Để mưu sinh, ông Trương (tên đã thay đổi) và vợ quyết định mở một quán ăn nhỏ. Vốn liếng không nhiều nhưng họ rất hy vọng có thể kinh doanh thật tốt cửa hàng nhỏ bé của mình.
Họ đặt cho quán cái tên nghe rất thân thương: "Quán cơm nhà làm". Vì không có vốn nên quán chỉ kê 5 cái bàn cũ. Nhận định rằng ban đầu có thể khách không đông nên 5 chiếc như vậy là đã đủ dùng.
Thế nhưng, tình hình có vẻ còn thê thảm hơn cả dự tính của họ. Một thời gian dài từ lúc mở cửa hàng, việc kinh doanh chẳng được như ý.
Ông Trương ngoài kỹ năng nấu ăn ra cũng không biết làm gì khác nên sau khi suy đi tính lại, hai vợ chồng quyết định sẽ đối mặt với thử thách này. Họ tiếp tục nâng cao tay nghề nấu nướng để lấy chất lượng làm nền tảng thu hút thực khách.
Không phụ công người cần mẫn, quán ăn bắt đầu đồng dần, tiếng tăm của quán cũng dẫn được lan truyền ra các khu vực xung quanh.
Bất ngờ một hôm, ông Trương nhận được một hóa đơn chuyển tiền, trên đó hiển thị khoản tiền 2 triệu NDT (khoảng 6,6 tỉ đồng) từ trên trời rơi xuống! Tất nhiên lúc nhận được tờ hóa đơn đó, người đàn ông trung niên bất ngờ đến mức không nói lên lời.
Cầm tờ hóa đơn trên tay, ông cảm thấy có điều gì đó không đúng, cho rằng mình nhìn nhầm… Nhưng không, tên người nhận trên hóa đơn rõ ràng ghi là Trương Trường Hữu và đó là tên ông. Vậy thì đúng là khoản tiền này được gửi đến cho mình rồi.
Tuy nhiên, vốn là một người thật thà chất phác, vợ ông sau khi biết chuyện đã nhắc chồng tuyệt đối không được dùng đến khoản tiền này bởi theo bà, "nhất định là ai đó đã gửi nhầm rồi!"
Trong lúc cả hai còn đang lấy làm băn khoăn, ông Trương tiếp tục phát hiện bên cạnh tờ hóa đơn chuyển tiền còn có một bức thư, bên trong có viết tên người chuyển khoản là Thạch Nhã Văn.
Hai vợ chồng chủ quán cơm, vợ nhìn chồng, chồng nhìn vợ, không ai biết Thạch Nhã Văn là ai.
Về sau, tiếp tục đọc hết bức thư, họ mới dần nhớ ra một chuyện.
Thì ra Thạch Nhã Văn là người cùng quê với họ. Thời trẻ, bà ra ngoài làm ăn, khi về già, bà trở về thăm lại quê hương. Không còn bạn bè người thân, trên đường về bà lại bị trộm mất ví tiền.
Rơi vào cảnh ngộ bế tắc, người phụ nữ cao tuổi bước vào quán của vợ chồng ông Trương dè dặt hỏi: "Có thể cho tôi ăn một bữa không?"
Trái với suy nghĩ ban đầu, bà không thể ngờ vợ chồng chủ quán lại nhiệt tình với mình đến thế. Trước khi đi, họ còn gói cho bà một túi hoa quả lớn.
Bị mất cắp, trong lòng vô cùng buồn bã nhưng hành động của chủ quán đã khiến bà Thạch rưng rưng nước mắt. Được gặp gỡ những người lương thiện ở nơi mình đã từng lớn lên, bà Thạch bỗng cảm thấy ấm áp lạ thường.
"Tôi bị mất tiền, vốn dĩ cảm thấy rất buồn. Thế nhưng anh chị đã cho tôi cảm nhận được tình quê hương ấm áp, khiến tôi yêu quê hương hơn."
Sau khi ăn xong, bà Thạch rời quê đến thành phố khác nơi con cái bà đang sinh sống.
Tuổi cao sức yếu, người phụ nữ già cũng đến lúc gần đất xa trời. Với bà Thạch, kỷ niệm đẹp đẽ khiến bà nhớ mãi đó chính là lòng tốt của vợ chồng chủ quán cơm.
Đúng lúc bà cần giúp đỡ nhất, họ đã không tính toán đưa tay ra giúp bà, tấm lòng đó đáng quý, đáng trân trọng biết bao.
Cho dù có qua đời, bà cũng không cảm thấy nuối tiếc nữa, bởi trong cuộc đời mình, bà đã gặp được những người lương thiện nhất. Và để tri ân tấm thịnh tình đó, trước lúc ra đi, bà đã dặn dò con cái chuyển 2 triệu NDT cho vợ chồng ông Trương.
Đọc xong bức thư, hai vợ chồng người chủ quán cơm không biết nước mắt rơi từ khi nào. Họ lấy làm thương tiếc trước sự ra đi của người phụ nữ già mới có duyên gặp gỡ một lần duy nhất và chưa kịp xin lại địa chỉ.
Vì không biết nơi bà cụ ở nên họ đành mua tiền vàng, hướng về phía bà cụ đã đi để tiễn biệt, bày tỏ lòng thành kính và biết ơn.
Lời bình
"Thiện hữu thiện báo, ác giả ác báo" – từ bao đời nay, câu nói này vẫn được lưu truyền và bảo lưu giá trị. Câu chuyện trên đây chẳng phải là một ví dụ điển hình đó sao?
Theo soha.vn