Mới đây, trước ý kiến mà Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đưa ra, có thể thay thế nghĩa vụ quân sự bằng một số hình thức khác, như nộp tiền... đang thu hút nhiều ý kiến và các quan điểm trái chiều từ dư luận. Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với PGS. Văn Như Cương về chủ đề trên.
Công bằng người đi, người ở lại
PV: Khi nghe qua về ý kiến nói rằng, sắp tới có thể chỉ phải đóng một khoản tiền để được miễn đi nghĩa vụ quân sự, ông suy nghĩ gì?
PGS. Văn Như Cương: Tôi cũng có suy nghĩ nhiều về vấn đề này. Đi nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mỗi người công dân, đó là khẳng định. Hiện nay số mình tuyển vào đi nghĩa vụ quân sự chỉ là một phần trăm không nhiều so với toàn bộ thanh niên đến tuổi thực hiện nghĩa vụ đó. Vậy số phần trăm còn lại thì làm gì?
Cho nên tôi nghĩ, nếu đặt vấn đề là một năm tuyển với số lượng nhất định nào đó đi nghĩa vụ 1,5 đến 2 năm, còn những người ở lại lại chẳng nhẽ không đóng góp gì? Nếu chúng ta định ra một quy định làm việc để thay thế cho nghĩa vụ quân sự đó như: Đi dạy học cho trẻ em ở miền núi, hoặc là nếu không thì phải đóng một số tiền, chứ không phải tôi được gọi đi nghĩa vụ quân sự mà tôi đưa một số tiền sẽ không phải đi nữa, tôi không nghĩ theo ý đó.
PGS. Văn Như Cương cho biết, môi trường quân đội sẽ tôi luyện thanh niên có lòng yêu nước hơn bao giờ hết.
Nếu một công dân đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự và đạt đủ tiêu chuẩn đi, còn lại những người không đi do không đủ tiêu chuẩn về sức khỏe hay một lí do nào đó thì không được tuyển, có thể lúc đó đi học đại học, đi làm nghề. Vậy vấn đề đặt ra sẽ có chuyện không bình đẳng giữa người đi và người ở lại trong chuyện mất 1,5 năm trong quân đội và một bên không phải mất 1,5 năm đó, thì người không đủ tiêu chuẩn phải có nghĩa vụ gì đó để được bình đẳng, tôi tán thành chuyện này và thấy hợp lí.
Vì nhà nước ta không thể tuyển tất cả thanh niên vào quân đội được, tuyển vào sẽ lấy tiền đâu để nuôi? Vậy thì những người không đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự phải có nghĩa vụ đóng góp khoản nào đó để nhà nước lấy tiền nuôi những người đủ tiêu chuẩn đi, đặt vấn đề như vậy tôi thấy hợp lí hơn. Chứ không phải ý nghĩa là con tôi được gọi vào quân đội tôi đưa ra một số tiền thì được miễn, cái đó là không phải.
Chúng ta vẫn tuyển vào, ai đủ tiêu chuẩn là phải đi, còn những người ở lại cũng có những nhiệm vụ thay thế cho nghĩa vụ quân sự đó như: Lao động công ích trong bao nhiêu tháng, làm việc công cộng…
Cũng có một số nước quy định nếu thanh niên đến tuổi mà đi một nhiệm vụ gì đó do nhà nước quy định, như dạy tiếng nước mình ở nước khác, thì được miễn nghĩa vụ quân sự, nếu không thì đóng một khoản tiền.
Nếu quy định này được thực thi trong đời sống thì ông có nghĩa rằng chúng ta đang bị yếu tố kinh tế thị trường chi phối, và cái gì cũng có thể quy ra thành tiền được, thậm chí cả trách nhiệm công dân?
Nếu vấn đề thương mại hóa là vấn đề khác, thương mại là tôi gọi anh vào bộ đội, anh đồng ý đi thì đi mà không đồng ý đi thì nộp vào đó khoản tiền.
Tôi đặt vấn đề thí dụ trong tổng số có 1.000 thì lấy chỉ tiêu 100 người đi là phải đi, còn 900 người còn lại phải đóng góp kiểu gì? 900 người này phải làm gì để cũng giúp ích cho đất nước, cho nhân dân? Có thể ở những ở hình thức khác như ra công trường hay một việc gì đó, việc đi làm đó anh phải bỏ tiền ra và nhà nước không nuôi, đó là nhiệm vụ thay thế. Nếu đặt ra vấn đề như thế thì không có thương mại.
Vậy làm thế nào để trong thanh niên không đủ điều kiện đi nghĩa vụ quân sự có được tính tự giác, xác định được trách nhiệm của mình với đất nước?
