Chưa rõ danh tính “ai nhận hối lộ”
Ngày 24-3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thông báo yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với VKSND Tối cao, Bộ GTVT, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh, làm rõ và liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ, tài liệu về việc chủ tịch Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản khai báo đưa hối lộ cho cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, điều tra để xử theo quy định của pháp luật.
Ngày 24-3, Bộ GTVT đã có buổi làm việc với đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT, đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin về danh tính người nghi nhận hối lộ. Bộ đang đợi báo cáo của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam để sớm có văn bản gửi Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, giám đốc Ban Quản lý Các dự án đường sắt (đã bị đình chỉ công tác), tại lễ ký hợp đồng gói thầu dự án hiện đại hóa Trung tâm Điều hành vận tải đường sắt năm 2012. Ảnh: TL
Các cá nhân phải giải trình trước 31-3
Và để các lãnh đạo liên quan đến dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 1 có thời gian giải trình, trong ngày 24-3, Bộ đã ra quyết định dừng công tác 10-15 ngày đối với ba quan chức là ông Trần Văn Lục - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) và các ông Ngô Anh Tảo, Nguyễn Quốc Đông - đều là phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Cả ba người này trước đó đều đã cam kết với lãnh đạo Bộ GTVT là “không liên quan, không nhận hối lộ của JTC”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Thắng - Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam: Ông Lục trước khi đảm nhận chức vụ giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt, thuộc Cục Đường sắt Việt Nam đã có thời làm giám đốc Ban Quản lý Các dự án đường sắt - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và đây cũng là giai đoạn có liên quan đến việc thực hiện gói thầu số 1, thuộc dự án Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 có sự tham gia của JTC. Do đó, việc cho tạm dừng là để giải trình rõ trách nhiệm cá nhân khi còn làm ở Tổng Công ty Đường sắt.
Tương tự, ông Trần Ngọc Thành - chủ tịch Hội đồng thành viên - Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho hay lý do tạm dừng công tác ông Tảo và ông Đông là: “Để những người này có thời gian rà soát lại các khối lượng công việc đã làm chứ không phải dính líu gì tới những tố cáo mà báo chí Nhật Bản nêu ra”.
Riêng với trường hợp yêu cầu giải trình đối với ông Nguyễn Hữu Bằng - nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ông Bằng nghỉ hưu từ đầu năm 2013), ông Thành cho hay do Bộ GTVT quyết định. Trước đó, tại cuộc họp ngày 22-3, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã nêu rõ những cán bộ đã nghỉ hưu nhưng có liên quan đến dự án phải làm báo cáo giải trình về trách nhiệm cá nhân. Báo cáo của các cá nhân hoàn thành trước ngày 31-3.
Cử thứ trưởng sang Nhật
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, cho biết hôm nay (25-3) sẽ công bố quyết định thành lập đoàn thanh tra những dự án đường sắt có sự tham gia của Công ty JTC. Mục đích là làm rõ xem có những bất cập, lỗ hổng nào trong triển khai thực hiện các dự án không.
Trả lời Vietnam + (TTXVN) tối 24-3, ông Huyện cho biết Thanh tra Bộ kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu JTC đưa danh sách cán bộ đã nhận tiền của công ty để vụ việc được rõ ràng và nhanh chóng xử lý.
Tối 24-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết vào tối 25-3, Bộ sẽ cử Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đích thân sang Nhật Bản để làm việc với tất cả cơ quan của Nhật Bản bao gồm Cục Thuế khu vực Tokyo; Đội điều tra đặc biệt của Văn phòng Công tố Tokyo và nhật báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun nhằm xác minh thông tin về sự việc nghi án nhận hối lộ của quan chức ngành đường sắt Việt Nam.
Bộ Công an vào cuộc
Trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, Trung tướng Triệu Văn Đạt, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, cho hay: Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã giao cho các đơn vị chức năng phối hợp với Thanh tra Bộ GTVT xem xét lại toàn bộ các dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, nhất là các dự án mà Công ty Tư vấn JTC Nhật Bản đã trúng thầu để xác định trong quá trình thực hiện dự án có những sai sót, vi phạm gì không.
Căn cứ vào kết quả giải quyết sự việc của các cơ quan tư pháp Nhật Bản, Cơ quan CSĐT Bộ Công an sẽ xác minh tin báo, tố giác về tội phạm cũng như thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp theo quy định. Khi có đủ căn cứ pháp lý, cơ quan CSĐT sẽ quyết định xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Theo PLO