Ông Nguyễn Thái Toàn ,Chủ tịch UBND xã Kỳ Lạc
Gian khó đã dần xa…
Từ năm 2010 trở về trước, vào mùa mưa xã Kỳ Lạc trở thành một “ốc đảo” ngăn cách với miền xuôi do bị chắn bởi 2 ngọn núi Rú Cồng và Động Điếm. Mặt khác, hệ thống đường sá cầu cống, tràn vượt lũ ở đây còn hạn chế dẫn tới việc là vùng núi cao nhưng mỗi khi có mưa lớn, kéo dài là bị ngập úng. Tuyến đường từ Kỳ Lâm vào xã Kỳ Lạc chỉ chừng 10 km bấy giờ trở thành nỗi ám ảnh vì có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra trong mùa mưa lũ.
Cũng vì giao thông đi lại quá cách trở nên bao đời nay, cuộc sống của người dân Kỳ Lạc gần như tách biệt với miền xuôi, tự cung tự cấp là chính. Tỷ lệ hộ nghèo tại xã Kỳ Lạc luôn ở ngưỡng và xấp xỉ 40%. Mặc dù thế mạnh của Kỳ Lạc là rừng, sống giữa rừng bao bọc xung quanh nhưng do đường sá chuyên chở khó khăn, chi phí cao lại bị ép giá nên thu nhập chẳng đáng là bao. Toàn xã có trên 8.000 ha đất nông nghiệp, trong đó chỉ có 70 ha diện tích trồng lúa, chia đều cho gần 4.000 nhân khẩu, diện tích đất còn lại chủ yếu để trồng các loại cây thường cho thu nhập thấp.
Là xã thuần nông nhưng người dân Kỳ Lạc vẫn chỉ ước không phải đi mua hạt thóc về ăn mà đâu có được. Có một nghịch lý tồn tại ở đây là hàng hóa sản xuất ra được bán với giá rất bèo trong khi lượng lương thực, nhu yếu phẩm, phân bón phục vụ cho sản xuất được tư thương đem đến bán với giá cao ngất ngưởng. Cũng bởi... đường sá đi lại quá khó khăn.
Trở lại lần này, xã Kỳ Lạc đón chúng tôi bằng con đường rộng thênh thang với tổng số vốn đầu tư lên đến 82 tỷ đồng dài xấp xỉ 10 km từ xã Kỳ Lâm về Kỳ Lạc và chỉ mất chừng hơn 10 phút đồng hồ. Còn quá sớm để tin rằng kinh tế xã Kỳ Lạc sẽ có bước phát triển nhanh nhưng khi ranh giới được dỡ bỏ bằng một con đường chí ít cũng là điều kiện lý tưởng giúp xã nghèo Kỳ Lạc bắt kịp với miền xuôi.
Tuyến tỉnh lộ 22 từ xã Kỳ Lâm về Kỳ Lạc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng
Diện mạo mới đang hình thành…
Từ khi “có đường” Kỳ Lạc đã thay đổi hoàn toàn về bộ mặt của một xã nghèo. Với diện tích tự nhiên 12.250 ha, 70% là đất sản xuất nông nghiệp, diện tích chủ yếu là vùng đồi núi; tuy nhiên những năm gần đây với tâm lý phấn khởi, cán bộ, nhân dân trong xã đã phát huy tiềm năng và lợi thế trên địa bàn. Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã triển khai nhiều biện pháp và bước đi thích hợp phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế toàn diện và bền vững. Xã từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tập trung phát triển kinh tế, mũi nhọn là trồng cây công nghiệp dài ngày, kết hợp trồng rừng với cây nguyên liệu, chủ yếu là keo, tràm, thông, nâng tổng số rừng trồng lên là 4.000 ha.
Kỳ Lạc phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ theo định hướng kinh tế thị trường, thoát khỏi tình trạng kinh tế tự cung tự cấp như trước đây. Bên cạnh tận dụng sản phẩm phụ của ngành trồng trọt, xã khuyến khích mỗi gia đình tự trồng trang trại cỏ, thức ăn cho gia súc gia cầm, nhờ đó ngành chăn nuôi đạt mức tăng trưởng khá với 38 trang trại, gia trại vừa và nhỏ của người dân.
Giao thông thông suốt đã khuyến khích các ngành TTCN, thương mại dịch vụ trên địa bàn phát triển và có nhiều bước chuyển biến tích cực, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các ngành nghề phát triển đa dạng với nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất vật liệu xây dựng, cát sỏi, sản xuất gạch, sửa chữa cơ khí, chợ nông thôn được nâng cấp, các dịch vụ vận tải, bưu điện viễn thông được mở rộng, tạo điều kiện cho bà con toàn xã lưu thông hàng hóa với các vùng khác. Từ những bước phát triển đó, đời sống của người dân nơi đây đã thay đổi: hộ nghèo từ ngưỡng 40% năm nay đã giảm xuống còn khoảng 23,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 15 triệu/người/năm (trong đó có nhiều hộ gia đình nhờ trồng cây keo đã cho thu nhập 60 – 70 triệu đồng/năm).
Sự quan tâm giúp sức của các ban ngành từ Trung uơng tới địa phương, tinh thần năng động của Đảng bộ, chính quyền xã và sự ủng hộ của nhân dân; Kỳ Lạc đã thực sự khoác lên mình một tấm áo mới với những đường nét tươi trẻ tràn đầy sức sống. Chúng tôi tin rằng với sự nỗ của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Kỳ Lạc sẽ dần khẳng định được vị thế là một xã phát triển mạnh và toàn diện của huyện Kỳ Anh trong thời kỳ hội nhập và phát triển
Bài, ảnh: Thành Hồng