Tờ lịch oan nghiệt
Năm 2002, chị Đỗ Thị Năm (38 tuổi, ngụ tại xã Xuân Lôi, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc) bị một đối tượng lừa bán sang Trung Quốc. Tại đây, Nhan Chính Quyền (46 tuổi, ngụ tại số 61, đồn Phát Kì, thôn Na Trinh, thị trấn Giang Châu, thành phố Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) đã bỏ ra 2000 nhân dân tệ (khoảng 6 triệu đồng) trả cho đối tượng buôn người để lấy chị Năm làm vợ. Sau đó, họ sống với nhau như vợ chồng và có một cậu con trai.
Vào tháng 3/2010, sau 8 năm lưu lạc xa quê, chị Năm đưa chồng và con về thăm nhà. Tuy nhiên, gia đình này không làm thủ tục xuất nhập cảnh hợp pháp mà lại vào Việt Nam theo cách “vượt biên” (đi theo đường tiểu ngạch).
Về đến nhà mẹ đẻ của chị Năm, do Quyền nhập cảnh trái phép nên cơ quan công an đã tiến hành kiểm tra và xử phạt hành chính 2 triệu đồng, yêu cầu trong 3 ngày Quyền phải rời khỏi Việt Nam theo luật.
Chị Năm đã khuyên chồng nên trở lại Trung Quốc, chị và con ở lại quê ngoạimột thời gian rồi sẽ quay về với chồng nhưng Quyền không đồng ý. Đến khi hết thời hạn 3 ngày do chính quyền đưa ra, Quyền vẫn lần lữa không chịu rời khỏi Việt Nam. Quyền nhất quyết đợi vợ và con trai cùng về.
Vào sáng 2/4, một người anh "cọc chèo" của Quyền (chồng của chị vợ Quyền) đến đón Quyền cùng con trai sang nhà mình để nhờ ông em "cọc chèo" làm giúp một số việc nhà. Một lát sau, anh trai của Năm cũng đi cùng Năm đến. Tại đây, mọi người ngồi bàn bạc chuyện làm chứng minh thư cho Năm. Do không hiểu tiếng Việt nên Quyền ngồi thu lu một mình trên giường, dõi theo miệng mọi người “xem” nói chuyện.
Lúc đó, một người thân của chủ nhà đi từ ngoài sân bước vào nhà miệng vừa nói góp chuyện, tay vừa chỉ vào Quyền, rồi lại chỉ tiếp vào tờ lịch đang treo trên tường, ý là nhờ Quyền gỡ giúp tờ lịch trên tường đưa cho mình. Do không hiểu ngôn ngữ, nên Quyền đã tưởng anh này hỏi tại sao đến giờ vẫn chưa chịu về.
Tại cơ quan điều tra, Quyền kể lại lúc này mình đã rất ấm ức, bực tức nên bỏ ra ngoài sân. Xâu chuỗi các sự việc mình nhìn thấy, Quyền hiểu lầm là gia đình bên vợ, đặc biệt là anh vợ đã ngăn cản, không muốn cho vợ cùng con trai mình về Trung Quốc nên nỗi bực bội càng dâng cao.
Bất ngờ, Quyền nhìn thấy cháu bé con nhà một người hàng xóm đang đi vào trong nhà. Nghĩ cháu bé là con trai của anh vợ nên Quyền đã nhặt một con dao ở dưới đất rồi chém vào đầu cháu bé khiến nạn nhân chỉ kêu “á” được một tiếng rồi ngã lăn ra sân bất tỉnh. Thấy đứa bé ngã lăn ra đất, Quyền vứt dao bỏ chạy.
Lời khai của đối tượng thiếu hiểu biết
Chạy được quãng đường vài trăm mét, khi đến đoạn cánh đồng trồng lạc, thấy mọi người đuổi theo, Quyền đã giằng lấy cái cuốc của một người nông dân với mục đích chống trả lại. Tuy nhiên, vợ Quyền đã kịp chạy đến và giằng cái cuốc ra khỏi tay Quyền, cùng lúc đó mọi người ập đến và bắt Quyền đưa về trụ sở công an xã.
