Tiếp nối chuỗi sự kiện thường niên Diễn đàn Toàn cảnh TMĐT Việt Nam (Vietnam Online Business Forum - VOBF) do Hiệp hội TMĐT Việt Nam tổ chức, được sự bảo trợ bởi Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công thương, VOBF 2021 với chủ đề "Chuyển đổi từ hôm nay" chia sẻ những chỉ số mới nhất về thị trường TMĐT Việt Nam và thế giới, những xu hướng TMĐT quan trọng được công bố bởi Nielsen, Amazon, Google, Facebook, Lazada, Tiki... Đây là một chương trình uy tín và quy mô với sự đồng hành của hơn 30 công ty công nghệ, trong đó có Liên minh Chuyển đổi số Doanh nghiệp vừa và nhỏ (DTS).
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM phát biểu khai mạc Diễn đàn VOBF 2021
Diễn đàn với quy mô toàn quốc, tạo cơ hội kết nối giao lưu giữa các doanh nghiệp tham gia, đồng thời chia sẻ những vấn đề đang được quan tâm hàng đầu trong thời đại số.
Nội dung xuyên suốt chương trình gồm bốn phiên xoay quanh các chủ đề "Chuyển - Đổi - Tăng - Trưởng". Cụ thể, phiên một chia sẻ về "Chuyển biến của thị trường 2021 và nền tảng thúc đẩy chuyển đổi số", nối tiếp phiên hai với chủ đề "Thay đổi thiết yếu để thích ứng sinh tồn và phát triển, phiên thứ ba trình bày nội dung về "Tăng trưởng kinh doanh từ mô hình chuyển đổi mới" và phiên cuối cùng là chủ đề "Phát triển bền vững và sẵn sàng đối diện mọi tình huống trong tương lai". Các nội dung được chia sẻ từ 30 chuyên gia uy tín hàng đầu trong lĩnh vực TMĐT đến từ Facebook, Google, Amazon, Nielsen, Tiki, Lazada, IM Group, DTS, GoSell, VPBank, Harava...
Năm nay, VOBF 2021 được tổ chức nhằm cung cấp bức tranh toàn cảnh TMĐT Việt Nam, đồng thời cập nhật thêm các chủ đề hấp dẫn từ những thông tin mới nhất về TMĐT, thống kê về hành vi chuyển đổi mua sắm của khách hàng cho doanh nghiệp. Những thông tin thiết thực có giá trị giúp doanh nghiệp tìm ra giải pháp chiến lược thay đổi, khắc phục hậu quả đại dịch Covid-19 vừa qua và tăng trưởng đột phá, bền vững cho công việc kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
Báo cáo của VECOM cũng cho thấy, liên quan tới bán lẻ hàng hoá trực tuyến, sản lượng bưu gửi qua dịch vụ chuyển phát năm 2020 tăng 47%. Những doanh nghiệp chuyển phát hàng đầu có mức tăng trưởng bưu gửi từ 30% tới 60%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát thấp hơn so với tốc độ tăng sản lượng. Tỷ lệ bưu gửi của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 60% tổng bưu gửi cả nước.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các ví điện tử cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo ước tính của VECOM, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt (COD) cho mua lẻ hàng hoá trực tuyến vẫn ở mức cao, khoảng 80%.
Về xếp hạng chỉ số thương mại điện tử (EBI) giữa các địa phương, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu xếp hạng EBI 2021 với 67,6 điểm. Đứng thứ hai là Hà Nội với 55,7 điểm. Tuy vậy, điểm trung bình của chỉ số năm nay là 8,5 điểm, phản ánh khoảng cách rất lớn giữa hai đầu tàu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 61 tỉnh thành khác. Tổng quan giai đoạn 2016 - 2020, khoảng cách EBI giữa Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các địa phương còn lại hầu như không thay đổi. Thực tế này chứng tỏ nhiều địa phương chưa khai thác được cơ hội do thương mại điện tử mang lại, đồng thời các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến chậm mở rộng quy mô kinh doanh và tăng trưởng bền vững.
Năm 2021, Chỉ số TMĐT sẽ được tổng hợp từ 3 tiêu chí gồm: Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin, giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng và giao dịch TMĐT giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp.
Đại diện của Nielsen, bà Lê Minh Trang cho biết, với thương mại điện tử, quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng vẫn là sản phẩm thực tế liệu có giống như mô tả hay không, chất lượng sản phẩm như thế nào vì không thể nhìn thấy và trải nghiệm sản phẩm trước khi mua. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng việc cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, xây dựng hệ sinh thái trải nghiệm bền vững để người dùng có thể cảm thấy yên tâm khi mua sắm và được tận hưởng những hàng hóa, dịch vụ có chất lượng tốt nhất. Thứ nữa, cần theo dõi sát sao chất lượng sản phẩm cũng như xử lý nhanh chóng khiếu nại của khách hàng là điều rất quan trọng.
P.T