Thực tế đã thấy, các dự án nhiệt điện do nhà thầu Trung Quốc triển khai đang vấp phải nhiều vấn đề bất cập. Liệu cơ quan đang nắm trong tay chiến lược của ngành điện - EVN, đã lường trước sự cố hay còn chờ... nước đến chân mới nhảy?
Ưu ái cho nhiệt điện
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Trung Quốc đã viện trợ hầu khắp các ngành công nghiệp, năng lượng của Việt Nam. Vốn vay ưu đãi lãi suất thấp từ Trung Quốc chủ yếu là từ đầu mối Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank). Chẳng hạn, ở ngành điện, đa số các dự án nhiệt điện đều vay vốn tín dụng xuất khẩu hoặc ODA của Trung Quốc, mỗi dự án có tổng vốn đầu tư ít nhất cũng hơn 3.500 tỉ đồng...
Con số trên đưa ra không khỏi giật mình khi thực tế tính đến năm 2014, chính sách ưu ái của Trung Quốc cho lĩnh vực nhiệt điện ở Việt Nam còn tăng gấp đôi cả về quy mô và số lượng. Chỉ tính riêng EVN hiện tại cũng có tới 10 dự án do Trung Quốc làm chủ thầu bằng chính nguồn vốn vay từ Trung Quốc có tổng giá trị hơn 5 tỉ USD (trong đó đã giải ngân được 50%).
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc hợp tác đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là chủ trương được chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương và chủ thể đầu tư. Các nhà đầu tư của Trung Quốc luôn nhận được những hỗ trợ điều kiện cần thiết từ các cấp và các cơ quan chức năng của mình để đạt được mục tiêu đầu tư vào Việt Nam nhằm giải quyết việc làm cho lao động, tăng thu nhập cho người dân và đóng góp cho nền kinh tế của đất nước Trung Quốc.
Cũng theo Bộ KH&ĐT, việc các nhà đầu tư, nhà thầu Trung Quốc trúng thầu gần như toàn bộ các dự án xây dựng, cung cấp trang thiết bị của các nhà máy nhiệt điện của EVN đã thể hiện sự quan tâm lớn của Trung Quốc về chiến lược năng lượng trong hiện tại và tương lai. Sau này toàn bộ các nhà máy điện được đưa vào vận hành khai thác sử dụng thì sự chi phối về cung cấp bảo trì, tu bổ, sửa chữa trang thiết bị là tất yếu (bởi độ tin cậy của thiết bị, công nghệ của Trung Quốc so với các nước thuộc khối châu âu, G7 thường thấp hơn - PV).
Một chuyên gia trong lĩnh vực nhiệt điện (đề nghị giấu danh tính) cho PV báo Đời sống và Pháp luật thông tin: Bằng nhiều giải pháp để thực hiện việc hầu hết trang thiết bị, máy móc và trình độ công nghệ đầu tư sang Việt Nam và các dự án do nhà thầu Trung Quốc trúng thầu EPC đều có xuất xứ từ Trung Quốc, có trình độ trung bình và thấp so với các nước tiên tiến trong khu vực châu á, châu âu và thế giới,... đã thể hiện Trung Quốc đang tích cực triển khai chính sách bán máy móc thiết bị rẻ, bán phụ tùng thay thế đắt và từng bước chuyển giao công nghệ lạc hậu, ô nhiễm ra khỏi nội địa và đang thực hiện tại Việt Nam. "Trong thời gian tương lai không xa Việt Nam còn phụ thuộc vào phía Trung Quốc để duy trì hoạt động các nhà máy nhiệt điện... đó là dã tâm đã hiện rõ của Trung Quốc khi quá quan tâm và ưu ái tới ngành điện Việt Nam", vị này nhấn mạnh.
Trung Quốc đang thực hiện chiến lược thâu tóm ngành nhiệt điện Việt Nam.
"Sân tập" hay... "chuột bạch"?
Thông tin được phát đi từ EVN cho thấy, nếu Trung Quốc rút nhà thầu và ngừng cung cấp tín dụng thì sẽ phải đặt ra bài toán tìm nguồn vốn hơn hai 24 tỉ USD để tiếp tục thực hiện các gói thầu EPC của đơn vị này. Việc ngừng hoặc có những trục trặc ngoài mong muốn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ phát điện chung cả nước trong các tháng tiếp theo của năm 2014 và mùa khô 2015.
