Dù không phải là phiên thảo luận sửa đổi Nghị quyết 35 về quy định lấy phiếu, tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm nhưng những vấn đề liên quan đến nội dung này lại nhận được nhiều sự quan tâm của các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức QH sửa đổi, ngày 22-10. Theo đó, một số ĐB cho rằng quy định phải có quá nửa hoặc 2/3 tổng số ĐB đánh giá tín nhiệm thấp thì mới bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm là mang nặng tính hình thức, cần phải sửa đổi lại cho phù hợp.
Cho từ chức để khỏi bị bỏ phiếu
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay dự luật quy định người được lấy phiếu tín nhiệm mà có quá nửa hoặc 2/3 tổng số ĐBQH đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể từ chức. Trường hợp không từ chức thì Ủy ban Thường vụ QH báo cáo để QH tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.
Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Tuyết Liên (Sóc Trăng) cho rằng quy định như trên là không phù hợp, mang nặng tính hình thức. Bà Liên đề nghị chỉ cần 1/2 số ĐB đánh giá tín nhiệm thấp trở lên là có thể từ chức hoặc bị đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm để thay thế. Như thế mới đáp ứng yêu cầu trong xem xét, đánh giá bổ nhiệm cán bộ.
ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) lại bày tỏ sự không đồng tình với quy định người bị tín nhiệm thấp có thể từ chức. “Cần quy định ngay trong luật là “bị tín nhiệm thấp là phải từ chức” để thể hiện tính khẳng định” - ông Lâm đề nghị. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng quy định cho phép từ chức khi bị tín nhiệm thấp là phù hợp.
“Về mặt tâm lý khi có kết quả tín nhiệm thấp, có thể họ sẽ muốn từ chức để tránh cuộc bỏ phiếu tín nhiệm mà kết quả sẽ không thay đổi số phận. Quy định sẽ tránh được tâm lý nặng nề cho họ” - ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nói.
Đề cập đến quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm được quy định trong dự thảo luật, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị cần làm rõ trường hợp nào là kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm, trường hợp nào là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Ví dụ như trong trường hợp ĐBQH, hay một cơ quan QH cảm thấy không thể tín nhiệm Chính phủ hoặc thành viên Chính phủ thì có quyền kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm. Còn hành pháp (Chính phủ) cảm thấy một vấn đề gì đó thì có thể đề nghị cơ quan lập pháp bỏ phiếu tín nhiệm. Quy định như vậy mới đảm bảo tính khả thi trong thực hiện kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm của ĐBQH.
ĐB chuyên trách không nên là quan chức
Đề cập đến tiêu chuẩn của ĐBQH, nhiều ý kiến cho rằng còn chung chung, cần quy định cụ thể hơn các tiêu chuẩn về trình độ, phẩm chất đạo đức, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn, độ tuổi, cơ cấu thành phần. “Dự thảo quy định chung chung quá. Đối với ĐBQH tính trung thực, bản lĩnh sẵn sàng nêu chính kiến của mình về cái sai, cái đúng là rất quan trọng” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nói.
ĐB Đỗ Văn Đương - Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng tiêu chuẩn của ĐBQH không thể giống như tiêu chuẩn của cán bộ, công chức khác mà dự luật đề ra. Do vậy, ĐB Đương đề nghị bổ sung vào dự luận cụm từ như: ĐB phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân. “Thời gian tới QH sẽ thảo luận xem xét cho chủ trương đầu tư sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Khi đó ĐB phải dựa trên lập trường lợi ích của quốc gia, dân tộc và lợi ích của nhân dân để đưa ra quyết định chứ không thể làm khác”.
Cũng theo ông Đương, ĐB hiện có rất nhiều thành phần, trình độ khác nhau, do vậy điều quan trọng phải là phẩm chất, năng lực của họ là gì. Và để tránh tình trạng các ĐB phát biểu lặp lại ý của người khác, thậm chí lấy bài của người khác đọc trước nghị trường hoặc phát biểu xuôi chiều không có tính phản biện, ông Đương đề nghị trong luật phải ghi rõ: ĐBQH phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động. ĐB phải có năng lực để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. ĐB phải dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước cử tri, trước QH về hành vi và lời nói của mình.
Ngoài ra, ông Đương cũng đề nghị không nên lấy người có chức vụ về làm ĐB chuyên trách. Vì những người có chức vụ thường hay “chỉ tay năm ngón”, còn khi bắt tay vào soạn thảo văn bản, tham mưu, sáng kiến thường gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như trong lĩnh vực tư pháp ĐB chuyên trách đọc hồ sơ phải biết được oan sai; xem xét báo cáo phải phát hiện chỗ nào là ngụy biện, chỗ nào là thực chất… phải phát hiện như thế chứ nếu không thì vai trò thẩm tra, giám sát là rất hạn chế.
Đề nghị gấp rút xây dựng Luật Trưng cầu dân ý Tại phiên thảo luận, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị QH gấp rút xây dựng Luật Trưng cầu ý dân nhằm đảm bảo quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu ý dân, quy mô của các cuộc trưng cầu ý dân ra sao. Theo ông Nghĩa, dự thảo Luật Tổ chức QH quy định thẩm quyền trưng cầu ý dân thuộc về QH, việc tổ chức trưng cầu ý dân thuộc về Ủy ban Thường vụ QH nhưng chưa quy định cơ quan nào giúp Ủy ban Thường vụ QH thực hiện chức năng này. “Cần phải chỉ rõ trong luật, cơ quan nào có trách nhiệm triển khai thực hiện quyết định trưng cầu ý dân của QH, cách thức thực hiện như thế nào nhằm đảm bảo tính khả thi của điều luật. Không nên quy định như dự thảo luật” - ông Nghĩa nói. Đề xuất MTTQ tham gia phản biện đường lối, chính sách của Đảng Thẩm tra dự thảo Luật MTTQ Việt Nam sửa đổi, Ủy ban Pháp luật cho hayđa số ý kiến trong ủy ban tán thành với việc không quy định việc Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên, phản biện xã hội đối với dự thảo đường lối, chính sách của Đảng. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng một trong những điểm mới của Hiến pháp vừa được QH khóa XIII thông qua năm 2013 là ghi nhận chức năng của Mặt trận trong việc “giám sát và phản biện xã hội”, đồng thời quy định Đảng “chịu sự giám sát của nhân dân”. Như vậy, việc giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước của Mặt trận được thực hiện trên nhiều lĩnh vực, áp dụng với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có cả tổ chức Đảng, đảng viên cũng như đường lối, chính sách của Đảng. Do đó, ý kiến này đề nghị dự thảo Luật cần được bổ sung quy định về việc MTTQ Việt Nam tham gia góp ý xây dựng Đảng, giám sát hoạt động của tổ chức Đảng, đảng viên và phản biện xã hội đối với cả dự thảo đường lối, chính sách của Đảng. |
Theo: PLO