Sau 2034, quỹ BHXH không còn khả năng chi trả
PV:- Theo dự thảo Luật BHXH chuẩn bị trình Quốc hội, Bộ Lao động Thương binh Xã hội dự định sẽ tăng tuổi hưu và giảm lương hưu để ứng phó với nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội. Xin bà cho biết cụ thể hơn lý do lựa chọn phương án này?
Bà Trần Thị Thúy Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB&XH)
Bà Trần Thị Thúy Nga:-Tôi cho rằng, trước tiên cần phải khẳng định việc sửa đổi chế độ hưu trí trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) lần này nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia BHXH thuộc các thành phần kinh tế , đảm bảo khả năng cân đối quỹ BHXH về lâu dài và giảm dần sự chênh lệch về tuổi hưởng lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ.
Việc quy định tăng điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu là một trong những giải pháp để đảm bảo cân đối quỹ, đảm bảo an sinh xã hội trong tương lai.
Vậy, tại sao phải lựa chọn giải pháp này?
Theo số liệu của Tổng cục Dân số thì tuổi thọ trung bình của Việt Nam hiện nay là 73 tuổi.
Nếu như năm 1960 tuổi thọ trung bình của người Việt Nam chỉ là 40 tuổi thì đến năm 2010 tuổi thọ của người Việt Nam đã là 73 tuổi, trong khi đó sau hơn 50 năm kể từ Điều lệ tạm thời về BHXH năm 1961 cho đến nay thì quy định về tuổi nghỉ hưu ở Việt Nam là không thay đổi (60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ).
Về mặt kỹ thuật trong chế độ hưu trí thì thời gian hưởng lương không tính theo tuổi thọ bình quân dân số, mà tính theo kỳ vọng sống của những người sau tuổi về hưu. Số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009 cho thấy số năm trung bình còn sống được của nam ở tuổi 60 là 18,1 năm và của nữ ở tuổi 55 là 24,5 năm.
Trong khi đó, phần tiền đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất chỉ có thể đảm bảo chi trả cho người lao động là chưa đến 10 năm. Từ đó có thể thấy sự mất cân đối vô cùng nghiêm trọng giữa việc đóng và hưởng quỹ hưu trí và tử tuất hiện nay.
Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh theo dự thảo Luật thì giải pháp này sẽ được thực hiện theo lộ trình và đây không phải là giải pháp duy nhất.
PV: - Vậy, Bộ đã dự tính như thế nào về hiệu quả đạt được nếu dự thảo luật được thông qua, thưa bà?
Bà Trần Thị Thúy Nga: - Theo đánh giá của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), với các quy định về đóng hưởng của chế độ hưu trí và tử tuất hiện hành thì đến năm 2021, tổng số thu của BHXH sẽ tương đương với tổng số chi. Từ năm 2022 phải lấy thêm từ phần kết dư của quỹ BHXH mới đảm bảo chi trả, phần kết dư này sẽ hết vào năm 2034 (nghĩa là sau 2034 quỹ sẽ không còn khả năng chi trả - PV).
Cũng theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế , việc tăng tuổi nghỉ hưu cùng với các giải pháp khác quy định trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thì số thu sẽ đảm bảo chi trả đến năm 2044 và phần kết dư sẽ hết vào năm 2067.
Không gây áp lực biên chế
PV:- Tăng tuổi hưu đồng nghĩa với tăng số lượng công chức nhà nước, tăng gánh nặng ngân sách nhà nước chi trả cho lương và các chế độ khác trong khi đó lại làm giảm hiệu quả công việc (vì trong hầu hết các công việc, những công chức lớn tuổi sẽ khó tiếp thu những công nghệ, kỹ thuật mới hơn lớp trẻ). Bộ đã cân nhắc cái được và mất này hay chưa và như thế nào?
Bà Trần Thị Thúy Nga: - Tôi cho rằng, nếu nói tăng tuổi hưu là tăng biên chế là hoàn toàn không đúng.
