Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtTin tứcVai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội nhìn từ trường hợp tỉnh Lâm Đồng

Vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên trong phát triển kinh tế - xã hội nhìn từ trường hợp tỉnh Lâm Đồng

Thứ năm, 27 Tháng 10 2016 02:04

TS. Nguyễn Thị Bích Thu

Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc

1. Tây Nguyên gồm 05 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, với diện tích tự nhiên toàn vùng là 54.474 km2. Tổng dân số khu vực Tây Nguyên là 5.607.900 người, trong đó người Kinh chiếm 63,5% (2015). Hiện nay, Tây Nguyên có 46 dân tộc thiểu số (DTTS) cư trú; Trong đó, DTTS tại chỗ có khoảng hơn 10 dân tộc (Ê đê, Ba Na, M’Nông, Gia Rai, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, K’ho, Chu Ru, Châu Mạ...). Tây Nguyên có nhiều lợi thế về tài nguyên đất, nước, rừng... thuận lợi cho trồng trọt cây công nghiệp, thủy điện, khai khoáng, du lịch ... nhưng hiện nay, đây vẫn đang là một trong những khu vực có tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS cao nhất, với tỷ lệ 21,8%; cận nghèo: 10,6% (cả nước: hộ nghèo là 23,1%; cận nghèo: 13,6%). Các dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo cao là Gia Jai: 36,5%, Ê đê: 26,7%, Ba Na: 49,2%, Cơ Ho: 17,3%, Xơ Đăng: 56%, Hrê: 46,3%, Mnông: 46,9%, Mạ: 22,4%, Giẻ Triêng: 50,6%,...) [ ]. Theo Quyết định 204/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 02 năm 2016 về phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016, Tây Nguyên vẫn còn có đến 244 xã đặc biệt khó khăn/726 xã, phường, thị trấn toàn khu vực; chiếm tỷ lệ 33,6%.

Một trong những đặc điểm dễ nhận thấy của các DTTS tại chỗ ở Tây Nguyên là đa số các dân tộc theo chế độ mẫu hệ (Ê đê, Gia Jai, M’nông, K’ho, Chu Ru, Ba Na...). Trong quan niệm của nhiều người chưa hiểu nhiều về Tây Nguyên, chỉ đọc trong sách vở, người phụ nữ DTTS theo chế độ mẫu hệ có quyền năng rất lớn từ việc chủ động “cưới chồng”, con cái mang họ mẹ, quyền được thừa kế tài sản, quyết định mua sắm những thứ có giá trị lớn trong nhà (đất đai, trâu bò...). Thực tế, không hoàn toàn như vậy, quyền lực của người phụ nữ cũng đi liền với trách nhiệm, nghĩa vụ làm mọi việc trong gia đình từ chăm sóc con cái, nội trợ, nấu nướng đến làm nương, lấy củi, thu hoạch mùa màng... Do đó, người đàn ông trong gia đình mặc nhiên coi việc con cái, nhà cửa, nương rẫy là của người phụ nữ. Hình ảnh những người phụ nữ DTTS tại chỗ Tây Nguyên gùi nặng trên lưng; còn người đàn ông đi sau hoặc chỉ bế đưa con nhỏ là hình ảnh rất quen mắt và dễ gặp trên nhiều nẻo đường ở Tây Nguyên. Gánh nặng con cái, công việc gia đình đã khiến người phụ nữ DTTS không còn thời gian để tham gia các công việc cộng đồng, xã hội, không có thời gian để tham gia hội họp, giao lưu, học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng lao động, sản xuất, chăm sóc con cái, làm kinh tế gia đình... Mặt khác, địa bàn các xã đặc biệt khó khăn của Tây Nguyên hiện nay đều xa trung tâm, giao thông khó khăn, cơ sở hạ tầng còn nhiều yếu kém, điều kiện tiếp cận với thông tin kinh tế, xã hội còn nhiều hạn chế đã dẫn đến một số đặc trưng tâm lý, thói quen, tính cách của phụ nữ DTTS là không thạo tiếng phổ thông, ngại giao tiếp, đi xa ra khỏi cộng đồng; đóng khung không gian sống trong buôn/làng dẫn đến hạn chế trong trình độ học vấn, tiếp cận các dịch vụ xã hội, tiếp cận cái mới. Với những đặc điểm về tâm lý, tính cách như trên, để phát huy vai trò của phụ nữ DTTS vào phát triển kinh tế – xã hội ở cộng đồng, địa phương cần có một phương pháp, nội dung, cách thức khác với phụ nữ DTTS ở những địa bàn không khó khăn; khác với phụ nữ người Kinh. Những điều này sẽ được chúng tôi làm rõ hơn qua khảo sát tại tỉnh Lâm Đồng, đối với các dân tộc/nhóm dân tộc khác nhau.

