Nguyễn Ngọc Châu (đứng thứ 2 từ trái sang) tại Đại hội đại biểu Đảng bộ sư đoàn 302 lần thứ nhất ở tỉnh Xiêm-riệp, Campuchia. (Ảnh: nhân vật cung cấp)
GD&TĐ - Một chiều giữa tháng Năm, tôi được gặp người có 30 năm tham gia quân ngũ - trong đó có 10 năm làm chiến sĩ cận vệ bảo vệ Bác Hồ.
Ông là Nguyễn Ngọc Châu - 78 tuổi, hiện đang sống tại phường Bắc Hà (TP Hà Tĩnh)
Sinh ngày 10/4/1936, Nguyễn Ngọc Châu là con cả trong một gia đình nông dân rất nghèo có 4 anh em ở làng Bình Sơn xã Diễm Lợi nay thuộc xã Diền Phúc (Diễn Châu, Nghệ An).
Nguyễn Ngọc Châu mồ côi cha lúc 13 tuổi. 16 tuổi anh trở thành đội trưởng đội thiếu niên khăn quàng đỏ. 17 tuổi là chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ rồi trở thành chiến sĩ bảo vệ Bác Hồ.
Sau khi cho chúng tôi xem cuốn Lý lịch quân nhân và những bức ảnh kỷ niệm, ông Nguyễn Ngọc Châu bồi hồi kể lại những kỷ niệm với Bác Hồ trong 10 năm làm lính cảnh vệ.
“Đầu năm 1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đơn vị bảo vệ Trung ương Đảng. Tôi được điều động về đơn vị bảo vệ Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc.
Tháng 7/1954, lần đầu tiên 600 chiến sĩ trong đơn vị (thuộc trung đoàn 600) được gặp Bác Hồ, nghe theo lời Bác về tiếp quản Thủ đô. Những ngày này, tình hình còn phức tạp và khó khăn.
Chúng tôi phải tạm đóng quân ở nhà thương Đồn Thủy (Bệnh viện 108 ở Hà Nội bây giờ). Lúc đó Ủy ban Giám sát quốc tế về Đông Dương còn đóng ở đó.
Chiến sĩ bảo vệ và Bác cùng ở một chỗ. Không có giường, chiến sĩ phải trải chiếu nằm dưới đất, thế mà chúng tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc vì được gần Bác.
Công việc đầu tiên của chúng tôi là bảo vệ Bác trong cuộc tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ sang thăm Việt Nam tháng 10/1954. Tôi đã cùng đồng chí Lê Văn Thảo (quê ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bảo vệ vòng giữa. Bác đến đâu chúng tôi đi theo bảo vệ đến đó.
Tháng 12/1954, Bác chuyển về Phủ Toàn quyền Đông Dương và chúng tôi cũng được dời về đó. Bác ở căn phòng cách chúng tôi 5 m. Ban đêm, chúng tôi đứng gác trước cửa nhà.
Đó là căn nhà ngói cấp 4 nguyên là của công nhân quét rác. Bác ở trong căn nhà ấy mà không chịu ở trong nhà chính của Phủ Toàn quyền. Năm 1958, Chính phủ làm nhà sàn bằng gỗ Bác mới chịu lên đó ở.
Vào giữa tháng 12/1954, mặc dù bận trăm công ngàn việc, nhưng trước khi chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô, Bác cho tập hợp cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn cảnh vệ 600 để nói chuyện.
Bác căn dặn: “Bác cháu ta từng gian khổ trong kháng chiến đã quen, nay về Hà Nội địch chiếm đóng lâu năm, đầy rẩy cảnh sống xa hoa, trụy lạc dễ nảy sinh tư tưởng thèm muốn hưởng thụ. Vì vậy, Bác dặn các Chú phải vững vàng, đừng sa ngã trước viên đạn “bọc đường”.
Chúng tôi ai cũng ghi nhớ lời Bác và đã làm tốt nhiệm vụ trong những ngày đầu về tiếp quản Thủ đô.
Về Thủ đô, tôi quan sát thấy Bác Hồ thường dậy sớm, tập thể dục. Bất kể trời mưa gió, sáng nào Bác cũng dậy lúc 5 giờ 30. Một buổi sáng vào khoảng tháng 12/1956, tôi và đồng chí Minh ra che luống rau Su hào.
Hai anh em đang đang chặt lá chuối để che bỗng nhiên phát hiện có tiếng động ở bờ ao gần đó. Tôi và đồng chí Minh tiến gần lại quan sát.
Chúng tôi quá ngạc nhiên khi thấy Bác Hồ đang đang bơi thuyền. Hai chúng tôi đứng lặng yên ngắm nhìn Bác. Bất ngờ khi bơi thuyền qua, Bác dừng lại hỏi: Tại sao hai chú thấy Bác mà không chào? Hai chúng tôi ấp a ấp úng.
Thấy hai chúng tôi lúng túng, Bác cười bảo, lần sau các chú cần chú ý, người chiến sỹ cần phải có lễ phép. Bác cười thân ái rồi bảo: “Hai chú tiếp tục che su hào tiếp đi không một lúc nữa nắng to sẽ làm chết xu hào đấy và phải nhớ câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Từ đó trở đi, chúng tôi chẳng bao giờ quên lời chào khi tiếp xúc với mọi người.
Một lần khác vào năm 1956, trong một buổi tối, anh em trong cơ quan trong Phủ Chủ tịch được nghỉ xem phim. Khi mọi người đã tập trung đầy đủ, tổ chiếu phim đã chuẩn bị sẵn sàng phục vụ thì Bác đến.
Thấy Bác cùng ra bãi xem phim, tất cả mọi người không ai bảo ai tất cả đều đứng dậy và vỗ tay chào đón Bác. Bác ra hiệu cho tất cả ngồi xuống.
