Bất thường trong tuyển dụng nhân sự?
Bảng tổng hợp giờ giảng giáo viên năm học 2012-2013 không có tên ông hiệu trưởng.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tổng số công chức, viên chức và người lao động đến thời điểm 31/12/2013 của Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ có 146 người, riêng người nhà của vị Hiệu trưởng đã chiếm gần 1/10 tổng số cán bộ trong trường.
Theo kết luận số 567/ KL – LĐTBXH ngày 5/3/2014 của Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH vừa được công bố thì Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ (tổ 59, thị trấn Đông Anh, Hà Nội) trực thuộc Bộ LĐTBXH thì có đến 13 cán bộ trong Trường đều có quan hệ ruột thịt, họ hàng với vị Hiệu trưởng đương nhiệm. Theo đó, trong số 13 cán bộ được tuyển vào trường này có 4 người cháu ruột, 7 người cháu họ, 1 người em vợ và 1 người cháu rể của hiệu trưởng.
Cụ thể là, ông Trần Văn Quyến (Trưởng phòng đảm bảo), là cháu ruột gọi Hiệu trưởng bằng bác; bà Trần Thị Luyến (văn thư) là cháu ruột gọi Hiệu trưởng bằng bác; ông Lê Văn Thủy (Phó Trưởng phòng Tổ chức – hành chính, quản trị, phụ trách mạng quản trị toàn trường) là chồng bà Luyến. Còn nữa, ông Trần Ngọc Long (Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Kinh tế và công tác xã hội), bà Trần Thị Hải Yến (Phó Trưởng phòng phụ trách phòng công tác sinh viên), bà Trần Thị Vinh (Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản) đều là cháu họ, gọi Hiệu trưởng bằng chú và nhiều cán bộ chủ chốt khác…
Mặc dù Thanh tra Bộ LĐ-TBXH kết luận, những cán bộ này được bố trí công việc phù hợp với năng lực, bằng cấp được đào tạo; được đánh giá, phân loại viên chức từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm 2011, 2012, tuy nhiên, việc một cơ sở có quá nhiều người thân thích, ruột thịt với Hiệu trưởng như thế cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi lớn trong việc này. Có hay không tính chất gia đình trong việc tuyển dụng?
Ngoài ra, trong kết luận của thanh tra Bộ LĐTBXH cũng chỉ rõ một số điều bất thường ở ngôi trường này khi tuyển dụng hàng loạt cán bộ không đủ tiêu chuẩn về bằng cấp, quá tuổi, không căn cứ về nhu cầu thực tế, sai quy trình…
Kết luật của Thanh tra Bộ LĐ-TBXH chỉ rõ những thiếu sót và hạn chế trong hoạt động của trường. Cụ thể, việc xây dựng kế hoạch tuyển dụng chưa căn cứ vào biên chế Bộ LĐ-TBXH giao mà do trường tự xây dựng là chưa đúng tại Điều 8 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính Phủ. Việc tuyển dụng viên chức của trường trong năm 2011 có nhiều trường hợp không đúng quy định. Bên cạnh đó, việc phân công bố trí công việc chưa đảm bảo phù hợp giữ nhiệm vụ được giao với ngạch viên chức. Cùng với đó là việc đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng năm của Trường chưa đúng quy định…
Hiệu trưởng vẫn được hưởng tiền đứng lớp dù không có tiết dạy?
Dù chưa có kết luận Thanh tra nhưng một trong những vấn đề tố cáo liên quan đến sai phạm của ông Hiệu trưởng Trần Văn Xuyên là gian lận chế độ chính sách để nhận tiền ưu đãi giáo viên 30% và tiền thâm niên giáo viên 21% cũng khiến dư luận bức xúc. Cụ thể là trong thời gian lãnh đạo trường, ông Xuyên chưa một giờ lên lớp, nhưng hàng năm ông Trần Văn Xuyên vẫn nhận hàng chục triệu đồng tiền ưu đãi giáo viên đứng lớp.
Trả lời phóng viên về vấn đề này, ông Trần Văn Xuyên cho biết, tuy ông “không trực tiếp giảng dạy nhưng việc chủ trì các cuộc họp, hội thảo đều có thể… chuyển thành giờ giảng”(?!). Ông Xuyên cho rằng, việc ông nhận tiền giờ giảng là căn cứ vào Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/6/2008 của Bộ LĐ,TB&XH. “Thông tư đã nói rõ, lãnh đạo trường không phải trực tiếp giảng dạy, nhưng các công việc khác đều có thể xem là giờ lên lớp nếu nhà trường có quy chế riêng”, ông Xuyên nói.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/6/2008, quy định về chế độ làm việc của giáo viên dạy nghề (trung cấp nghề, cao đẳng nghề) của Bộ LĐ,TB&XH thì tiêu chuẩn giờ giảng tối thiểu bắt buộc đối với Hiệu trưởng là 30 giờ/năm. Thông tư này nói rõ, việc giảng dạy 30 giờ/năm phải là bắt buộc, sau đó, ngoài giờ giảng tối thiếu bắt buộc này, các công việc khác mới được quy đổi thành giờ giảng. Vậy thì việc ông Xuyên chưa một ngày lên lớp nhưng.. vẫn được hưởng hàng chục triệu đồng/năm có thực sự công bằng với những giáo viên khác và đúng pháp luật?
Chưa hết, còn nhiều điều bất thường của Trường CĐ nghề kỹ thuật công nghệ với nghi án thông thầu, làm thất thoát nhiều tỷ đồng trong việc mua sắm trang thiết bị… chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc trong thời gian tới.
Thông tư 09/2008/TT-BLĐTBXH ngày 27/6/2008 của Bộ LĐ,TB&XH Quy định:
Tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên:
a) Tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên trong một năm học: từ 380 đến 450 giờ chuẩn đối với giáo viên dạy cao đẳng nghề; 430 đến 510 giờ chuẩn đối với giáo viên dạy trung cấp nghề .
Hiệu trưởng căn cứ vào tình hình thực tế của nhà trường, đặc điểm của từng mô-đun, môn học, trình độ của giáo viên để quyết định tiêu chuẩn giờ giảng của mỗi giáo viên trong một năm học cho phù hợp.
Tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên dạy các môn học chung (Giáo dục quốc phòng- an ninh, Giáo dục thể chất, Chính trị, Pháp luật, Ngoại ngữ, Tin học) trong một năm học là 450 giờ chuẩn đối với giáo viên dạy cao đẳng nghề; 510 giờ chuẩn đối với giáo viên dạy trung cấp nghề.
Tiêu chuẩn giờ giảng của giáo viên dạy các môn văn hoá phổ thông trong trường trung cấp nghề thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 23/8/2006 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
b) Tiêu chuẩn giờ giảng tối thiểu cho cán bộ quản lý tham gia giảng dạy trong năm học được quy định như sau:
- Hiệu trưởng: 30 giờ/năm;
- Phó Hiệu trưởng: 40 giờ/năm;
- Trưởng phòng và tương đương: 60 giờ/năm;
- Phó trưởng phòng và tương đương: 70 giờ/năm;
- Cán bộ phòng Đào tạo: 80 giờ/năm.
Theo Phaply.net.vn