Cái này phải do luật định, nếu không đi nghĩa vụ quân sự thì phải tham gia vào hoạt động gì đó phục vụ đất nước tùy vào thời gian sắp xếp.
Vậy làm thế nào trong thời bình đi bộ đội cũng là một nghề nghiệp, thanh niên tình nguyện đi bộ đội cũng là tham gia một nghề nghiệp, và trưởng thành trong nghề nghiệp đó cũng như bao nghề nghiệp ở ngoài, là thiếu tá, đại tá, dạy học hay nghiên cứu trong bộ đội cũng như là một nghề chuyên biệt. Còn khi có chiến tranh thì động viên toàn dân tham gia kháng chiến.
Đi bộ đội để tôi luyện gian khổ
Lâu nay tuyển nghĩa vụ quân sự vẫn thỉnh thoảng có xuất hiện những tiêu cực, tuy là số ít nhưng không phải không có. Điều đó cho thấy trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước không được thực hiện một cách tự giác, theo ông làm thế nào để thanh niên có được động lực khi tham gia nhập ngũ?
Đó là vấn đề giáo dục, hơn nữa phải có kỉ luật nghiêm minh, cơ chế thật minh bạch, rõ ràng. Không phải là chuyện con tôi muốn không đi nghĩa vụ mà đưa ít tiền, hay bảo bác sĩ không công nhận sức khỏe, đó là chuyện tiêu cực.
Ý kiến bỏ tiền để được miễn nghĩa vụ quân sự đang gặp phải sự phản đối.
Chất lượng thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự hiện nay, ông nghĩ sao?
Tôi có đọc một bài báo với tiêu đề “Quân đội là trường Haverd của thanh niên”, đó là lí tưởng. Đúng là như thế, đại học là cả cuộc đời thì tôi cho rằng khi vào bộ đội với tất cả kỉ luật chặt chẽ, giáo dục nghiêm thì đó là một bước trưởng thành lớn của thanh niên, chúng ta phải làm sao cho điều đó đúng với hiện thực.
Làm sao những thanh niên đi nghĩa vụ quân sự khi trở về phải làm việc tốt, và khi chiến tranh xảy ra thì chính họ lại là đội quân dự bị chuyên nghiệp. Cho nên phải giáo dục tốt trong vòng 1,5 đến 2 năm đó để đến khi họ xong nhiệm vụ là những người nòng cốt, gương mẫu, dù có làm công nhân hay làm ruộng cũng là người gương mẫu. Nếu làm được như thế thì môi trường quân đội đó có tác dụng như trường học vậy.
Một giả định là ông có người con trong độ tuổi nhập ngũ, nhưng song song đó lại có một điều hứa hẹn về tương lai rất tốt cho con trai ông, ông sẽ khuyên con thế nào?
Giờ nói thì sẽ bảo tôi là lí thuyết suông, nhưng tôi biết rằng ở quân đội là một môi trường rèn luyện rất tốt, tôi hy vọng rằng thậm chí thằng con mình nó ngổ ngáo, ăn chơi, chỉ biết tiêu tiền chứ không biết lao động thì vào quân đội sẽ được rèn luyện tốt. Nếu nó mà ở nhà có khi lại nghiện hút và nguy to thì khổ. Và đi bộ đội là rất tốt, ít nhất được rèn luyện trong 1,5 đến 2 năm và khi về tôi sẽ có biện pháp giáo dục con hơn nữa.
Nhưng 1,5 đến 2 năm ở trong quân ngũ sẽ đánh mất cơ hội của con ông thì sao?
Nhưng 1,5 đến 2 năm đó ở ngoài nó có vào được đại học hay không? Hay lại chơi bời, nghiện hút? Và tôi nhắc lại câu chuyện này nếu chỉ phải bỏ một số tiền mà không phải đi nghĩa vụ quân sự thì tôi không đồng ý.
Tôi hiểu nguyên tắc đề ra không phải là như vậy, như thế là thương mại hóa, mà ý tôi là bình đẳng trong việc đóng góp nghĩa vụ quân sự. Con tôi đủ tiêu chuẩn là phải đi không có nộp tiền nong gì cả, còn những người không đủ khả năng đi thì sẽ có những nghĩa vụ thay thế cho nghĩa vụ quân sự đó. Nếu cuối cùng không có nữa thì phải nộp một số tiền nào đó để nhà nước trang trải cho những người đi nghĩa vụ quân sự, nếu như thế thì hợp lí.
Xin cảm ơn ông.
Theo: giaoduc.net.vn