Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hộiĐề xuất cấm bán rượu bia sau 22h: Nghi ngờ về tính khả thi...

Đề xuất cấm bán rượu bia sau 22h: Nghi ngờ về tính khả thi...

Thứ sáu, 25 Tháng 7 2014 01:16
Ảnh minh họa Ảnh minh họa
Trong vòng 10 năm qua, tốc độ tiêu thụ rượu bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%. Việc Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia trong năm 2013 đã đẩy nước ta vào "bảng xếp hạng" những nước tiêu thụ bia hàng đầu trên thế giới. Có đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc bia hơi mỗi ngày. Trước những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, xã hội do việc lạm dụng rượu bia, Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan đang xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Mục đích của luật này kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu bia, các biện pháp giảm tác hại của lạm dụng rượu bia. Tuy nhiên, xung quanh đề xuất đang gây nhiều tranh cãi

Người Việt uống 3 tỉ lít bia/ năm

Tốc độ tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam tăng nhanh chóng qua các năm. Trong năm 2012 mức tiêu thụ bia của cả nước là 2,8 tỉ lít thì đến năm 2013 mức tiêu thụ bia đã là hơn 3 tỉ lít. Số bia sản xuất trong nước là 2,9 tỉ lít không đủ cung cấp cho nhu cầu uống bia của người Việt. Tương tự, tình hình tiêu thụ rượu cũng ngày càng tăng lên với 63 nghìn lít năm 2012 đã tăng đến gần 68 nghìn lít trong năm 2013. “Việc Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia trong năm 2013 đẩy nước ta vào những nước hàng đầu tiêu thụ bia. Là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc", bà Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam cho biết.

 

Đánh giá về tình trạng lạm dụng bia rượu tại Việt Nam, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết: 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc bia hơi mỗi ngày. Trong khi đó, việc lạm dụng rượu bia gây ra nhiều tác hại cho người sử dụng và cho xã hội. Uống quá nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, là nguyên nhân của tình trạng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc...

 

Theo thống kê chưa đầy đủ của Tổ chức Y tế thế giới việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra hơn 2,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với khoảng hơn 6.000 người chết mỗi ngày, trong đó những người trẻ chiếm một tỉ lệ đáng kể. Hơn 50% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới do các bệnh truyền nhiễm nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc lạm dụng đồ uống có cồn.

 

Theo bà Hoàng Anh, một trong những nguyên nhân khiến người Việt ngày càng tiêu thụ nhiều rượu bia là do việc quảng cáo các mặt hàng này chưa được kiểm soát tốt. Rượu bia vẫn được gắn với những hình ảnh kích thích người tiêu dùng như: Rượu bia gắn với người đàn ông thành công, đẳng cấp; Rượu bia và tình yêu; Rượu bia với hình ảnh hạnh phúc, đoàn tụ… Trong khi đó, việc tiếp xúc với nhiều hình ảnh quảng cáo rượu bia làm tăng khả năng bắt đầu sử dụng rượu bia.

 

Gian nan cấm rượu, bia sau 22h

Một trong những điểm nhấn tại dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế đang xây dựng là quy định cấm bán rượu bia sau 22h hằng ngày. Trên thực tế, đây chỉ là một trong ba phương án để hạn chế mức độ sử dụng và tác hại của rượu bia mà Bộ Y tế đưa ra để lấy ý kiến chứ chưa phải phương án cuối cùng.

 

Cụ thể, phương án 1 là: Không được bán rượu, bia trong khoảng thời gian sau 22h đêm đến 6h sáng tại một số địa điểm theo danh mục và lộ trình quy định của Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Phương án 2 là: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định việc cấm bán rượu, bia tại một số địa điểm trong khoảng thời gian phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và yêu cầu phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia. Phương án 3: Chưa quy định thời gian cấm bán rượu, bia trong dự thảo Luật.

 

Theo phân tích của Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, việc sử dụng rượu bia bất cứ giờ nào đã là một thói quen, ăn sâu vào trong tiềm thức của không ít người. Đây là nhóm quan hệ xã hội pháp luật khó điều chỉnh nhất, cần thời gian điều chỉnh dài hơn so với các nhóm quy phạm khác. Tuy nhiên, nếu lựa chọn phương án không làm gì, tức không cấm (phương án 3) hay chỉ cấm tại một số điểm (phương án 2) thì chắc chắn tác động của luật trong đời sống không cao và phụ thuộc hoàn toàn vào ý thức tự điều chỉnh của người dân. Do vậy, theo bà Trần Thị Trang, phương án 1 là phương án tối ưu nhất.