Các điều tra viên công an tỉnh Vĩnh Phúc kể lại, đối tượng phạm tội người Trung Quốc này khi bị bắt đã có những hành động rất bất thường. Khi ở UBND xã, trong lúc cán bộ công an đang lập biên bản sự việc thì Quyền đã cắn lưỡi tự tử nhưng được ngăn cản kịp thời và được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.
Tự tử lần thứ nhất không thành, tại bệnh viện Quyền lại tiếp tục lao đầu vào tường hòng tự sát lần 2 nhưng các điều tra viên dẫn giải đã lôi lại kịp thời.
Đến khi người phiên dịch có mặt để chuyển ngữ, các cán bộ công an Việt Nam mới hiểu nguyên nhân của những hành động bất thường này là do bị can quá thiếu hiểu biết, Quyền đã liên tục hiểu nhầm hết từ chuyện này đến chuyện khác.
Tại cơ quan điều tra, Quyền khai vì cứ ngỡ là nếu đã ra tay chém người thì cả gia đình Quyền sẽ bị “chu di tam tộc” nên Quyền “tự xử” bằng cách tự sát cho công bằng “mạng đền mạng”.
Cũng theo các điều tra viên, các anh đã có lúc phải “đánh vật” với những lời khai rối rắm của bị can này hàng giờ: Lúc thì Quyền khẳng định chị Năm và đứa con trai là vợ con mình, lúc thì lại một mực từ chối “Chúng nó không phải vợ con của tao đâu”.
Phải đến khi người phiên dịch thủ thỉ trò chuyện, mọi người mới biết Quyền chối như vậy là do Quyền không hiểu pháp luật Việt Nam, cứ ngỡ “Tao đã chém người nên tao sợ vợ con tao cũng bị tử hình. Thế nên tao mới không nhận để vợ con tao nó không bị làm sao”.
Bi kịch của người đàn ông sợ mất vợ
Chị Năm cho biết, Quyền là con thứ 2 trong một gia đình rất nghèo. Dưới Quyền còn có hai người em trai là anh em sinh đôi, chuyên nghề đi làm thuê mướn, do nghèo nên năm nay đã hơn 40 tuổi mà vẫn chưa lấy được vợ.
Ở với nhau hai năm sau, chị sinh cho chồng một con trai. Khi có cháu, cả gia đình bên chồng mở tiệc lớn ăn mừng vì đã có người nối dõi tông đường. Từ đó Quyền càng cưng chiều chị và con trai nhiều hơn. Trong thời gian này, chị đã tranh thủ học được một số từ tiếng Trung để có thể giao tiếp thông thường. Tình cảm hai người ngày càng khăng khít.
Thấm thoát cháu nhỏ đã 5 tuổi, kinh tế gia đình cũng khá vững vàng, có “của ăn của để”. Tháng 3/2010, chị Năm nhận được tin mẹ vẫn còn sống nhưng bị ốm nặng. Sốt ruột, hai vợ chồng bàn nhau đưa cháu nhỏ về thăm quê.
Khi người con gái mất tích 8 năm đột ngột trở về, gia đình chị rất vui mừng nhưng cũng lo lắng không biết cuộc sống của chị bên Trung Quốc ra sao. Việc anh chị trong gia đình có ý muốn giữ chị ở lại Việt Nam làm anh Quyền rất lo lắng. Trong thâm tâm chị cũng chỉ định ở lại Việt Nam chăm sóc mẹ già một thời gian rồi quay về ở cùng gia đình chồng. “Bản thân anh ấy còn mẹ già đã gần 90 tuổi. Hơn nữa, là con dâu trong gia đình tôi cũng muốn giữ tròn chữ hiếu”, chị Năm nói.
Chị Năm cho biết, việc Quyền bột phát dẫn đến hành động này có thể là do trước đó, người anh cả của Quyền từng lấy vợ là một phụ nữ người Việt Nam, nhưng sau đó chị này đã bị lừa bán cho người khác, khiến anh của Quyền hàng chục năm nay vẫn ở một mình, ngày nào cũng kêu nhớ vợ.
“Trình độ thì thấp, tiếng Việt không biết nên cứ nhìn chuyện này lại tưởng ra chuyện nọ, cộng với tâm lý sợ mất vợ đã khiến anh ấy có hành động dại dột như vậy”, chị Năm nói.
Theo Xa lộ pháp luật