Theo các chuyên gia về năng lượng, nước ta có nhiều than, nếu kể cả trữ lượng ở vùng châu thổ sông Hồng thì rất lớn (hàng trăm tỉ tấn), sản lượng khai thác than hiện nay và trong tương lai gần còn nhỏ bé so với trữ lượng. Trong khi đó trữ năng kinh tế của thuỷ điện Việt Nam chỉ có giới hạn, các nguồn thuỷ năng kinh tế ngày càng ít nhưng nhu cầu sử dụng lại ngày càng tăng nên trong tương lai ngành nhiệt điện, nhất là nhiệt điện đốt than đang ngày chiếm ưu thế. Nắm bắt được vấn đề này, Trung Quốc đã ưu tiên cho các doanh nghiệp của mình nhảy vào Việt Nam thâu tóm thị trường, công nghệ và quan trọng hơn là làm cho ngành nhiệt điện phải phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, PGS.TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam cho rằng: "Có lẽ ai cũng biết, các nhà thầu Trung Quốc chưa hề làm tổng thầu EPC ở bất cứ dự án nhiệt điện nào. Họ chỉ có duy nhất một nhà máy điện ở Pakistan (nhưng đây là thỏa ước mang tính chính trị giữa hai nước này)". Vì thế, theo ông Nghĩa, vô hình trung chúng ta đang trở thành một "sân tập" hay cũng có thể hiểu là "chuột bạch" cho các nhà thầu Trung Quốc hoàn thiện tay nghề trong lĩnh vực nhiệt điện.
"Khi tay nghề đã có, các nhà thầu Trung Quốc sẽ đủ lớn để vươn ra các thị trường khác. Nhưng sự thật là để có tay nghề vững đương nhiên những sản phẩm đi đầu luôn mắc lỗi. Mắc lỗi có thể khắc phục, xong ai dám chắc họ sẽ khắc phục miễn phí khi thời gian bảo hành đã hết. Lúc đó, chúng ta chỉ có khóc dở, mếu dở bởi nếu sửa chữa thay thế thiết bị sẽ rất đắt, còn nếu không ắt nó chỉ còn là một đống sắt vô giá trị", ông Nghĩa nói.
Điều này hoàn toàn trùng hợp với nhận định được phát đi từ Bộ KH&ĐT khi cho rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc ít có khả năng nghiên cứu và phát triển hoặc chuyển giao công nghệ, ít có tác động trong nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ. Trang thiết bị máy móc của các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư tại Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc, trình độ công nghệ đạt mức trung bình, thậm chí có trường hợp đưa máy móc đã qua sử dụng sang Việt Nam, hoặc một số dây chuyền thiết bị từ nhiều nguồn, lai ghép nhiều thế hệ, các nước khác nhau nên không đồng bộ. Công nghệ sử dụng trong các dự án nhiệt điện đều thuộc loại trung bình, có thiết bị đã qua sử dụng được cải tạo, nâng cấp về kỹ thuật với mức giá rẻ không ngờ.
Những rủi ro được báo trước
Việc sử dụng ODA của Trung Quốc có nhiều rủi ro vì chủ đầu tư không kiểm soát được tỷ giá của đồng nhân dân tệ so với USD, không kiểm soát được việc thanh toán theo tiến độ (thường phía Trung Quốc yêu cầu ngân hàng Trung Quốc thanh toán ngay khi đưa thiết bị sang, bất chấp thiết bị đó có được chủ đầu tư chấp nhận hay không), không phạt được nhà thầu nếu nhà thầu vi phạm (về chất lượng và về tiến độ), và cuối cùng, do sử dụng ODA của Trung Quốc nên nhà thầu thường đưa ra yêu sách là phải làm theo cách của Trung Quốc (bất chấp hồ sơ mời thầu và thiết kế của chủ đầu tư). Điều này khiến Việt Nam đang lệ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc cả về kỹ thuật và tài chính trong các dự án nhiệt điện.
(Ông Chương Duy Nghĩa, Chủ tịch hội Khoa học Kỹ thuật Nhiệt Việt Nam)
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII về những tiềm ẩn khó lường của các nhà thầu Trung Quốc trong việc thực hiện các dự án nhiệt điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: "Không đấu thầu nữa thì thôi, người khác làm. Điều này không ảnh hưởng gì cả. Về nguyên tắc, hợp đồng mới phía Trung Quốc nói là không tham gia nữa thì không sao, chúng ta lại đi tìm đối tác khác, nguồn tín dụng khác. Còn các hợp đồng người ta đang thực hiện với mình thì về nguyên tắc hợp đồng người ta phải thực hiện theo đúng Luật. Nếu không thực hiện đúng thì đã vi phạm hợp đồng. Vi phạm thì xử lý theo Luật Thương mại Quốc tế Incoterm người ta quy định hết rồi. Chúng ta cứ theo đúng quy định để xử lý. Cho đến nay, chưa có dấu hiệu gì cho thấy người ta không thực hiện các hợp đồng ấy. Một số dự án lao động Trung Quốc bỏ về thì bây giờ họ đã quay lại, việc đó mình phải xử lý bình tĩnh trên cơ sở lợi ích hai bên và luật pháp. Luật pháp quốc tế là Incoterm, hai nước đều là thành viên WTO nên mình cứ theo Luật mà xử, không có gì phải lo lắng cả".