Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hộiNỗi buồn đồ chơi Trung thu

Nỗi buồn đồ chơi Trung thu

Thứ tư, 18 Tháng 9 2013 01:57

Ngập tràn đồ chơi Trung Quốc dị biệt, độc hại

Như mọi năm, điểm bán đồ chơi Trung thu lớn nhất Hà Nội năm nay vẫn tập trung ở phố Hàng Mã, Chả Cá, Lương Văn Can. Và cũng như mọi năm, đây lại là dịp để đồ chơi nước ngoài, mà tới 99% là xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm lĩnh thị trường đồ chơi ngày Rằm tháng Tám dành cho trẻ em. 

trung thu

Khách hàng đang “thử”… kiếm phát sáng tại gian hàng bán đồ chơi Trung thu đầu phố Hàng Mã, phía trước là những mặt nạ kinh dị

 

Các mặt nạ ma quỷ như trong dịp lễ Halloween của phương Tây bằng cao su mềm hay nhựa dẻo với giá rẻ nhưng tinh xảo lấn át những đầu sư tử, mặt nạ chú Tễu bồi bằng giấy cứng của các nghệ nhân trong nước. Những thanh kiếm nhựa, gậy ánh sáng, đinh ba Trư Bát Giới đủ màu sắc, đèn cù, đèn lồng nhựa… bán chạy hơn cả đèn lồng, đèn ông sao, đèn cù bằng tre bồi giấy kim trang truyền thống. Đó là một thực tế trên các phố bán đồ chơi Trung thu ở Hà Nội, không chỉ riêng tiết Trung thu năm nay…

Cố kéo hai cậu con trai (5 và 7 tuổi) ra khỏi những gian hàng đồ chơi đầy bạo lực và… kinh dị, chị Lam Thuý (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết chiều con đưa xem chợ đồ chơi Trung thu, nhưng hàng truyền thống ít quá. Muốn mua gửi về làm quà cho đứa cháu ở quê chiếc tàu thuỷ bằng thiếc vốn khá nổi tiếng trong những đồ chơi cổ truyền Hà Nội, tìm mỏi mắt cả buổi mới thấy một cụ già bầy trên chiếc mẹt dăm ba chiếc ở góc phố, nhưng mẫu mã thô kệch, bán khá đắt. Chuyển hướng sang ý định mua một chiếc đầu sư tử bằng giấy bồi, giá từ 100.000 đồng/chiếc trở lên tuỳ kích cỡ to bé, nhưng cách gia công cũng cũng khá cẩu thả, không còn sự chau chuốt từng chi tiết, từng sắc màu như trước đây. 

trung thu2

Đồ chơi súng ống, đồ chơi nhập lậu át đồ chơi truyền thống

Đi cả buổi ở phố Hàng Mã ken đầy người, cuối cùng chị Thuý mới quyết định chọn được mấy chiếc trống cầm tay cổ truyền, thêm dăm chiếc đèn con thỏ bằng giấy xếp của Trung Quốc. “Công nhận họ giỏi thật, hai chục ngàn một cái đèn giấy xếp khá bắt mắt, mỗi năm lại thay đổi màu sắc một lần, phù hợp với các nhân vật hoạt hình mà trẻ đang biết đến. Mình muốn mua cho cháu mấy cái đèn ông sao nhưng không đứa nào chịu, bảo năm trước chơi rồi, chán lắm”, chị Thuý cho biết.

Vốn dị ứng với những món đồ chơi rẻ tiền của Trung Quốc, nhưng anh Đức Giang (Hàng Trống, Hà Nội) cũng phải thừa nhận sự nhạy bén đối với thị hiếu người tiêu dùng của các nhà sản xuất đến từ quốc gia láng giềng này. 

Đưa cô con gái đi mua đồ chơi Trung thu, cô bé chỉ thích chọn mặt nạ của anh chàng ca sỹ Psy đến từ Hàn Quốc, nổi tiếng với vũ điệu Gangnam Style. Anh Giang cho biết nếu như mọi năm, vào những dịp Trung thu như thế này, trên các phố bán đồ chơi của Hà Nội phổ biến nhất là các mặt nạ kinh dị, thì nay chiếc mặt nạ anh chàng Psy béo đeo kính đen ngồ ngộ chiếm thị phần khá lớn, bên cạnh những mặt nạ nhân vật phim “Người sắt”, hay nhân vật hoạt hình “kẻ cắp mặt trăng”, đều do Trung Quốc sản xuất. Dù rất không thích nhưng chiều con, cuối cùng anh Giang phải chọn một chiếc mặt nạ Psy, sau khi đã “thỏa thuận” sẽ mua thêm một chiếc đèn ông sao. Nhìn cô bé sau khi nhận món quà từ tay bố là biết: Đeo ngay chiếc mặt nạ lên mặt, bắt chước điệu “nhảy ngựa” của chàng béo Psy; còn chiếc đèn ông sao, nhất quyết bắt “bố cầm hộ con”.

Đồ chơi truyền thống thất thế trên sân nhà

trung thu3

Hiếm hoi mới có cửa hàng bày bán đồ chơi truyền thống

Sự sôi động của thị trường đồ chơi trẻ em là điều dễ nhận thấy trong những ngày cận kề Tết Trung thu. Tuy nhiên, nét truyền thống trong một dịp được xem là Tết dành cho trẻ em đã và đang mất đi ngay trong các món đồ chơi của trẻ. Trong khi thị trường tiêu thụ đồ chơi trong nước đa phần bị chiếm lĩnh bởi các dòng đồ chơi ngoại nhập, nhập lậu thì các dòng đồ chơi truyền thống cũng cùng chung số phận với các sản phẩm đồ chơi nội địa khác. Tại các chợ đồ chơi, mặt hàng truyền thống, đồ chơi nội địa bị lép vế hoàn toàn hoặc chỉ còn được đem bán rong chứ không có đất để bày bán như các đồ chơi nhập ngoại. Có thể nói, sự “xâm nhập” của những mặt nạ quỷ, súng ống, trang phục cổ quái… đang tạo ra một nét dị biệt cho ngày rằm Trung thu truyền thống.

Trao đổi với chúng tôi, PGS TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hoá và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh – lý giải những nhà sản xuất từ Trung Quốc đã nắm bắt, điều tiết được thị hiếu của trẻ em đối với thị trường đồ chơi nói chung chứ không chỉ riêng thị trường đồ chơi Trung thu. 

“Nhiều người muốn mua hàng Việt, nhất là những đồ chơi truyền thống, nhưng quanh đi quẩn lại cũng chỉ có đèn ông sao, đèn con thỏ, trống, mặt nạ bằng giấy bồi cổ truyền, đơn điệu về kiểu dáng, mẫu mã..; trong khi giá lại khá đắt. Đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc thì vừa cập nhật kịp thời thị hiếu của trẻ, lại có nhiều phá cách, rất hấp dẫn người dùng, nhất là trẻ. Nhất là giá thành vừa phải, chơi xong bỏ đi ngay cũng không tiếc. Vậy nên, không ngạc nhiên khi đồ chơi cổ truyền lại lép vế đến vậy trước đồ chơi Trung Quốc trên thị trường hiện nay” - PGS TS Lê Quý Đức cho biết

Theo: GDTĐ

 

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516