Thiếu lao động trầm trọng
Đi về các làng quê những ngày này, rất khó để tìm được… thanh niên. Hầu hết họ đã xuôi tàu xe vào Nam hoặc lên Hà Nội để làm thuê, chứ nhất định không chịu ở lại làm ruộng. Trò chuyện với phóng viên, ông Lê Duy Thắng – Chủ tịch UBND xã Thiệu Giao (Thiệu Hóa, Thanh Hóa) cho biết thực trạng là dân số của xã liên tục… giảm theo các năm.
Cụ thể năm 1993 xã có khoảng 11.000 khẩu, thì thời gian qua đã có 4.000 người cắt khẩu, thì hiện chỉ còn 7.780 khẩu/2.300 hộ. Tuy nhiên, số khẩu thực tại ở địa phương chỉ còn 2.400 khẩu, bởi hơn 90% số người trong độ tuổi lao động đã rời làng đi làm ăn xa.
Đa số lớp trẻ ở huyện Thiệu Hóa, Hậu Lộc (Thanh Hóa) chọn cách học nghề, lên thành phố làm công nhân để “trốn” việc đồng áng (ảnh chụp tại thôn Ngọ, xã Tiến Lộc).
Ông Lê Đình Toàn - Trưởng thôn 1, xã Thiệu Giao cho biết: “Về lý thuyết thôn tôi có 181 hộ/585 khẩu, trong đó 340 người trong độ tuổi lao động, nhưng nhân khẩu thực tại chỉ còn 78 hộ/220 khẩu, trong đó 113 lao động chính”. Cũng vì thiếu lao động nên dù thời vụ đã đến, song trên các cánh đồng ở đây gần như vắng bóng thanh niên, chỉ còn người đứng tuổi cày cấy.
Gặp anh Nguyễn Văn Bình và anh Vì Văn Kiên đang nhổ mạ giữa đồng, chúng tôi tưởng các anh là những thanh niên trong làng, nhưng khi hỏi ra mới biết anh Bình là người ở xã Quảng Trung (Quảng Xương), còn anh Kiên ở xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy) về đây xin đất cấy. Anh Kiên tâm sự: “Mình ở xã miền núi của huyện Cẩm Thủy, cả gia đình 6 khẩu nhưng chỉ có 2 sào ruộng thôi. Được biết ở Thiệu Giao nông dân bỏ hoang ruộng không cấy, nên hai vợ chồng xuống xin ruộng làm”.
Dù diện tích đất canh tác nông nghiệp hiếm, nhưng mấy năm gần đây nông dân ở tỉnh Hà Tĩnh cũng bắt đầu bỏ ruộng. Theo thống kê của Sở NNPTNT Hà Tĩnh, đã có 59 xã có tình trạng nông dân bỏ hoặc trả ruộng. Trong đó có trên 7.500 hộ dân bỏ khoảng 1.300ha và trên 1.200 hộ dân trả hơn 109ha ruộng. Hầu hết các hộ bỏ ruộng giờ đều đã rời bỏ làng quê đi làm ăn xa.
Ông Lê Đình Quang- Trưởng ban Nông nghiệp, kiêm Chủ tịch Hội ND xã Trường Lộc (huyện Can Lộc) cho biết: “Đến nay tại xã Trường Lộc có 33 hộ trả lại đất ruộng với trên 17.000m2. Không chỉ những thửa ruộng cao hay trũng nước, mà có cả những thửa ruộng rất thuận tiện về thủy lợi và dễ làm cũng bị người dân trả”.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại cánh đồng xã Trường Lộc, nhiều mảnh ruộng trước đây lúa phủ xanh nay thành những bãi cỏ để thả trâu. Ngay sau tết, hầu hết thanh niên, con em trong xã đều rời làng để tìm công việc mưu sinh nơi xa hoặc đi học. Ông Nguyễn Huy Thái - một người đã trả hết ruộng cho xã nói: “Hai vợ chồng tôi già rồi, bây giờ làm ruộng không đủ sống, đành trả ruộng về nuôi thêm con gà, con lợn vậy”.
Cũng theo ông Thái, ở đây cứ ngoài rằm tháng Giêng là lớp trẻ trong làng lại bỏ đi làm thuê, làm mướn hết. “Họ rời làng đi làm thuê còn đỡ cực hơn làm ruộng, chứ người già như tôi có muốn làm cũng không ai thuê” - ông Thái tâm sự thật lòng. Ông tính toán: Chi phí để sản xuất 1 sào ruộng (500m2) hết 1,5 triệu đồng, nếu thu được 2,5 tạ lúa, nông dân chỉ lãi chừng 100.000 đồng/sào, trong khi đó có hàng chục khoản phí khác được thu theo đầu sào, bình quân lên đến 250.000 đồng/sào.
Bỏ ruộng nhưng giữ đất
Ruộng muối cũng bị bỏ Hữu Anh |
Ở Thanh Hóa, “nổi tiếng” nhất về bỏ ruộng phải kể đến xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) với diện tích và hộ dân bỏ ruộng lớn nhất tỉnh: 41/380ha đất lúa, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Ngọ (31ha) và Sơn (hơn 10ha), với hơn 90% số hộ dân liên quan.
Theo ông Hoàng Văn Đồng - Chủ tịch UBND xã, sở dĩ người dân 2 thôn này bỏ ruộng nhiều là vì ở đó có nghề cơ khí, rèn từ nhiều năm nay cho thu nhập cao hơn làm ruộng. Hơn nữa do ruộng của hai thôn xa nhà dân, kênh mương tưới tiêu chưa đảm bảo.
Mặc dù bỏ ruộng hoang, nhưng khi chính quyền xã đề nghị trả ruộng, hoặc dồn điền đổi thửa để tạo điều kiện cho người có nhu cầu sản xuất, nhưng đa số người dân không đồng ý. “Họ bảo làm nghề chỉ là “phụ”, nhỡ nghề không phát triển nữa thì họ còn có ruộng để làm. Có người cố giữ ruộng, vì nhỡ có dự án nào vào thu hồi để hưởng tiền đền bù” - ông Đồng cho biết.
Trên đường về xã Tiến Lộc, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp những tấm biến rao “bán đất” cắm trên các thửa ruộng ven đường, ghi đầy đủ số điện thoại. Bấm máy gọi, tôi được một người tên Thương ở xã Tiến Lộc nhấc máy. Qua cuộc ngã giá, anh Thương phát giá 60 triệu đồng/sào ven đường, 40 triệu đồng/sào xa đường. Tâm lý không canh tác nhưng vẫn giữ ruộng cũng diễn ra ở nhiều nơi.
Theo ông Lê Đình Quang- Chủ tịch Hội ND xã Trường Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), tới đây để giải quyết bài toán ruộng bị bỏ hoang, một số địa phương đang có phương án tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Mặt khác, xã Trường Lộc đã nhận lại số đất ruộng người dân trả, sau đó đứng ra thành lập hợp tác xã.
Theo Danviet