Cưới vợ cho chồng
Người đàn ông mà tôi nhắc tới có tên là Phùng Văn Thuần, năm nay đã 72 tuổi. Nhưng có lẽ người dân thôn Khả, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã quen với cái tên ông Thuần “đa thê”.
Đến nhà ông chúng tôi thấy ngạc nhiên trước căn nhà 3 tầng khang trang được gia đình ông cất lên hơn 20 năm nay. Nếu không phải người trong thôn ngoài xã có lẽ sẽ không ai biết tới những điều kỳ thú bên trong ngôi nhà này.
Ở cái tuổi thất thập, mái tóc bạc trắng nhưng da dẻ ông hồng hào, cử chỉ nhanh nhẹn và rất niềm nở với khách. Có tiếp xúc với ông mới biết ông là người rất dễ gần và vui tính. Có lẽ vì những đức tính đó mà ông cưới và sống trong hạnh phúc với 5 bà vợ hiền thục.
Ngồi ngoài ban công tầng 3, ông kể cho tôi nghe giai thoại những cuộc tình một thời của đời mình. Chàng trai trẻ Phùng Văn Thuần hơn 50 năm về trước tuổi vừa đôi mươi, vẻ ngoài phong nhã, có đôi bàn tay tài hoa của người thợ mộc giỏi kế tục nghề từ ông cha. Xưởng mộc của ông ngày đó nổi tiếng không chỉ trong huyện Hưng Hà mà các huyện lân cận cũng biết tới, thường xuyên đặt hàng.
Năm 22 tuổi, ông Thuần nên duyên với bà Lê Thị Len là người cùng thôn, tuổi vừa 18. Ông đến với bà là do tìm hiểu chứ không phải do gia đình gán ghép.
Ông Thuần tâm sự: “Ngày ấy tôi với bà ấy cùng trong đội văn nghệ. Tôi thì hiền lành, khéo léo, có tài lẻ văn nghệ văn gừng nên nhiều cô gái theo lắm, nhưng tôi yêu bà Len và một thời gian sau hai bên gia đình tổ chức trầu cau cho hai đứa. Năm tôi 22 thì bố mẹ thúc cưới vì gia đình neo người…”.
Sau bốn năm, bà Len sinh cho ông hai người con, một trai một gái kháu khỉnh. Thời gian này, xưởng mộc của ông Thuần làm ăn khá giả, ông ký hợp đồng đóng bàn ghế cho các trường mầm non huyện Quỳnh Phụ… Số phận kéo bà hai về với ông cũng trong hoàn cảnh đó.
Bà Nguyễn Thị Nguyên làm nghề buôn bán ở xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Phụ. Ông Thuần kể: “Tôi hay làm bàn ghế bên đó, gặp bà ấy mấy bận rồi hỏi han gia đình. Dần dà yêu nhau lúc nào chẳng biết. Cứ không sang bên ấy là thấy nhớ. Dù biết tôi có gia đình nhưng bà ấy cứ quấn lấy tôi”.
Tính ông Thuần thẳng thắn, đem chuyện “phải lòng” về nói với vợ. Tưởng nghe xong vợ ông sẽ nổi máu ghen tuông nhưng ông đã lầm. Nhiều lần bà Len gặng hỏi thăm về gia đình cô gái đã làm chồng bà “mất ăn mất ngủ” vì bệnh tương tư. Khi đã biết rõ về gia đình bên đó, một hôm bà gọi ông vào nhà rồi thưa chuyện muốn tự tay mình soạn lễ trầu cau mang sang thưa chuyện cưới vợ cho chồng. Mới đầu ông cũng từ chối và hứa với vợ cắt đứt quan hệ với cô giáo Nguyên nhưng bà Len không đồng ý. Năm ấy bà Len một tay vun vén, chuẩn bị ngày cưới vợ cho chồng.
Tin bà lấy vợ cho chồng loan khắp trong làng ngoài xóm làm thiên hạ một phen cười nghiêng ngả. Có người bảo bà là gàn, là khùng, người ta giữ chồng đã khó nay lại muốn vướng vào cảnh chung chồng nhưng bà bỏ ngoài tai tất cả.
Bà Nguyên tâm sự: “Hôm chị mang lễ vật sang nhà thưa chuyện tôi cũng sợ lắm. Mấy hôm trước đó, nhà tôi (ông Thuần) có nhờ người sang báo trước nhưng mấy đêm không sao ngủ được. Cứ sợ chị dựng màn kịch để dằn mặt tôi cho bàn dân thiên hạ biết gái cướp chồng. Khi nhà trai sang thưa chuyện, tôi mới biết chị là người phúc hậu, không phải đến hại tôi”.
“Ngày cưới bà Nguyên, bà Len mừng lắm, bà ấy lo cỗ cưới chu đáo hai bên bốn họ đến chung vui. Bà Len còn đích thân dọn phòng cưới cho tôi và bà hai. Hai bà ấy yêu thương nhau như chị em ruột vậy. Sống mấy chục năm mà không một lời ganh tỵ”, ông Thuần cười nói.
