Ông Nguyễn Ngọc Tuấn Anh, Cán bộ trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, trao thẻ và logo hiến tạng đến thầy thích Phước Ngọc
Vừa qua, trong một hạnh duyên chúng tôi được trao đổi ông Phạm Văn Cung tức Đại đức Phước Ngọc, tại Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia ở Thủ đô Hà Nội. Khi chia sẻ về quyết định vô cùng quan trọng này, ông Phạm Văn Cung tâm sự: “Theo quan niệm của Phật giáo, đời là vô thường, tấm thân tứ đại của con người phù du hợp tan vô dịnh. Vì thế, với tôi: Khi còn sống nếu có thể làm được điều tốt đẹp cho người khác thì đó là điều nên làm. Và đến khi cơ thể đã chết hay là chết não mà các bộ phận với những tạng/mô của mình vẫn có thể giúp được những người khác đang lâm nguy vì bạo bệnh thì càng nên tiếp tục cho tặng cho người. Sống là cho và chết cũng là cho tất cả những gì ta có hữu ích cho cuộc đời và người khác”.
Ông Phạm Văn Cung chia sẻ thêm: "Khoa học ngày càng tiến bộ, chúng ta không nên nặng nề với suy nghĩ; chết phải toàn thây như nhiều người quan niệm. Chắc hẳn đối với người Việt Nam, câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc năm 2018 đã lan tỏa khiến mọi người hiểu hơn về ý nghĩa của việc hiến tạng. Sau sự việc này, số người đăng ký hiến mô tạng ở Việt Nam tăng mạnh. Do vậy, tôi nghĩ rằng việc hiến mô, tạng của mình có thể đem lại niềm vui, hạnh phúc của nhiều tha nhân. Nếu làm được điều đó thì sự ra đi của mình không phải là trở về với cát bụi, hư vô mà là hành trình hồi sinh sự sống".
Thẻ đăng ký hiến tặng mô, tạng và logo của Đại đức Thích Phước Ngọc
Nhắc tới hành trình “Hồi sinh sự sống”, chúng ta lại nhớ thuở trước, nơi Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương Vĩnh Long do Ông Phạm sáng lập và làm giám đốc. Mỗi trẻ ở đây, là mỗi hoàn cảnh, mỗi thể trạng sức khỏe và mỗi ký ức bất hạnh khác nhau... Chính vì vậy, với nỗi lo đau đáu trong lòng, trên tinh thần dấn thân Cứu Khổ Ban Vui, bên cạnh việc lo lắng về điều kiện vật chất Đại đức Thích Phước Ngọc luôn trăn trở, tìm kiếm, học tập những phương pháp để nuôi dưỡng các em làm sao không chỉ hình thành một đời sống tâm linh, nhân cách tốt đẹp theo tinh thần của Phật giáo mà còn phải phát triển tốt về thể chất, trí tuệ. Đặc biệt, không chỉ là nơi nuôi dạy các trẻ, Cô nhi viện “Suối nguồn tình thương” có thể là nơi hy vọng để các em có thể chờ ngày những bậc sinh thành nhận lại “núm ruột” của mình, mong các em có thể hồi sinh cuộc sống từ tình yêu thương của gia đình và cộng đồng.
Theo đó, với tấm lòng của Thầy Thích Phước Ngọc luôn hướng về nẻo thiện đường lành, luôn thấm nhuần giáo lý từ bi Phật, vị Đại đức bày tỏ; "Sống trên đời không ai biết trước được điều gì, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ tính trong tích tắc. Cho nên khi còn cơ hội, chúng ta hãy đăng ký hiến mô, tạng của mình để sau khi mất đi, cơ thể ta tiếp tục có thể giúp ích cho những người bệnh và cho khoa học”
Nhìn nụ cười rạng rỡ trên gương mặt ông và suy ngẫm về những điều Thầy Phước Ngọc chia sẻ, tôi thực sự thấm thía những triết lý sâu sắc về cuộc sống của con người. Cuộc sống của con người là hữu hạn nhưng trí huệ và tình yêu thương của con người là vô hạn nếu chúng ta biết cho đi những điều tốt đẹp ngay khi còn sống và cả khi đã về cõi vĩnh hằng.
Đình Bích