Hơn nữa, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đưa ra đề xuất, bắt đầu từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động là cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động còn lại cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Riêng đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu vẫn thực hiện như quy định hiện hành.
Như vậy, với lộ trình trên thì phải sau 15 năm, từ 2031 trở đi đối với khu vực hành chính sự nghiệp và từ 2035 trở đi đối với khu vực doanh nghiệp mới bắt đầu có lao động nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Với cách tăng theo lộ trình này sẽ tác động ít nhất đến thị trường lao động, chất lượng lao động.
PV: - Giả sử mục tiêu giảm áp lực cho quỹ bảo hiểm xã hội nhưng lại tạo ra những áp lực trên, đứng ở góc độ người quản lý, phải lựa chọn thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Thúy Nga: - Nếu ngay lập tức tăng tuổi hưu lên 5 năm thì tôi tin sẽ có tác động như bạn nói. Do đó, Chính phủ đã lựa chọn giải pháp đi dần dần, có lộ trình, có định hướng, chuẩn bị tâm thế cho cả người lao động và người sử dụng lao động.
Người lao động không bị thiệt?
PV:- Nhìn ở một khía cạnh khác, việc tăng tuổi hưu và giảm lương hưu đồng nghĩa với việc: số lượng người sẽ được nhận bảo hiểm xã hội thấp hơn, số năm và số tiền được hưởng thấp hơn, trong khi số năm phải đóng bảo hiểm thì nhiều hơn, nghĩa là, người đóng bảo hiểm chịu thiệt thòi đến 3 lần. Thực tế này có mâu thuẫn với mục tiêu đặt ra của việc đóng bảo hiểm xã hội hay không, thưa bà? Bộ nhìn nhận thế nào về việc bảo vệ quyền lợi người đóng bảo hiểm xã hội trước thực tế trên?
Bà Trần Thị Thúy Nga: - Một trong những yêu cầu đặt ra cho sửa đổi Luật BHXH lần này là mở rộng đối tham gia BHXH, điều đó đồng nghĩa với việc trong tương lai sẽ có nhiều người được hưởng lương hưu hơn, an sinh xã hội sẽ tốt hơn .
Còn về ý bạn nói là sẽ giảm số người hưởng lương hưu thì hoàn toàn không đúng. Thực tế trong 4 tháng đầu khi việc tăng tuổi nghỉ hưu được thực hiện sẽ không có người nghỉ hưu, sau người lao động đủ điều kiện sẽ nghỉ việc hưởng lương hưu như bình thường.
Sau 2034 Quỹ BHXH không còn khả năng chi trả
Ví dụ, nếu dự thảo luật được thông qua thì từ tháng 1 đến 4 năm 2016 sẽ không có cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu. Sau đó, những người đủ điều kiện nghỉ hưu tháng 1/2016 sẽ chuyển sang hưởng lương hưu từ tháng 5/2016, những người đủ điều kiện hưởng lương hưu tháng 2/2016 sẽ chuyển sang hưởng lương hưu từ tháng 6/2016 ….
PV: - Thưa bà, theo dự thảo Luật thì cách tính tiền lương bình quân để làm căn cứ tính lương hưu của người lao động thuộc khu Nhà nước cũng thay đổi. Vì vậy, nhiều người sắp nghỉ hưu lo lắng vì tiền lương hưu của họ sẽ giảm đi. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Bà Trần Thị Thúy Nga:- Theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01 tháng 7 năm 2015 trở đi (thời điểm dự kiến Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành) thì khi nghỉ hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu là bình quân tiền lương tháng của toàn bộ thời gian đóng BHXH. Theo quy định, điều kiện về thời gian đóng BHXH phải có đủ 20 năm trở lên, nên người sớm nhất thuộc khu vực Nhà nước nghỉ hưu từ tháng 8/2035 mới áp dụng quy định này.