2. Lâm Đồng là một tỉnh thuộc khu vực nam Tây Nguyên, có tổng diện tích tự nhiên là: 9.773,5 km2; dân số: 1.273.100 người (2015); có 43 dân tộc sinh sống, khoảng 305.544 người, chiếm khoảng 24% dân số toàn tỉnh. Trong đó dân tộc Kinh: 901.316 người, Cơ Ho: 145.665 người, Mạ: 31.869 người, Nùng: 24.526 người, Tày: 20.301 người, Chu Ru: 18.631 người,...[2]. Theo Quyết định số 204/QĐ-TTg ngày 01/02/2016 về phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016, Lâm Đồng có 32 xã đặc biệt khó khăn; tổng số hộ là 28.761 hộ, trong đó số hộ người DTTS là 16.690 hộ (chiếm tỷ lệ 58,0%). Tỷ lệ hộ nghèo là 34,9%; cận nghèo: 17,5%. So với các tỉnh khác trong khu vực, Lâm Đồng chưa phải là tỉnh có tỷ lệ người DTTS đông nhất nhưng thành phần dân tộc tương đối đa dạng, có tính đại diện cao cho các nhóm dân tộc thiểu số cư trú tại khu vực  (nhóm DTTS theo chế độ mẫu hệ, DTTS theo chế độ phụ hệ…), để có thể đối chiếu, so sánh tìm ra sự khác biệt trong cách giải quyết các vấn đề của phụ nữ DTTS ở các dân tộc/nhóm dân tộc khác nhau.

Trong một nghiên cứu về “Nâng cao vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình ở cac xã ĐBKK của tỉnh Lâm Đồng [3], chúng tôi đã tiến hành khảo sát 420 người dân tộc thiểu số (cả nam và nữ), trong độ tuổi từ 15 đến 60, thuộc các dân tộc K’ho, Chu Ru, Mạ, Tày, Nùng đang cư trú tại 06 thôn ĐBKK của tỉnh Lâm Đồng là thôn Ma Bó, xã Đạ Quyn; thôn Tà Sơn, xã Tà Năng (huyện Đức Trọng); thôn 2 và thôn 3, xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm); thôn 1, xã Đưng K’nớh và thôn Păng Tiêng, xã Lát (huyện Lạc Dương). Có đến 263 người được hỏi (chiếm 62%) cho rằng phụ nữ DTTS có vai trò rất quan trọng trong tham gia vào phát triển kinh tế, xã hội ở gia đình và cộng đồng. Biểu hiện ở một số những hoạt động như tham gia lao động sản xuất, nuôi dạy chăm sóc con cái, làm những công việc trong gia đình (xem biểu 1)

phu nu 1

Biểu 1: Công việc phụ nữ DTTS đảm nhận trong gia đình

Kết quả khảo sát cho thấy, phụ nữ DTTS ở các địa bàn khảo sát chịu trách nhiệm chính trong nuôi dạy con cái và làm những công việc trong gia đình không được tính công, trả lương; đồng thời cũng tham gia nhiều vào các hoạt động lao động sản xuất của gia đình. Những hoạt động cộng đồng khác như tham gia hội họp, sinh hoạt cộng đồng, giao tiếp ngoài cộng đồng hầu phụ nữ DTTS rất ít tham gia. Tuy nhiên, vai trò của phụ nữ DTTS trong đảm nhận các công việc trên có sự khác biệt khi khảo sát từng nhóm dân tộc tại các địa bàn khảo sát, mỗi địa bàn điều tra 70 người, gồm 03 dân tộc/nhóm dân tộc, gồm: 1) Dân tộc phía Bắc di cư: Tày, Nùng; 2) Nhóm dân tộc theo chế độ mẫu hệ: K’ho và Chu Ru; 3) Dân tộc theo chế độ phụ hệ: Dân tộc Mạ (Châu Mạ), cho kết quả (xem biểu 2)           

