Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hộiMẹ VN anh hùng được cộng điểm thi ĐH và chuyện “chính sách máy lạnh”

Mẹ VN anh hùng được cộng điểm thi ĐH và chuyện “chính sách máy lạnh”

Thứ sáu, 12 Tháng 7 2013 04:24
Mẹ Trần Thị Nguyệt, SN 1890, ở thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Mẹ Trần Thị Nguyệt, SN 1890, ở thôn Thủy Diện, xã Phú Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Mẹ Việt Nam anh hùng được cộng điểm thi ĐH-CĐ. Đọc tin này, nhiều người ngửa cổ lên trời mà than: từ ngày có Quy chế đến nay, còn chẳng tìm được con của mẹ VNAH nào đi thi chứ nói gì đến mẹ! Người khác lại đùa: Chắc Bộ Học định viết là “Cháu nội, cháu ngoại của Mẹ Việt Nam anh hùng… nhưng cậu đánh máy lại quên, sót mất cụm từ đầu?

1. Thông tư số 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định tại quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy vừa được Bộ Giáo dục & Đào tạo ban hành đã được dư luận gọi là “chuyện khó tin nhưng có thật”. 

Theo Thông tư này, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng (Mẹ VNAH); Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945… khi đi thi đại học sẽ được cộng 2 điểm ưu tiên.
Đọc tin này, nhiều người ngửa cổ lên trời mà than: từ ngày có Quy chế đến nay, còn chẳng tìm được con của mẹ VNAH nào đi thi chứ nói gì đến mẹ! Người khác lại đùa: Chắc Bộ Học định viết là “Cháu nội, cháu ngoại Mẹ VNAH…” nhưng cậu đánh máy lại quên, sót mất cụm từ đầu?
Tuy nhiên, không còn là dự thảo; văn bản đã giấy trắng mực đen, có hiệu lực từ ngày 19.8 tới nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể đổ cho “lỗi của cậu đánh máy” hay gì gì khác được. Và dù Lãnh đạo Bộ có giải thích thế nào, có bao biện là… để phòng xa, thì với thực tế sờ sờ ra đó, người ta cũng không thể dùng từ nào khác ngoài từ ẩu, máy móc để nhận xét.
Thực ra, nói vụ việc trên là “chuyện khó tin nhưng có thật”, nhưng dư luận gần đây cũng đã quá quen với những “chính sách trời ơi”, “chính sách máy lạnh”, bất khả thi… rồi nên chẳng còn hơi sức mà ngạc nhiên nữa.
Việc Mẹ VNAH được các nhà soạn luật Bộ GD&ĐT "ưu tiên” cộng hai điểm khi thi đại học cũng “đại loại” chuyện Bộ Công an đề xuất phạt 1 triệu đồng nếu đuổi vợ ra ngoài trời mưa; chuyện Bộ Nông nghiệp cấm bán thịt sau 8 giờ giết mổ; chuyện Bộ Giao thông đề nghị phạt xe không chính chủ; chuyện Bộ Xây dựng cấm kiến trức nhại Pháp... vv và vv.
2. Còn nhớ cách đây hơn 1 năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm một việc chưa có tiền lệ là không chấp nhận cho trình ra kỳ họp Quốc hội 2 dự án Luật Việc làm và Luật Hộ tịch đã có trong chương trình. Lý do đơn giản là vì chất lượng soạn thảo các dự án luật này chưa đạt yêu cầu, các chính sách chưa được làm rõ. 
Quyết định trên của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là việc cực chẳng đã, nhưng lại rất cần thiết. Việc làm này có thể xác lập tính kỷ luật cao hơn, cũng như những đòi hỏi mới cho quy trình soản thảo văn bản pháp luật.

Cứ nhìn vào cách soạn thảo 2 văn bản pháp luật nói trên chúng ta sẽ thấy đó là quá trình cố gắng đi tìm nội hàm cho những cái tên văn bản luật đã có sẵn chứ không phải là soạn luật để giải quyết vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Về nguyên tắc, chúng ta phải nhận biết vấn đề của cuộc sống trước, rồi mới bắt đầu làm luật sau. Mọi vấn đề phát sinh trong cuộc sống đều có nguyên nhân. Mọi nguyên nhân đều phải có được một giải pháp để xử lý. Giải pháp đó được gọi là chính sách.Không rõ chính sách thì không thể soạn thảo ra văn bản pháp luật phù hợp.

