Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hội"Chẳng ai bị mất ghế vì năng lực kém!"

"Chẳng ai bị mất ghế vì năng lực kém!"

Thứ hai, 09 Tháng 9 2013 01:43
Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
"Làm lãnh đạo thời nay có những điều rất khó hiểu. Làm sai là rút kinh nghiệm, gây hậu quả nghiêm trọng thì tự kiểm điểm phê bình, ra những chính sách bị dư luận phản ứng thì rút về..."

Ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ như vậy với phóng viên.

Không bổ nhiệm bằng thực tài

Hàng loạt các vụ việc như phạt mũ bảo hiểm rởm, cộng điểm thi đại học cho bà mẹ Việt Nam anh hùng, cấp phép hàng nghìn giấy phép khai thác khoáng sản trái phép, cấm "ngực lép" lái xe, chụp hình cảnh sát giao thông phải xin phép... Khi bị dư luận phản ứng, các quy định đó mới bị rút lại. Nhưng chẳng ai bị xử lý vì những điều đó. Có người dân than thở với tôi: Làm lãnh đạo thời nay dễ quá!

Thì đấy, không phải là dễ mà là quá dễ! Người ta bổ nhiệm lãnh đạo đâu có bằng thực tài. Đâu đâu cũng nhìn thấy những chuyện này. Tuy nhiên, muốn khó thì nó sẽ khó, còn bảo dễ thì lại vô cùng dễ. Khó vì muốn làm thật tốt, làm một cách tâm huyết thì nó sẽ khó. Còn nếu lấy cái ghế đó để trục lợi cho bản thân, để cho oai, hễ có chuyện họ sẽ "đẩy" trách nhiệm sang chỗ khác, sẽ phủi tay hết thì dễ. Mà cái số này không ít.

Thế thì pháp luật của ta đâu?

Pháp luật của ta hiện vẫn còn lỗ hổng. Lãnh đạo ngành nhưng hiếm khi chịu trách nhiệm về sự việc của ngành mình. Có sự cố là viện cớ nguyên nhân này, nguyên nhân khác rồi đùn đẩy trách nhiệm.

Thế nhưng việc "phủi trách nhiệm" đó đâu có dễ dàng?

Làm sai, thế nhưng có ai bị xử lý kỷ luật gì đâu, có ai bị cách chức đâu. Cùng lắm là đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm. Rồi lại đánh giá tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Thế là ai cũng được tín nhiệm, làm gì có ai không được tín nhiệm đâu

Và hệ quả của nó là...?

Nó sẽ đẻ ra đa số người làm việc làng nhàng, làm cho có, chứ không dành tâm huyết cho công việc thực sự.