phu nu 2

Biểu 2: Công việc phụ nữ DTTS đảm nhận trong gia đình (theo nhóm dân tộc)

Trên bảng số liệu, phụ nữ DTTS phía Bắc di cư (Tày, Nùng) đến đảm nhận chính công việc nuôi dạy con cái, các công việc khác tham gia ở mức độ dưới trung bình. Dân tộc Mạ, đảm nhận các công việc trong gia đình ở mức độ bình thường. Với nhóm DTTS theo chế độ mẫu hệ (Chu Ru, K’ho), phụ nữ chịu trách nhiệm chính trong chăm sóc con cái, làm nương rẫy và công việc không được trả lương trong gia đình, với 100% số người được hỏi trả lời. Như vậy, có thể nói phụ nữ DTTS K’ho, Chu Ru phải gánh trên vai những công việc nặng nhọc trong gia đình cũng như những việc không được trả lương; hoàn toàn không tham gia vào các mối quan hệ ngoài cộng đồng. Do đó, có thể thấy gánh nặng gia đình, con cái; hạn chế giao lưu, tiếp xúc ngoài cộng đồng đã dẫn đến sự hiểu biết của phụ nữ DTTS K’ho, Chu Ru có nhiều hạn chế.

Để có cơ sở khẳng định thêm về vai trò của phụ nữ DTTS ở các địa bàn ĐBKK của Lâm Đồng, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát với số lượng và đối tượng như trên, về những công việc phụ nữ DTTS có quyền quyết định trong gia đình (xem biểu 3)

phu nu 3

Biểu 3: Công việc phụ nữ có quyền được quyết định trong gia đình

Với 100% ý kiến người được hỏi khẳng định mua sắm tài sản lớn người phụ nữ K’ho, Chu Ru có quyền quyết định đã khẳng tính uy quyền của phụ nữ trong gia đình theo chế độ mẫu hệ. Trong khi, tỷ lệ tương ứng ở hai nhóm dân tộc Tày, Nùng và dân tộc Mạ lần lượt chỉ là 78,6% và 71,0%. Với quyền quyết định hôn nhân cho con cái, nhóm dân tộc K’ho, Chu Ru có quyền quyết định ở mức trên 57,1%; tỷ lệ tương ứng ở nhóm dân tộc Tày, Nùng là 32,9% và 47,0% ở dân tộc Mạ. Tuy nhiên, bất bình đẳng giới được thể hiện rất rõ ở các dân tộc Mạ đối với tham gia các hoạt động cộng đồng  (3,0%) và phân chia tài sản (1,0%), khi họ hầu như không có tiếng nói, vai trò quan trọng nào. Dân tộc Tày, Nùng cũng chỉ chênh hơn chút trong tham gia sinh hoạt cộng đồng (15,7%) và phân chia tài sản  (11,4%). Như vậy, có sự khác biệt giữa nhóm dân tộc theo chế độ mẫu hệ, phụ hệ và các DTTS phía Bắc di cư về vai trò của người phụ nữ DTTS đối với các vấn đề quan trọng của gia đình.

