Đăng nhập

Top Panel
Trang nhấtXã hộiQuyết định lãng phí nghìn tỷ: Không sao cả vì thiếu luật

Quyết định lãng phí nghìn tỷ: Không sao cả vì thiếu luật

Thứ ba, 05 Tháng 11 2013 06:43
Rất nhiều đường phố vừa làm xong lại được đào tung lên để lắp đặt cáp, hố gas… gây lãng phí ảnh hưởng đời sống người dân Rất nhiều đường phố vừa làm xong lại được đào tung lên để lắp đặt cáp, hố gas… gây lãng phí ảnh hưởng đời sống người dân
Một người đứng đầu gây lãng phí 1 tỉ đồng có thể quy tội nhưng với người ra quyết định sai làm lãng phí hàng nghìn tỉ đồng thì lại chưa có cơ chế quy trách nhiệm. Vì vậy Luật bảo hành tiết kiệm chống lãng phí cần có cơ chế quy trách nhiệm cho người ra quyết định sai.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đà Nẵng đã kiến nghị như vậy tại phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) sáng 4/11.

Ra quyết định sai phải chịu trách nhiệm

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Đà Nẵng cho rằng Luật mới chỉ chạm đến phần ngọn chưa tới gốc nên lãng phí tới hàng nghìn tỉ đồng xảy ra tại nhiều nơi.

“Chỉ cần một quyết định của nhà nước sai ngay từ khi ban hành đã gây lãng phí rồi”, bà Thúy nói.

Đại biểu Thúy dẫn lại công trình cảng nước sâu ngay từ khi bắt đầu đầu tư đã có nhiều chuyên gia nêu ý kiến phản biện, can ngăn vì cho rằng không hiệu quả thế nhưng dự án vẫn được thực hiện. Thế nhưng việc quy trách nhiệm cũng không được thực hiện và không biết quy cho ai.

“Ở nước ta ra quyết định là cá nhân nhưng chịu trách nhiệm lại tập thể khi xảy ra chuyện. Thử so sánh một người làm lãng phí 1 tỉ đồng với người ra quyết định gây lãng phí hàng nghìn tỉ đồng thì sẽ thấy cơ chế quy trách nhiệm hiện nay đang không rõ ràng.Đã đến lúc cần xác định trách nhiệm cá nhân rõ ràng”, bà Thúy nói.

Do vậy đại biểu Thúy đề nghị bổ sung quy định người ra chính sách gây lãng phí trong trường hợp cần thiết phải xác định được trách nhiệm cá nhân.

Đại biểu Ngô Thị Minh, Quảng Ninh cũng dẫn thực trạng các dự án khi xét riêng thì có vẻ không thấy lãng phí, nhưng thực ra rất lãng phí. Cụ thể như việc làm đường xong rồi lại đào bới lên, vỉa hè cày tung, gây lãng phí cản trở đi lại ảnh hưởng cuộc sống của nhân dân nhưng không biết quy trách nhiệm cho ai.

Nhiều ý kiến thảo luận đề xuất cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân để hạn chế lãng phí ngay từ khi dự án còn nằm trên giấy.

Lãng phí khắp nơi

Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội thực hiện cho thấy công tác THTK,CLP năm 2013 có nhiều tiến bộ, song tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm vẫn còn tồn tại trên nhiều lĩnh vực với mức độ khác nhau.

Cụ thể, trong lĩnh vực quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, dù điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu NSNN không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương, ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách nhà nước.

Chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm có lúc, có nơi còn để xảy ra lãng phí, chi chuyển nguồn lớn và không giảm, gây lãng phí NSNN. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị vẫn còn tình trạng sử dụng NSNN sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định.

Lãng phí trong sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để, gây lãng phí còn diễn ra ở một số địa phương.

Quản lý, sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu; tiến trình thực hiện đề án tái cơ cấu, cổ phần hoá còn chậm. Việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng ở một số nơi còn hạn chế, dẫn đến việc vi phạm các quy định của nhà nước, gây thất thoát, lãng phí tiền và tài sản nhà nước…

Những hạn chế trong việc thực hiện Luật THTK,CLP dù được nêu khá dài, song các đại biểu Quốc hội tỏ ra vẫn chưa hài lòng bởi theo nhiều ý kiến sự lãng phí còn hơn thế nữa đặc biệt là mới chỉ nêu trong khi trách nhiệm thế nào thì không rõ.

Đại biểu Trương Thái Hiền, Kiên Giang cho rằng nhiều đề án dự án lập hàng chục tỉ đồng nhưng không thực hiện được gây lãng phí nhưng rồi sự việc cũng không đi đến đâu.

Do vậy đại biểu đề nghị, cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của người có thẩm quyền gây lãng phí phải lan tỏa như phong trào cách mạng thì mới thực hiện được chống lãng phí. Theo đại biểu Hiền: “Ngăn chặn được lãng phí là ngăn chặn được tham nhũng”.

Theo Bao Datviet

Bình luận

Để lại một bình luận

Tìm kiếm

Điện thoại liên hệ: 024 62946516