Cái tên ông Thuần “đa thê” được người ta gọi từ khi ông cưới bà thứ ba. Bà Tùng năm nay 62 tuổi người thôn Khả cũng tự nguyện đến với ông bởi cái tính tình hiền nhã, chí thú làm ăn, yêu thương vợ con của ông.
Năm 1983, khi đó bà 32 tuổi. Chính hai bà trước đã vun vén cho ông với bà Tùng. Ngày đám cưới bà Tùng về, ba chị em lại xúm xít với nhau cùng ông gánh vác công việc gia đình.
Dân làng Khả cứ vậy được phen đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Vài năm cả làng lại rộ lên chuyện ông Thuần “nạp thiếp”. Nhiều người còn nói ông dùng bùa yêu để các bà ấy tự nguyện theo như sam vậy.
Không chỉ dừng lại ở bà ba, sau vài năm ông lấy thêm bà tư, bà năm. Bà Tư cùng bên Quỳnh Phụ với bà hai, là giáo viên mầm non xã Quỳnh Châu. Bà năm kém ông 22 tuổi, làm nghề bún ở xã bên cũng cắp nón theo ông sau mấy đận gặp nhau ngoài chợ.
Cuộc sống của năm bà chung một ông chồng cũng chìm vào quá khứ. Mấy chục năm người làng đã quen với điều đó. Họ vừa ca ngợi ông, vừa kính nể ông như một vị tướng chỉ huy tài tình một “tiểu đội” vợ trong ngôi nhà hạnh phúc.
Ông Thuần thổ lộ: “Ở đời xưa nay gái tham tài, trai tham sắc là lẽ thường. Ví như Lưu Gù trong phim “Tể tướng Lưu Gù” còn cưới được con tể tướng. Ông ấy xấu xí nhưng là người ngay thẳng lại có tài. Tôi không đem mình so sánh với ông ấy nhưng đó là cái tài tình của mình. Có thế nào các bà ấy mới ưng tôi chứ…”
Những điều bí mật trong nhà
Chung sống với 5 bà vợ, ông có cả thảy 9 người con, 18 đứa cháu nội ngoại. Riêng bà cả sinh cho ông 5 người con (3 trai, 2 gái); bà hai sinh cho ông một trai, một gái; bà ba sinh một người con trai, bà tư sinh một người con trai.
Có lẽ ông và các bà vợ của mình đều tự hào khi các con của ông bà đều học hành thành đạt, nhiều người con theo nghề giáo, là kỹ sư xây dựng… và một đại gia đình sống hòa thuận trên dưới mấy chục năm nay chưa một lời to tiếng.
Trong gia đình ông Thuần, mỗi người một công việc tùy theo khả năng của mình. Công việc này do chính ông Thuần là người phân công: bà lo nội trợ, bà lo buôn bán… Xưởng mộc gia truyền được ông giao cho người con cả. Một nhà máy nước khoáng nằm sát khu xưởng mộc giao cho bà tư và bà năm trông coi.
Bà Vân, người vợ thứ năm chia sẻ: “Ông ấy là người tổng chỉ huy trong gia đình tôi. Cả gia đình làm việc rất khoa học nên từ khi về đây chung sống cùng ông, chưa ai ganh tỵ nhau. Các con rất hòa thuận, làm việc gì cũng hỏi ý kiến của bố và các mẹ. Tôi thấy cuộc đời mình thật hạnh phúc”.
Về bí quyết để giữ được hòa khí trong gia đình, ông Thuần thẳng thắn cho biết, đó chính là sự tôn trọng nhau. Các bà vợ luôn coi trọng gia đình, sống với nhau bằng tình yêu của người vợ, người mẹ.
“Con cái là con chung, không có chuyện phân biệt trong gia đình tôi. Gia đình mình như vậy cần phải sống chan hòa chứ nay cãi nhau, mai chửi nhau thì chỉ làm trò cười cho thiên hạ mà thôi”, ông Thuần nói.
Ngoài ra, ông còn kể về một bí mật mà chỉ người trong gia đình mới biết. Mấy chục năm cưới vợ sinh con, ông vẫn giữ cho mình một không gian riêng. Cả năm người vợ, mỗi người một phòng không chung đụng với ai.
Ông Thuần cười: “Dù có đến 5 bà vợ nhưng tôi vẫn ngủ riêng. Muốn gần gũi với bà nào chỉ cần bảo bà ấy tối lên phòng xoa lưng bấm huyệt cho tôi. Kể cũng lạ, các bà ấy nghe lời tôi không ai trách cả. Mình là người ở giữa, bà nào cũng muốn được chiều chuộng hơn nhưng mình phải cân bằng trong cuộc sống, không sống thiên vị. Có vậy mới hạnh phúc được chứ!”
Cuộc sống hôn nhân hạnh phúc bền lâu cũng phụ thuộc rất nhiều vào người đàn ông. Với ông Thuần, việc đó không làm ông phải bận tâm một điều gì. Ông cảm thấy tự hào về hạnh phúc viên mãn của gia đình, về vợ, về con. Đó chính là chất keo bền bỉ gắn kết yêu thương gia đình mà xã hội ngày nay đang mờ nhạt dần.
Theo Kienthuc.net.vn