Vậy cần làm gì đề phụ nữ DTTS dù là mẫu hệ hay phụ hệ hay DTTS phía Bắc di cư có thể nâng cao vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội? Những yếu tố quan trọng được thể hiện sau đây (xem biểu 4).

phu nu 4

Biểu 4: Những yếu tố hỗ trợ phụ nữ DTTS khi tham gia tích cực hơn vào phát triển kinh tế, xã hội

Bảng trên đã phản ánh một thực tế về nhận thức của cộng đồng đối với vai trò của phụ nữ trong gia đình. Với nhóm dân tộc K’ho, Chu Ru, ý kiến được hỏi cho rằng phụ nữ để có thể đóng góp tích cực hơn cần có gia đình ủng hộ (100%), Học tập nâng cao nhận thức (97,1%), tham gia sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn (97,1%) và sự quan tâm của các cấp chính quyền (95,7%). Có nghĩa là họ không có nhu cầu phải giữ lại tuyệt đối các quyền năng được bảo hộ bởi chế độ mẫu hệ mang lại. Nhóm dân tộc Tày, Nùng và dân tộc Mạ đều có tỷ lệ rất thấp khi đi cập đến các yếu tố hỗ trợ phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế – xã hội. Điều đó có nghĩa, phụ nữ DTTS thuộc hai nhóm này, hầu như không gặp nhiều sự cản trở từ phía các yếu tố khách quan mà nằm ở chính bản thân họ như trình độ học vấn thấp, nhận thức xã hội hạn chế...

Từ những số liệu nêu trên về vai trò của phụ nữ DTTS ở các nhóm dân tộc khác nhau (mẫu hệ, phụ hệ, các dân tộc phía Bắc di cư đến) chúng tôi nhận thấy một số vấn đề nổi lên:

Thứ nhất, Vai trò quan trọng của phụ nữ DTTS ở các dân tộc/nhóm dân tộc là khác nhau. Bất  bình đẳng giới vẫn còn tồn tại khá nặng nề trong cộng đồng các DTTS ở địa bàn khó khăn của tỉnh Lâm Đồng.

Thứ hai, mỗi nhóm DTTS có một trình độ nhận thức khác nhau, địa bàn cư trú đa dạng, phong tục tập quán khác nhau; do đó khi triển khai bất cứ hoạt động nào cho phụ nữ DTTS cũng cần tính đến yếu tố văn hóa của mỗi dân tộc để có cách tiếp cận phù hợp trong phát huy vai trò của phụ nữ ở mỗi dân tộc, khu vực khác nhau; với phương châm “thận trọng, kiên trì, chắc chắn”.

Thứ ba, phụ nữ DTTS còn chịu nhiều rào cản của phong tục tập quán lạc hậu; tuy nhiên, cũng có cả những lý do thuộc về chính chủ quan người phụ nữ DTTS (tự ty, ngại đi xa khỏi cộng đồng, chưa có ý thức phấn đấu vươn lên…).

3. Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách cho phụ nữ nói chung như: Luật Bình đẳng giới; Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ Quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước; Nghị quyết số 06/NQ-BCH, ngày 19/2/2014 của Ban Chấp hành Hội LHPN Việt Nam về tăng cường công tác vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong tình hình hiện nay... Tuy nhiên, các chủ trương, chính sách này dường như chưa phát huy được hiệu quả ở vùng ĐBKK của Lâm Đồng nói riêng, Tây Nguyên nói chung do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mang tính đặc thù của các DTTS cư trú ở địa bàn ĐBKK. Do đó, đề chị em phụ nữ DTTS có thể tham gia đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; mọi giải pháp được triển khai, thực hiện nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ DTTS vào phát triển kinh tế – xã hội địa phương cần được thực hiện trên nguyên tắc “kiên trì, thận trọng và chắc chắn”; không áp dụng cào bằng ở mọi nơi, mọi dân tộc một chủ trương, chính sách như nhau. Đó là cách thức giúp chị em phụ nữ DTTS có đóng góp tích cực vào xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan, phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.

 

Tài liệu tham khảo

1.Tổng cục Thống kê (2015), Điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội của 53 DTTS.

2. Ban Dân tộc Lâm Đồng, Báo cáo tình hình nguồn nhân lực DTTS trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2014.

3. TS. Nguyễn Thị Bích Thu và các cộng sự thực hiện năm 2015, 2016.

 

 

Sửa lần cuối vào

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516