Trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ chiều 27/6, sau phần báo cáo của các Bộ trưởng, và phát biểu của PTT Nguyễn Thiện Nhân cùng với PTT Vũ Văn Ninh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận và chỉ đạo các bộ ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung nỗ lực trong 6 tháng cuối năm để đảm bảo đạt tốc độ tăng trưởng 5,5% như kế hoạch đề ra.
Đối với quản lý thị trường vàng, Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của NHNN trong thời gian qua.
“Đã có một thời gian, vàng làm cho lãi xuất và tỷ giá thiếu ổn định. Bây giờ, chúng ta đã triển khai Nghị định 24 thu được những kết quả tích cực, cần phải tiếp tục triển khai hết sức nghiêm túc, rút kinh nghiệm triệt để làm tốt hơn nữa trong thời gian tới. Chúng ta không phải nhằm vào mục tiêu giá vàng Việt Nam bằng với giá vàng thế giới. Nước mình không sản suất vàng, vậy nhập khẩu vào thì làm sao giá bằng các nước sản xuất được.
Đây là một chương trình mới, tôi đề nghị phải thực hiện nghiêm túc, vừa đảm bảo người có vàng không bị thiệt hại gì, nhưng đồng thời phải đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, làm để ổn định toàn hệ thống. Đã có một thời gian vàng làm cho lãi xuất và tỷ giá thiếu ổn định. Bây giờ, chúng ta đã triển khai Nghị định 24 thu được những kết quả tích cực… Cần phải công khai tuyên truyền trung thực, không thể để vàng quay trở lại là đồng tiền thanh toán tự do trên thị trường”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng đánh giá, trong 6 tháng đầu năm các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đã đề ra trong các Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Nhờ vậy, kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra rằng: “Việc cụ thể hóa các chủ trương còn chậm, chủ trương đưa ra đúng rồi nhưng để đi vào cuộc sống không dễ dàng gì, tôi rất hiểu những khó khăn của các ngành, nhưng chúng ta cũng phải thấy rằng triển khai còn chậm.
Tôi lấy thí dụ chúng ta phải mất gần một năm trời mới ra được Công ty mua bán nợ, rồi gói tín dụng hỗ trợ cho người dân mua nhà ở xã hội cũng triển khai còn chậm. Triển khai tới giờ thì vẫn còn có những ý kiến tranh luận: thu nhập mức nào là thu nhập thấp? Ai là người thu nhập thấp được hưởng chính sách này? Nhà ở xã hội tiêu chuẩn thế nào?
Ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh thì nhu cầu khác nhau, việc bố trí dự án, chất lượng và tiến độ của các dự án cũng có điểm khác nhau… đúng là có những khó khăn khách quan đó, nhưng chúng ta phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đảm bảo các chính sách an sinh xã hội đến với người dân thực sự thuận lợi”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc nhở các lãnh đạo bộ, ngành và địa phương, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, lạm phát tuy đã giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; lãi suất giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng còn chậm; đời sống của nhân dân, nhất là người nghèo, người mất việc làm, đồng bào dân tộc, người miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn…
Thủ tướng nhấn mạnh: “Kiềm chế lạm phát đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng trên lĩnh vực này 6 tháng cuối năm thì phải tập trung điều hành tài khóa, giá cả, không được chủ quan. Nếu chúng ta không điều hành một cách thích hợp, không phải là không có tình huống lạm phát tăng trở lại, ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Lãi suất ngân hàng đã giảm, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, nhưng cũng phải lưu ý về dư nợ tín dụng, nếu cho vay mà không thu hồi được vốn thì chỉ tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế”.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu phải đảm bảo thu chi ngân sách đúng với mục tiêu mà Quốc hội đã thông qua, cả thu và chi không thay đổi, đồng thời gấp rút triển khai các dự án quan trọng trong các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, nông nghiệp.
“Tôi nhấn mạnh là trong đó có một giải pháp là hết sức tiết kiệm chi. Các Bộ ngành địa phương cũng ưu tiên cho các vấn đề bức xúc, còn những gì chưa thực sự cần thiết thì phải giãn sang năm sau, không để ảnh hưởng tới mục tiêu thu chi ngân sách. Với một số dự án như quốc lộ 1A và quốc lộ 14, tôi nhấn mạnh là phải làm bằng được, đề nghị các địa phương hết sức quyết liệt để giải phóng mặt bằng…
Còn với tồn kho BĐS, triển khai gói tín dụng hỗ trợ nhà ở thu nhập thấp, cần đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua nhà. Đối với vấn đề của ngành nông nghiệp, tôi cùng với các Phó Thủ tướng cũng đang hết sức tập trung tìm thị trường đầu ra cho bà con nông dân. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ NN tập trung triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp, làm sao tăng được năng xuất, giảm chi phí, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, để đảm bảo mục tiêu người nông dân có lãi trên 30%”.
Theo: GDVN