Đối với những người thuộc khu vực Nhà nước đang tham gia BHXH trước thời điểm Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực thi hành thì vẫn thực hiện tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm, 6 năm, 8 năm hoặc 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu, tùy thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia BHXH như quy định của Luật BHXH hiện hành. Như vậy, những người sắp nghỉ hưu không phải lo lắng vì họ sẽ không thuộc diện áp dụng quy định này.
Cùng với lộ trình về cải cách chính sách tiền lương, sửa đổi quy định về mức tiền lương làm căn cứ tính đóng và hưởng BHXH thì quy định trên nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia BHXH, đảm bảo nguyên tắc đóng- hưởng trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo khả năng cân đối quỹ BHXH theo đúng nội dung đã được nêu tại các Nghị quyết của Trung ương.
Không phải cứ tinh giản là hưởng lương hưu!
PV:- Nhiều chuyên gia đánh giá, Bộ Lao động Thương binh Xã hội đưa ra đề xuất tăng tuổi hưu trong khi Bộ Nội vụ đang nỗ lực thực hiện mọi biện pháp để tinh giản biên chế chứng tỏ, các Bộ mạnh ai nấy làm, mâu thuẫn với nhau. Bà có ý kiến như thế nào trước nhận định này? Bộ Nội vụ có ý kiến gì trước đề xuất của Bộ Lao động Thương binh Xã hội không, thưa bà?
Bà Trần Thị Thúy Nga: - Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã được các thành viên Chính phủ thảo luận và nhất trí trình Quốc hội, Bộ Nội vụ là thành viên Chính phủ và cũng là thành viên trong Ban soạn thảo dự án luật này.
Về hai đề án mà bạn đề cập, thực chất là hai đề án khác nhau, tinh giản biên chế là trong khoảng thời gian ngắn phải rà soát để đưa ra khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ làm việc không hiệu quả, không đủ tiêu chuẩn ra khỏi biên chế, kể cả những người chưa đến tuổi nghỉ hưu. Như vậy, không phải cứ tinh giản là đã được hưởng lương hưu.
Trong khi đó, tăng tuổi nghỉ hưu là chính sách lâu dài và áp dụng chung cho mọi người lao động không chỉ áp dụng riêng đối với cán bộ, công chức .
PV:- Cũng theo ý kiến các chuyên gia, nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội là do cách quản lý quỹ và không phải tăng tuổi hưu thu thềm tiền để lùi việc trả lương hưu là tránh được khả năng vỡ quỹ. Thưa bà, những ý kiến trên đã được cân nhắc chưa, khi Bộ nghiên cứu đề xuất tăng tuổi hưu, giảm lương hưu nói trên? Và nếu đã nghiên cứu rồi thì lý giải của Bộ là như thế nào?
Bà Trần Thị Thúy Nga:- Phải thẳng thắn thừa nhận, sự ổn định của quỹ cũng phụ thuộc bởi kỹ năng quản lý (vấn đề đầu tư, quản lý quỹ, chi phí quản lý). Vấn đề này vẫn được đánh giá là hiệu quả chưa cao, đội ngũ cán bộ làm công tác đầu tư của BHXH chưa chuyên nghiệp hóa. Hình thức đầu tư vẫn còn bó hẹp. Do đó, dự thảo cũng đưa vào hình thức đầu tư mới như ủy thác đầu tư thông qua các quỹ đầu tư để có lợi nhuận cao hơn.
Để giảm thiểu chi phí quản lý, dự thảo cũng nói rõ lộ trình áp dụng công nghệ thông tin, đưa công nghệ thông tin vào quản lý. Đến năm 2020 phải hoàn thiện lộ trình áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý quỹ.
Đó cũng là giải pháp vừa giúp chi phí quản lý quỹ ở mức thấp nhất vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng BHXH.
PV: Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!
Theo Danviet