"Thực tế, nhiều công chức có nhiều tài sản tiền bạc, nghĩa là họ rất giàu nhưng chắc chắn không phải do lao động", ông Vũ Phạm Quyết Thắng nói.
Sau khi đăng bài “Chức vụ là bệ đỡ để... giàu có”, chúng tôi đã nhận được ý kiến của ông Vũ Phạm Quyết Thắng, nguyên Phó tổng Thanh tra Chính phủ bàn luận thêm về vấn đề cán bộ, công chức có được làm giàu.
Nên khuyến khích
Trong tiến trình đổi mới đất nước, sự đổi mới đầu tiên là đổi mới về nhận thức, đổi mới về tư duy, mà trước hết là tư duy kinh tế. Phạm trù dân giàu nước mạnh được khẳng định trong mục tiêu xây dựng đất nước của Đảng ta. Nó thể hiện việc khuyến khích làm giàu cho mọi tầng lớp dân cư và coi đó là tiền đề để nói về sự giàu mạnh của một quốc gia.
Cán bộ, công chức trước hết cũng là công dân, sự bình đẳng giữa các công dân cho phép và khuyến khích công chức làm giàu. Công chức giàu có là tốt, vấn đề cơ bản là bằng cách nào mà công chức giàu có. Nếu sự giàu có của công chức không dính líu đến tham ô, tham nhũng, đến việc lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi mà dựa trên chính sức lao động của mình để có thêm thu nhập, thậm chí là thu nhập cao (trên cơ sở của luật pháp và các quy định của các tổ chức xã hội mà công chức đó đang sinh hoạt) thì đó là sự giàu có chính đáng nên khuyến khích.
Tuy nhiên, cũng cần có định lượng (dù là tương đối) để giải thích về lượng và chất của cái gọi là giàu có này, chẳng hạn: Mức thu nhập so với lương đến cỡ nào là đủ ăn đủ mặc, cỡ nào là rủng rỉnh tiền bạc, cỡ nào là nhiều tiền bạc, nhiều tài sản có giá trị, ở thang bậc nào thì có thể coi là sự giàu có...
Sự giàu có của công chức cần phải phân định rõ chứ không thể vơ đũa cả nắm được. Cần nói lại cho rõ rằng chức vụ, quyền hạn là điều kiện tốt cho kẻ cơ hội lợi dụng để tham nhũng, trục lợi làm giàu. Vì thế, đã có không ít người tìm cách để có chức vụ nhằm đầu cơ trục lợi. Xã hội ta, nhân dân ta không chấp nhận cách làm giàu đó.
“Cháy nhà mới ra mặt chuột”
Thực tế thì nhiều công chức có rất nhiều tài sản tiền bạc, nghĩa là họ rất giàu nhưng chắc chắn không phải do lao động của họ làm ra. Chúng ta vẫn nghe câu đại ý rằng ở các nước phương Tây thì người giàu có đi làm chính trị, còn ở Việt Nam nhiều kẻ đua nhau đi làm chính trị để được giàu có. Tôi nghĩ đó là suy luận theo cảm tính. Chúng ta không có quyền phỏng đoán, đánh giá về sự giàu nghèo của công chức như vậy. Chỉ khi nào chúng ta có đủ chế tài để kiểm tra và giám sát tài sản của công chức thì chúng ta mới có thể biến một giả định thành một khẳng định thế này hay thế kia.
Ở ta, qua sự giám sát, phát hiện của quần chúng, qua sự điều tra của các cơ quan chuyên môn, một số vị quan chức rơi vào cảnh “cháy nhà mới ra mặt chuột” khi dính vào vòng lao lý mới lộ ra họ đã giàu có ra sao và bằng cách nào. Chính vì chúng ta đã có quy định kê khai tài sản đối với công chức nhưng chúng ta chưa có chế tài để xem xét thực hư về sự giàu có của họ cho nên mọi thứ vẫn chỉ là dư luận, là câu chuyện nhỏ to chỗ này chỗ kia mà thôi, như thế chỉ làm tăng thêm tính hư hư thực thực cùng với những bức xúc của đông đảo quần chúng nhân dân.
Quan niệm trong xã hội vẫn coi việc quan chức giàu có là có sự khuất tất, tham ô. Dĩ nhiên, không phải ngẫu nhiên mà có tâm lý đó. Nếu chúng ta có quy chuẩn đúng mực về công chức, luật công chức và quy định về tham nhũng rõ ràng, chế tài xử phạt đầy đủ thì công chức sẽ không phải là nơi người ta chạy vào để làm giàu. Việc buông lỏng chế tài pháp lý, thiếu mất sự tổ chức kèm cặp cán bộ chặt chẽ, ràng buộc cán bộ ở những quy định cụ thể thì ta phải chịu hậu quả thôi. Do vậy, cần phải khắc phục những thiếu sót, hạn chế này để việc giàu có của cán bộ công chức bớt đi những dị nghị, nghi ngờ; đồng thời khuyến khích họ biết làm giàu, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Theo: kienthuc.net.vn