Chính vì vậy, tìm hiểu nhu cầu, khảo sát thực tiễn trước khi ban hành luật, hay còn gọi là phân tích chính sách chính là công đoạn đầu tiên trong quy trình lập pháp ở nhiều nước. Đầu có xuôi đuôi mới lọt, chỉ khi đã nhận biết và tìm hiểu kỹ lưỡng các vấn đề của cuộc sống đang đặt ra mới có thể soạn thảo ra những đạo luật thích hợp. 
Tuy nhiên, ở ta, việc này chưa được coi trọng. Khi các cơ quan lập dự kiến chương trình xây dựng chính sách, pháp lệnh, các yếu tố của phân tích chính sách chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ và chủ yếu giải thích sự cần thiết của danh sách các văn bản với lời lẽ chung chung, nhằm mục đích “giữ chỗ”, để có kinh phí triển khai hoạt động. Thậm chí, người ta thấy cần ban hành luật vì “ngành họ có luật thì ngành ta cũng phải có luật”. 
Khi gặp những thất bại trong việc đề xuất, ban hành hay triển khai một chính sách nào đó, những “tác giả” của chúng thường hay thắc mắc: Tại sao một chính sách có mục đích tốt đẹp đến như vậy mà lại bị tẩy chay, lại không thể thành hiện thực? Câu trả lời là do sự quan liêu của đề xuất, của chính sách; là khoảng cách giữa nó và cuộc sống. Chính sách ấy không từ thực tế cuộc sống mà ra nên nó không thể đi vào cuộc sống mà cứ chạy song song với cuộc sống.
Hệ quả của việc này thì ai cũng rõ, đó là tình trạng “luật cần thì không có, luật có thì không cần”; có cả một “rừng” luật mà nhiều khi xã hội vẫn phải dùng đến… 'luật' ...; các dự thảo nhiều phải soạn đi soạn lại vẫn không nên hồn, ban hành rồi thì liên tục bổ xung, chỉnh sửa; có quá nhiều luật “khung”, luật “ống”, luật “treo” chất lượng kém, vừa đưa vào thực hiện đã “chết yểu”.
3. Một câu chuyện khác.
Cuối năm 2012, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã cùng Viện Khoa học xã hội Việt Nam ký một thoả thuận hợp tác với mục tiêu chính là để phối hợp nâng cao chất lượng, tạo sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội đối với các chương trình, đề án, chính sách của Bộ này.

Chia sẻ tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Đinh La Thăng than rằng, cứ mỗi lần bộ ông đề xuất chính sách hoặc ban hành chính sách là y như rằng dư luận phản ứng rất mạnh, mạnh đến mức, có lần, ông phải gọi đó là “những trận mưa đá dư luận”. Và ông kỳ vọng điểm yếu đó sẽ được khắc phục sau thoả thuận hợp tác nêu trên.
Có thể nói, trong tình trạng nhiễu luật ở Việt Nam ta ngày một nhiều và gây nhiều phản ứng, phản cảm của xã hội thì việc Bộ GTVT nỗ lực “tìm thầy, tìm thuốc” cứu chữa căn bệnh “thiếu sự đồng thuận xã hội” thực sự là điều đáng mừng, đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, để một chính sách đi vào cuộc sống, tránh được những “cơn mưa đá dư luận” thì nếu chỉ dừng ở mức để tránh “bị hiểu một cách phiến diện, chưa chính xác” (như ông Thăng nói) và để “tăng cường trao đổi và thẩm định, phản biện” (như ông Thắng, Viện trưởng Viện KHXHVN hy vọng) thôi thì e là chưa đủ. Và nói thẳng ra thì đó mới chỉ là cách để PR phòng chống khủng hoảng dư luận chứ chưa đi sâu vào vấn đề tồn tại.
Hãy đặt câu hỏi: Những cơn “mưa đá” ấy đến từ đâu?
Sự yếu kém trong việc tuyên truyền, giải thích pháp luật chỉ là một khía cạnh và là bề nổi. Điều căn bản khiến những chính sách, quyết sách ấy vấp phải sự phản ứng của dư luận là bởi chúng không xuất phát từ cuộc sống, không phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của cuộc sống, của người dân.

Hãy tìm đến “nguồn” của cơn “mưa” mà tìm giải pháp. Để có một chính sách phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, khâu quan trọng nhất chính là lắng nghe ý kiến của dân, điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu từ thực tế làm cơ sở cho việc nghiên cứu, hình thành chính sách. Việc thẩm định, phản biện chỉ là một khâu trong quá trình này. Và trên hết, người làm chính sách cần có cái tâm vì dân, vì nước.
Khi nào còn ý nghĩ “mình đúng” chỉ tại “dân hiểu sai” thì những cơn “mưa” sẽ vẫn còn; thậm chí, “bão” sẽ xuất hiện.
4. Trở lại với những nghị định, thông tư “chậm, ẩu, đoảng” nêu trên.Trách người soạn luật thì cũng cần trách người kiểm soát, thẩm định, kiểm tra văn bản pháp luật. Người soạn thảo ẩu, thiếu trình độ đã đành nhưng còn bộ phận rà soát và người ký thì đi đâu? Họ đã đọc chưa? Nếu đọc rồi thì chẳng lẽ…
Người ta bảo, chuyện này phải bắc thang lên hỏi… Bộ Tư pháp. Bộ Tư pháp đang ở đâu và làm gì mà không "tuýt còi" những văn bản "trên trời" này?

Hỏi xong lại tự mình hỏi một câu hỏi rằng: Liệu Các bác ấy có cũng đang… ngồi máy lạnh!?

Theo: GDVN

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516