Mấy ngày gần đây, tôi theo dõi rất kỹ diễn biến vụ xử 5 công an dùng nhục hình ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Phải nói là chưa có vụ án nào mà đem lại nhiều cung bậc cảm xúc đến như vậy. Từ xót xa, phẫn nộ trước cái chết đau đớn, oan ức của bị hại; tức giận điên người trước bản án của TAND TP Tuy Hòa đến ngỡ ngàng “không hiểu gì hết” trước kiểu trả lời phỏng vấn có một không hai của ông Lương Quang, Chánh án TAND TP Tuy Hòa.
Với những vết thương khủng khiếp trên người nạn nhân Ngô Thanh Kiều, ông Lương Quang, Chánh án TAND TP Tuy Hòa chỉ có thể nói "thấy mà kinh".
Ai cũng thấy vụ án này được các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa dàn ra như một vở hài kịch. Nó phi lý, nực cười tới mức sau khi tòa tuyên án, từ gia đình bị hại đến bị cáo; từ luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bên đến người dự khán đều cật lực phản đối, chỉ trích tòa nặng lời vì đã đạp lên dư luận, xét xử thiếu công bằng; bỏ lọt người, lọt tội.
Và vở hài kịch ấy chỉ thật sự phô bày khi ông Quang nói rằng đây là một vụ án phức tạp, tòa phải “chọn giải pháp nào để giải quyết cho an toàn” và “làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt”.
Biết nói gì hơn là hoan hô ông chánh án! Sự thật thà của ông đã giúp dư luận nhận ra bộ mặt thật của cán cân công lý ở Tuy Hòa. Bộ mặt đó làm chúng tôi, những người dân thường cảm thấy chua xót đến cùng cực. Bộ mặt đó như một gáo nước lạnh tạt vào xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành hớn hở tại phiên sơ thẩm ngày 10-3
Không biết những người làm trong ngành tư pháp Việt Nam có xấu hổ không khi có đồng nghiệp như ông Quang nói riêng và các cơ quan tố tụng ở TP Tuy Hòa nói chung. Chứ riêng bản thân tôi, với tư cách một công dân, tôi thấy xấu hổ không biết chui vào đâu khi mình làm chủ đất nước này mà lại thiếu sáng suốt đến mức trả lương cho một người đầy tớ đang làm việc không vì công lý mà vì cái ghế của mình.
Trong bài trả lời phỏng vấn trên Báo Người Lao Động số ra ngày 5-4, ông Quang 2 lần nhắc đến từ “đau”. Trước là đau cho ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa (người đã cho bắt bị can Ngô Thanh Kiều và để cấp dưới của mình đánh nạn nhân đến chết) vì ông Hoàn bị xử lý hành chính (trong khi luật sư yêu cầu xử lý hình sự). Sau là đau cho ngành công an khi mất 5 cán bộ. Trong khi những người này đã lợi dụng quyền được nhân dân giao phó để đánh dập dân đến chết lại còn được ông Quang gọi việc đó là một “tai nạn nghề nghiệp”.
Ông Quang cho rằng mất 5 cán bộ đã đánh dân đến chết là một cái đau cho ngành công an
Những cái đau mà ông Quang nói tới liệu có bằng nạn nhân Kiều khi bị đánh bầm dập cả người cho đến chết; có bằng gia đình nạn nhân khi mất một người con, một người chồng, người cha; có bằng cả xã hội này khi căng mắt theo dõi vụ án với mong muốn tòa xét xử công bằng để loại khỏi bộ máy công quyền những kẻ độc ác, sâu mọt để rồi đổi lại là sự hụt hẫng, tức giận?
Chắc không thể nào bằng bởi câu chia sẻ duy nhất của ông Quang với bị hại chỉ là “70 vết thương trên người nạn nhân, thấy mà kinh”. Ông Quang kinh 1 thì xã hội kinh 10. Không chỉ kinh vì những cú đánh tàn nhẫn mà còn vì bộ mặt tươi cười hớn hở của bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành tại phiên tòa sơ thẩm mở ngày 10-3 (sau đó bị hoãn) vì lời đề nghị cho 4 bị cáo được hưởng án treo của Viện KSND TP Tuy Hòa và cái quan điểm “ôm rơm nặng bụng” của ông Quang.
Theo luật sư bào chữa cho bị hại Ngô Thanh Kiều, bản án quá nhẹ của TAND TP Tuy Hòa tuyên đối với 5 bị cáo (2 án treo và mức nặng nhất là 5 năm tù giam) đã đạp lên dư luận.
Tòa sơ thẩm kết thúc, các bên đều kháng án và mong chờ một sự công bằng hơn ở phiên phúc thẩm. Nhưng không phải vì thế mà bỏ qua cho những cú đạp lạnh lùng như vậy. Bởi nó không chỉ đạp vào dư luận mà còn đạp vào nền tư pháp nước nhà.
Tôi không tán thành việc cứ chuyện gì lình xình ở địa phương là đề nghị trung ương giải quyết nhưng quả thật với những biểu hiện coi thường dư luận, coi thường pháp luật như vụ án này thì có lẽ các cơ quan trung ương phải vào cuộc điều tra và xử lý tới nơi tới chốn. Trước là lấy lại công bằng cho bị hại, sau là chấn chỉnh lại hoạt động của các cơ quan công quyền ở Tuy Hòa. Bởi với kiểu làm việc không đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết như trong vụ án này thì thật nguy hại cho một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo NLD