoa xoan tím biếc xa gần rơi nghiêng
Quất, đào khoe sắc bên hiên
Nàng xuân xúng xính như Tiên giáng trần
Mưa giăng như sợi tơ mềm
Để ai ngơ ngẩn, tần ngần, Tháng Giêng...
Xứ Lạng 12/2/2020