Thế thì làm lãnh đạo làm gì!
Là người đã từng giữ trọng trách quan trọng, có văn bản nào ông ký xong mà đến giờ ông vẫn day dứt?
Bản thân tôi đến giờ nhìn lại, đã từng ký và ban hành hàng trăm văn bản nhưng chưa có văn bản nào bị trả lại, bị lên án, chưa có văn bảo nào ký vừa xong đã bị người dân la ó như nhiều văn bản ra đời thời gian gần đây. Tôi nghỉ hưu mà không bị chửi rủa là vì thế. Tôi vui vì mình không bị ai ném đá. Còn những văn bản vừa đưa ra đã bị người ta chê trách thì buồn lắm.
Vậy điểm khác biệt giữa các quyết định được dân đánh giá tốt và bị dân "ném đá" vì rất thiếu trách nhiệm là ở những chỗ nào?
Có thể nói là trình độ. Một số cán bộ ban hành chính sách lại ít chịu động não thì phải. Có những văn bản, mấy chục triệu con người bị ảnh hưởng, hoặc ít ra thì cũng có hàng triệu người bị ảnh hưởng, ấy vậy mà hình như họ nhắm mắt ký. Họ cứ bảo làm thế là đúng quy trình rồi, đến tay họ là họ ký xoẹt thôi, còn trách nhiệm thuộc về ai thì chắc có lẽ là cả tập thể. Họ ngồi đó mà không thấy xấu hổ vì ăn lương từ tiền thuế của dân! Cũng vì thế, nó đẻ ra các lớp cán bộ làng nhàng. Mà số này lại  khá nhiều, dẫn đến những ảnh hưởng cho xã hội là rất lớn.
Nhưng cái sự "nhắm mắt ký" nó có thể hiện sự tin tưởng cấp dưới một cách tuyệt đối?
Lãnh đạo phải chỉ đường dắt lối chứ đâu phải cấp dưới nói thế nào cũng nghe theo. Khi tiếp nhận bất cứ vấn đề nào thì đầu óc phải có sự phản biện. Ký một văn bản thì ít ra cũng phải lật qua lật lại xem nó nói cái gì, câu chữ thế nào, vì ký rồi thì phải chịu trách nhiệm. Chứ không thể có kiểu khi bị hỏi lại là chối luôn, khoẻ re!
Phải cúi đầu mà xin lỗi dân!
Vì những điều ông nói, dư luận mới đặt câu hỏi về trình độ của một số lãnh đạo hiện nay, lỗ hổng đó nằm ở khâu nào trong bổ nhiệm và sử dụng lãnh đạo?
Những người lên làm lãnh đạo là do ai chọn, dựa vào tiêu chí gì? Tiêu chí năng lực, tiêu chí vật chất hay tiêu chí quy trình? Phải có cạnh tranh thì nó mới bộc lộ ra những điểm mạnh và điểm yếu, có cạnh tranh mới có phát triển. Nhưng các chức vụ của ta hiện nay phần nhiều lại không có cạnh tranh. Phần lớn là bằng con đường lý lịch, bằng cấp (chưa nói đến bằng thật hay bằng giả), rồi cả bằng chạy chọt... Thế nhưng, giờ bằng thật kiến thức giả lại rất nhiều. Thế nên giờ để thay đổi thì phải có thi cử, phải có cạnh tranh, từ bất cứ chức vụ nào cũng phải làm như vậy.
Nhưng rõ ràng để phấn đấu có được một vị trí lãnh đạo, dù là nhỏ, cũng không dễ dàng chút nào?
Đúng thế, vì họ làm đúng quy trình, có kiểm tra, kiểm soát rõ ràng. Nhưng mình làm sao biết chính những người đi kiểm tra đó có làm đúng hay không, có trong sạch hay không? Mình không có bằng chứng để khẳng định, mà chỉ dựa vào chính cái kết quả tuyển dụng bổ nhiệm ấy. Nếu nó cho ra những người không ra gì, thì rõ ràng là những người đi thanh tra kiểm tra đó cũng chẳng ra gì. Thế mới khó.
Một trong những sự kiện vừa rồi là vụ kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức (Hà Nội), nó cũng là một sự việc cho thấy câu chuyện lãnh đạo quản lý rõ ràng có vấn đề?
Lãnh đạo xuống tặng cho cái bằng khen kèm theo 350.000đ thế là xong. Trong khi đó, đáng lẽ người đứng đầu của ngành y tế phải cúi đầu mà xin lỗi dân mới phải!
Nhưng rõ ràng chúng ta vẫn có người giỏi, người làm được việc. Vậy thì làm thế nào để lọc được những người làm được việc ấy với những người "làng nhàng" như ông vừa nói?
Phải xem lại cơ chế tuyển dụng và sử dụng cán bộ. Hiện cơ chế vẫn chưa tạo ra được người giỏi. Phải thay đổi điều đó, giải phóng sự ràng buộc của đầu óc để có được những người tài năng thực sự vào các vị trí lãnh đạo.
Xin cảm ơn ông!
Không có chuyện chống tham nhũng là phê và tự phê. Chống tham nhũng là tự mình chống lại mình, thử hỏi có ông thầy thuốc nào trị bệnh cho mình bằng cách tự phẫu thuật mình không? Phải là người khác chứ.
Tô Hội/ kienthuc.net.vn

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516