Trao đổi với báo Giáo dục và Thời đại, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, thành phố vẫn tiến hành công tác thanh tra cố định, thanh tra lưu động, tiến hành các phương tiện, lực lượng thanh tra như moi năm, đảm bảo thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Đặc biệt, vấn đề các thiết bị ghi âm, ghi hình, Sở đã tập huấn rất kỹ lưỡng cho lãnh đạo và các giám thị, thực hiện đúng theo quy chế của Bộ GD&ĐT, không yêu cầu thí sinh phải đăng ký thiết bị. Bên cạnh đó, trong sinh hoạt ở trường, các hiệu trưởng cũng tập huấn kỹ cho học sinh, quy định này tiếp tục sẽ được lưu ý phổ biến trong ngày khai mạc kỳ thi.
“Chúng tôi sẽ làm việc này một cách nghiêm túc, kiên quyết không để thí sinh vì không hiểu quy định của Bộ GD&ĐT, mang thiết bị không được mang vào theo quy định dẫn đến bị đình chỉ thi một cách đáng tiếc” – Ông Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh.
Ông Đạt cho biết thêm, an ninh trong phòng thi và các hội đồng sao in tại TPHCM rất nghiêm túc, chỉ có vấn đề cần đặc biệt quan tâm là ùn tắc giao thông. Ở TPHCM, giải tỏa ùn tắc giao thông có lực lượng công an, thanh niên xung phong và chính quyền địa phương, quyết tâm không để bất cứ tình huống ùn tắc giao thông nào làm ảnh hưởng đến giờ thi của thí sinh.
Tại Hà Nội, công tác chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT cũng đã sẵn sàng. Theo ông Nguyễn Hiệp Thống - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, vấn đề phối hợp với an ninh vòng ngoài để đảm bảo không có bài đưa từ trong ra ngoài hoặc ngược lại trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ đặc biệt được đẩy mạnh, theo đó, lực lượng an ninh bên ngoài không được phép tiếp cận vào khu vực thi.
Khẳng định quy định cho phép thí sinh được mang các loại máy ghi âm, ghi hình chỉ có chức năng thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác vào phòng thi là nhằm tăng sự giám sát của xã hội đối với kì thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Hiệp Thống cho rằng đây là một chủ trương đúng và đáng hoan nghênh.
Riêng với việc này, Hà Nội yêu cầu các thí sinh ra sớm, nếu có sử dụng các thiết bị ghi âm, thu hình phải nộp lại để niêm phong, trả lại sau khi kết thúc môn thi, tránh đề thi lọt ra ngoài khi chưa hết giờ làm bài.
“Nếu chúng ta tổ chức thi nghiêm túc thì không cần phải quan tâm đến việc học sinh mang những thiết bị gì vào phòng thi. Chỉ cần cán bộ coi thi tập trung và làm hết trách nhiệm thì tất cả những hành vi gian lận trong phòng thi đều có thể ngăn chặn được” - Ông Thống khẳng định.
Tại Bến Tre, những quy định mới của Bộ GD&ĐT cũng được hết sức lưu ý. Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre Nguyễn Văn Huấn cho biết: Hội nghị triển khai nhiệm vụ thi của tỉnh đã nhấn mạnh việc các hiệu trưởng phải về thông tin đầy đủ quy chế có quy định mới cho giáo viên cũng như học sinh.
Ngày 1/6, khi lãnh đạo hội đồng coi thi về họp, vấn đề này sẽ tiếp tục được lưu ý. Sở GD&ĐT Bến Tre cũng đã đăng tải công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về các phương tiện ghi âm, ghi hình được phép mang vào phòng thi trên website của Sở để các trường tải về, phổ biến chi tiết cho các giám thị, trong đó có việc không yêu cầu thí sinh phải đăng ký, cam kết khi mang các thiết bị ghi âm, ghi hình được phép mang vào phòng thi.
“Chủ trương này của Bộ giúp giám sát cán bộ coi thi, đảm bảo họ thực hiện nghiêm túc các quy định, hạn chế tiêu cực xảy ra. Bến Tre thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, không gặp khó khăn gì. Có thể trong năm đầu tiên thực hiện, một số khi triển khai còn lúng túng, nhưng vừa rồi Bộ đã có công văn hướng dẫn cụ thể, chi tiết, các địa phương sẽ thực hiện thuận lợi, dễ dàng hơn” - Ông Huấn cho hay.
Ông Huấn cho biết thêm, năm nay toàn tỉnh Bến Tre có 33 hội đồng coi thi. Mội hội đồng coi thi đều có thanh tra của sở GD&ĐT cắm chốt với số lượng từ 1 đến 3 người. Sở GD&ĐT Bến Tre cũng đã có quyết định thành lập đoàn thanh tra lưu động, đến thanh tra bất cứ hội đồng nào, không báo trước, đảm bảo kỳ thi sẽ diễn ra trong trật tự, an toàn, nghiêm túc.
Theo: GD&TĐ