Đồng tình từ trên xuống dưới
Trong đơn gửi Báo Giáo dục Việt Nam, đại diện gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch tại các huyện Phú Giáo, thị xã Tân Uyên (Bình Dương) cho rằng: Sau khi nghiên cứu các văn bản pháp luật và hướng dẫn của các sở ngành, họ đã đồng loạt lựa chọn công nghệ sản xuất gạch Hoffman để thay thế công nghệ sản xuất gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường. Mỗi lò Hoffman, các doanh nghiệp phải tiêu tốn khoảng 8 – 10 tỷ đồng.
Đại diện gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman gửi đơn kêu cứu đến Báo Giáo dục Việt Nam. |
Vì sao gần 200 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch ở Bình Dương lại lựa chọn công nghệ Hoffman? Bởi, tại Quyết định số 115/2001/QĐ-TTG ngày 01/8/2001 của Thủ tướng Chính phủ quy định về “Quy mô và công suất: lựa chọn quy mô sản xuất phù hợp, kết hợp giữa quy mô lớn, vừa và nhỏ, trong đó phát huy tối đa năng lực của các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện có, đồng bộ hóa để tận dụng những thế mạnh tại chỗ về nguyên vật liệu, thị trường nhân lực, nhất là với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên”.
Nghị định số 124/2007/NĐ-CP ngày 31/7/2007 cũng quy định: “Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng: Lựa chọn, quyết định về công nghệ chế biến, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật".
Tại Công văn số 25/BXD-VLXD ngày 26/4/2010 của Bộ Xây dựng nói rõ: Định hướng của Bộ Xây dựng đối với lò nằm Hoffman là chỉ đầu tư ở những khu vực có thị trường tiêu thụ thấp, năng lực nhà đầu tư hạn chế và quá trình đầu tư phải đảm bảo”.
Đến ngày 01/6/2012, Bộ Xây dựng tiếp tục có Công văn số 896/BXD-VLXD với nội dung: “Các dự án nằm ở khu vực các xã thuộc huyện miền núi của các tỉnh xây dựng lộ trình chấm dứt hoạt động chậm nhất đến hết năm 2017 với lò thủ công, thủ công cải tiến và chậm nhất đến năm 2020 với lò đứng liên tục; Với lò vòng, lò vòng cải tiến (có nơi gọi là Hoffman) không sử dụng nguyên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu của ngành nông nghiệp (trấu, mùn cưa, vỏ hạt điều…) tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể cho phép tồn tại…”.
Ngày 03/12/2010, Sở Xây dựng cũng có Tờ trình số 2134/TTr-SXD-KTVLXD với nội dung: "Đề nghị UBND tỉnh thu hồi chủ trương không cho xây dựng lò Hoffman trên địa bàn tỉnh… Lý do: Mô hình thú điểm lò gạch Hoffman cải tiến đốt than đá ở Phú Giáo do Sở Khoa học và Công nghệ triển khai đã được đánh giá đạt yêu cầu về môi trường và chất lượng sạch".
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương, Sở Khoa học Công nghệ đã thực hiện thí điểm mô hình xây dựng lò Hoffman tại Công ty TNHH MTV Việt Linh ở huyện Phú Giáo kết quả: đạt yêu cầu về chất lượng gạch và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Tuynel và Hoffman: Cuộc cạnh tranh không lành mạnh?
Theo đại diện các doanh nghiệp sản xuất gạch theo công nghệ Hoffman thì do công nghệ này giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường và chất lượng sản phẩm đảm bảo quá trình xây dựng. Hơn nữa, chi phí đầu tư cho lò Hoffman vào khoảng 8- 10 tỷ đồng/lò, còn Tuynel thì khoảng 20 – 30 tỷ đồng.
Giá thành Tuynel cao gấp đôi gạch sản xuất công nghệ Hoffman. |
Vì tận dụng các phế liệu của ngành nông nghiệp làm nguyên liệu nên giá thành của Hoffman thấp bằng 1 nửa của Tuynel. Do đó, đa phần người dân, đặc biệt là người dân nghèo khi xây dựng đều lựa chọn sản phẩm gạch Hoffman. Điều này dễ hiểu khi gạch Tuynel kém sức cạnh tranh so với Hoffman trên thị trường vật liệu xây dựng. Như vậy, nếu công nghệ Hoffman bị “xóa sổ” thì chỉ còn gạch Tuynel “một mình một chợ” độc quyền trong phân phối sản phầm và có thể thoải mái đẩy giá thành lên cao.
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch Hoffman khi chúng tôi gặp đều tỏ ra bức xúc và nghi ngờ có điều gì "khuất tất" trong các văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương. Những nghi vấn này không phải là không có cơ sở, câu trả lời “thấu tình đạt lý” xin nhường lại cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương?
Theo: GDVN