Lát sau, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng ra xem phim thì không ai đứng dậy chào cả. Khi chương trình phim chuẩn bị bắt đầu thì đột nhiên Bác đứng dậy nói: “Bác muốn hỏi các cô, các chú tại sao khi Bác ra thì các cô các chú đứng dậy chào còn khi thấy chú Đồng đây là Thủ tướng đến mà chẳng thấy ai chào hỏi gì cả là sao vậy? Như thế là “bên trọng, bên khinh”.
Mọi người xem phim hôm ấy đều rút ra cho mình một bài học quý giá về cách ứng xử từ lời nhắc nhở của Bác.
Một lần tôi đang đứng gác thì thấy Bác Hồ đang đi lên sàn nhà. Đến chỗ tôi, bất ngờ Bác dừng lại. Tôi đứng nghiêm chào Bác nhưng lúc đó chân tay run cầm cập.
Bác tiến lại nói: “Ở đây không chỉ có Bác và các đồng chí Trung ương mà còn có khách quốc tế ra vào, người cảnh vệ phải có phong cách nghiêm túc, chững chạc”.
Nói rồi Bác đưa tay lên cài lại chiếc cúc áo mà tôi đã qyên cài. Từ đó về sau tôi và các đồng chí trong đơn vị luôn nhắc nhở nhau kiểm tra cẩn thận tác phong của mình trước khi làm nhiệm vụ.
Trong một buổi làm việc, hôm đó có các nhà báo đến chụp ảnh để đưa tin, lúc ấy có một Nhà báo chưa kịp chụp được ảnh, Bác liền hỏi: “Chú chưa chụp được ảnh phải không?".
Thế là Bác quay lại đứng vào chỗ cũ để cho chú nhà báo đó chụp được ảnh như mong muốn hoàn thành được nhiệm vụ viết tin bài. Dù việc lớn việc nhỏ Bác đều rất tâm lý, tạo mọi điều kiện cho mọi người hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Một lần, Bác lên thăm lại chiến khu Việt Bắc, khi đi Bác đi xe ôtô nhưng lúc về các đồng chí ở Bộ Quốc phòng biết chuyện đã cho một chuyến máy bay lên đón Bác về.
Bác không đồng ý. Bác bảo: “Các chú đưa máy bay lên thì các chú tự đưa về, Bác không đi, trong lúc dân ta còn đói khổ, phải chi viện cho Miền Nam mà các chú lại lãng phí như vậy”.
Là Chủ tịch nước bác có quyền được sử dụng các phương tiện vận tải linh hoạt để phục vụ cho các chuyến đi thăm làm việc. Song thấy dân mình còn nghèo, nước mình vừa ra khỏi chiến tranh còn nhiều thống khổ nên người rất tiết kiệm.
Ông Nguyễn Ngọc Châu luôn nâng niu những bức ảnh chụp cùng đồng đội
Ông Châu tiếp tục kể, vinh dự lớn nhất trong cuộc đời tôi trong 10 năm làm nhiệm vụ bảo vệ Bác là được một lần đón tết cùng Bác. Đó là ngày 1/1/1958, tôi được anh em trong đại đội tín nhiệm thay mặt viết thư chúc tết Bác Hồ.
Sau khi hoàn thành, được cả đại đội tập trung góp ý và thông qua. Sau đó cả đại đội nhất trí cử tôi đi đón tết cùng Bác. Thấy tôi còn trẻ (lúc đó mới 22 tuổi) mọi người ưu tiên ngồi lên phía đầu, gần đối diện với với Bác và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Bắt đầu buổi lễ, Bác đứng dậy nói: “Năm qua, Bác cháu ta ở chiến khu về Hà Nội tiếp quản, các cô, các chú đã làm được nhiều việc tốt.
Hôm nay đầu xuân năm mới, Bác tổ chức đón Xuân và chúc sức khỏe các cô các chú; mong các cô các chú làm việc tốt hơn nữa”. Mọi người vỗ tay hồi lâu.
Rồi Bác nâng ly mời tất cả cùng vui tết. Bác đến tận từng người hỏi qua về công việc và chạm ly chúc mừng. Khi Bác đến chỗ tôi, do quá hồi hộp, tôi đã làm cốc bia sóng sánh suýt đổ ra ngoài.
Thấy vậy, Bác bảo: “Cháu cẩn thận kẻo đổ bia”. Cũng năm 1958, trong một phiên đứng gác dưới sàn của tôi, tôi thấy Bác làm việc quá khuya rồi nên tôi bèn nhẹ nhàng lên cầu thang đến phòng làm việc của Bác, lễ phép thưa với Bác: "Thưa Bác! Khuya rồi mời Bác đi nghỉ ạ!". Bác hỏi lại “Mấy giờ rồi chú?”. "Thưa Bác, hơn 11 giờ rồi ạ!”. Bác liền chấp hành nghiêm chỉnh, sắp xếp giấy tờ, sổ sách gọn gàng trước lúc đi nghỉ.
Sau 35 năm nghỉ hưu trở với cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Ngọc Châu vẫn lu
ôn tham gia các hoạt động tại địa phương. Mặc dù tuổi, thường xuyên phải chống chọi với bệnh tiểu đường hơn chục năm nay nhưng ngày nào ông cũng có thói quen dậy sớm tập thể dục.
Những bức ảnh kỷ niệm chụp cùng đồng đội luôn được ông giữ gìn cẩn thận. Với ông những ngày trong quân ngũ, đặc biệt 10 năm được làm lính bảo vệ Bác Hồ là thời gian có ý nghĩa nhất.
Theo: gdtd.vn