Nhiều tranh cãi

Trước đề xuất xây dựng dự thảo Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia, nhiều người tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của quy định cấm bán bia, rượu sau 22h tại một số địa điểm trong dự thảo Luật được lựa chọn. Bà Trang cũng thừa nhận để người dân thực hiện là rất khó vì những thói quen không dễ dàng thay đổi và ban soạn thảo cũng đã lường trước vấn đề này. Theo bà việc thực hiện được cần nỗ lực cao về tuyên truyền, nhận thức, tổ chức, thanh tra, kiểm tra và xử lí vi phạm. 

 

Bên cạnh đó cũng có nhiều ý kiến tranh cãi về việc cấm bán rượu, bia như vậy liệu có ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến Việt Nam, bà Trang cũng cho biết, chưa có khảo sát cụ thể nào về việc này nhưng theo kinh nghiệm tại các quốc gia đã áp dụng quy định trên, chưa có mối liên quan cấm bán rượu bia sau 22h làm giảm lượng khách du lịch. “Chúng tôi cũng đang tính sẽ có cuộc khảo sát tại một số địa điểm du lịch và thói quen tiêu dùng của khách tại các địa điểm trong quá trình xây dựng dự thảo luật này”, bà Trang nói.

 

Một thắc mắc nữa được nhiều người quan tâm là nếu quy định cấm bán bia, rượu sau 22h được áp dụng, sẽ xảy ra tình trạng “lách luật” là người dân đi mua rượu, bia trước trước 22h và sau 22h họ uống. Về vấn đề này, bà Trang cho hay: Nếu đã có quy định cấm bán thì cũng tại địa điểm cấm bán đó sẽ có quy định hỗ trợ là người mua sẽ không được sử dụng sau 22h tại địa điểm đó.

Anh Nguyễn Ngọc Hưng (Đông Anh, Hà Nội):

Quy định này dù có được thông qua cũng khó có thể thể áp dụng, đặc biệt là vùng quê. Ai, đơn vị nào sẽ thức chờ sau 22h để đi phạt người vi phạm? Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo luật cần phải xác định rõ “cấm bán” hay “cấm uống” sau 22h? Nếu cấm bán thì khi cơ quan chức năng tới hỏi tại sao bán bia quá 22h, chủ quán sẽ nói bán lúc 21h song khách tới 22h khách vẫn chưa uống hết?

Ông Vũ Mạnh Linh (chủ một quán ăn trên đường Cầu Giấy, Hà Nội):

Co quan chức năng cấp giấy phép kinh doanh thì cho hoạt động tới 24h vậy những quán nhậu hay quán bar sau 22h bán cho ai trong khi đó tiền thuế vẫn phải đóng bình thường mà doanh thu lại giảm (điều đó chắc chắn không bàn cãi). Sẽ xảy ra vấn đề lách luật: Khách hàng sẽ gọi bia rượu nhiều hơn nhu cầu bình thường để uống từ từ. Nếu uống không hết thì có thể trả lại quán còn nếu cố uống hết thì lại nguy hiểm hơn. Số vụ tai nạn giao thông liên quan tới bia rượu khó mà giảm được.

Chị Nguyễn Thị Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội):

Sao không đánh vào các nhà máy sản xuất rượu, bia, đánh thuế cho sản phẩm? Theo tôi được biết thì rượu, bia là loại mặt hàng phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt và một số loại thuế khác; sao lại không vận dụng mạnh tay hơn mà cứ nhằm vào người tiêu dùng. Cần tính toán và xem xét kỹ lại cho phù hợp, vì không uống ngoài quán thì uống ở nhà, lúc đó ai giám sát, ai xử lý. Tác hại của rượu, bia ai cũng biết, ai cũng thấy tuy nhiên việc nhận thức của người sử dụng chưa cao. Việc buôn bán là nhu cầu mưu sinh của con người nếu cấm thì làm gì để sống...

Văn Nguyễn

Theo: tuoitrethudo

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516