Sự việc chỉ được sáng tỏ khi nhân viên nhà trường, ban Phụ huynh học sinh mạnh dạn kiến nghị việc làm sai trái của hiệu trưởng, khiến sự việc đang gây xôn xao trong dư luận. PV báo ĐS&PL đã có cuộc điều tra để gửi đến bạn đọc những thông tin "động trời" về sự việc trên.
Kỳ 1: Bữa cơm đạm bạc và sự mập mờ trong cuốn sổ tiếp phẩm
Những việc thu, chi bất minh cộng với sự than phiền về bữa ăn đạm bạc của các em học sinh trong nhà trường, khiến các bậc cha mẹ lên tiếng và đại diện ban Cha mẹ học sinh đã đi "vi hành" đột xuất để ghi lại những hình ảnh "rơi nước mắt" của con em mình trong bữa ăn... Xót xa khi thấy những đứa con thơ dùng bữa trưa chỉ có "bát canh đại dương", các phụ huynh đã phải gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng và báo chí để con em họ được ăn đúng với số tiền đã đóng cho nhà trường.
Hiệu trưởng Vương Thị Vân.
Thức ăn chỉ “nằm” trên thực đơn
Ngày 9/10, báo ĐS&PL nhận được lá đơn kiến nghị và những tâm tư của ban Cha mẹ học sinh, trường tiểu học Trần Cao Vân, đóng trên địa bàn quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng, trình bày về việc kiến nghị làm rõ chuyện bữa ăn của các em học sinh bán trú vào trưa ngày 8/10 không đúng với thực đơn được ghi trên bảng trong ngày ăn ở nhà bếp.
Ông Bùi Văn Sĩ, Trưởng ban Cha mẹ học sinh nói: "Sau khi nhiều phụ huynh bức xúc gọi điện yêu cầu tôi phải vào trường để kiểm tra thực tế bữa ăn của các cháu. Thật không thể tưởng tượng được, sự việc không giống như chúng tôi tự hào là con cái đang được ăn học ở một trường điểm. Tận mắt thấy các em đang uể oải trong bữa cơm với món "canh đại dương" (cà chua đậu khuôn - PV) nghèo nàn như vậy, trong khi chúng tôi đã phải trả khoản phí theo tiêu chuẩn hoàn hảo nhất cho con mình, thật đau xót...".
Theo những hình ảnh và đoạn video ông Sĩ ghi lại được trong bữa cơm trưa ngày 8/10, thì ai cũng phải giật mình. Các món ăn đầy chất dinh dưỡng cho các cháu trong bữa ăn này được ghi trên bảng thực đơn như: Cá thu sốt cà chua, canh đậu khuôn cà chua thịt bò và cải ngọt xào thịt nạc... Nhưng qua những hình ảnh ghi lại của ông Sĩ thì những món đầy chất dinh dưỡng này vẫn đang "nằm" trên bảng thực đơn chứ không xuống bàn ăn của các cháu.
Không chỉ vậy, bữa lỡ (bữa ăn nhẹ đầu giờ chiều - PV), trong bảng thực đơn ghi là bánh patiso nhưng thực chất lại là bánh ram (bánh rán)? Theo ông Bùi Văn Sĩ, giá của chiếc bánh pasito là 6.000 đồng/cái, còn bánh rán chỉ là 2000 đồng/cái!. Ông Sĩ cũng cho biết thêm, ngoài số tiền chênh lệch của bữa ăn "canh đại dương" với tiền chênh lệch giữa bánh rán và bánh pasito với số lượng gần 900 em học sinh thì số tiền sẽ là bao nhiêu...?
Trong lá đơn kiến nghị của ban Cha mẹ học sinh cũng bức xúc và đề cập đến những vấn đề như: Thu tiền không có biên lai (5.000 đồng/tháng/học sinh) để khảo sát hai môn Toán và tiếng Việt, tiền ăn bán trú, tiền thu để đầu tư cơ sở vật chất bồi dưỡng học sinh giỏi lớp 4, 5...; Yêu cầu cấm bảo vệ không cho cha mẹ học sinh vào trường vì bất kỳ lý do gì trong giờ ăn trưa...
Đơn kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng và báo chí được ban đại diện cha mẹ học sinh (Trưởng ban, Phó ban thường trực, Ủy viên thường trực ban Phụ huynh và trưởng ban các lớp 3/5, 2/2), cùng một số phụ huynh ký xác nhận... Đặc biệt là đơn đề nghị gửi các cơ quan, ban ngànhchức năng kiểm tra việc tổ chức thu chi tiền cơ sở vật chất bán trú, đối chiếu thực đơn thực tế do cô tiếp phẩm phụ trách và thực đơn của kế toán, hiệu trưởng quản lý.
Bữa cơm đạm bạc của học sinh trường tiểu học Trần Cao Vân, tp Đà Nẵng
Sự mập mờ khó hiểu của... cuốn sổ?
Theo tìm hiểu của PV, Ban giám hiệu nhà trường ngoài hiệu trưởng còn có hai hiệu phó (một hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất và một hiệu phó phụ trách chuyên môn). Hiệu trưởng nhà trường, bà Vương Thị Vân, đã từng trả lời báo chí về lá đơn kiến nghị của ban đại diện cha mẹ học sinh (Trưởng ban, Phó ban thường trực, Ủy viên thường trực ban Phụ huynh và trưởng ban các lớp 3/5, 2/2) và gần 10 phụ huynh khác, rằng: "Trước hết việc làm này là sự vu khống của một phụ huynh thôi... làm mất uy tín của tôi, tôi biết người đó là ai?".
Để tìm hiểu rõ tại sao cách đó không lâu bà hiệu trưởng hết sức ca ngợi ông trưởng ban, giờ chính ông trưởng ban lại trực tiếp cùng mọi người viết và ký một lá đơn kiến nghị trên mà bà hiệu trưởng lại cho rằng đó là việc vu khống của một cá nhân? PV báo ĐS&PL đã vào cuộc tìm hiểu sự việc. Điều đầu tiên PV tìm hiểu chính là cuốn sổ tiếp phẩm chế biến thức ăn cho các em học sinh mà theo ông Bùi Văn Sĩ cuốn sổ này, không có cán bộ y tế kiểm định thực phẩm ký xác nhận, chữ ký của ban giám hiệu, kế toán và chất lượng sản phẩm cũng đều "bỏ hoang". Trong cuốn sổ chỉ có tên thực phẩm (rau, thịt...), đơn vị tính (cái hộp, kg...), số lượng nhưng đơn giá bao nhiêu, thành tiền bao nhiêu... cũng lại "bỏ hoang" từ ngày học sinh bắt đầu ăn bán trú đầu năm học (9/9) đến ngày ông Sĩ kiến nghị (8/10) chỉ có chữ ký của người giao hàng và người tiếp phẩm. Liệu việc mua bán này là ai thực hiện mà không có đơn giá, thành tiền là bao nhiêu...?
Ai đã tiếp tay?
Sau khi PV gặp người ký tiếp phẩm tên Nga (mới được Hiệu trưởng Vương Thị Vân tuyển dụng), ban đầu bà Nga cũng khẳng định cuốn sổ được ký "đàng hoàng" của các bộ phận và lãnh đạo nhà trường? Khi đưa bằng chứng cuốn sổ trước đó hai ngày còn "bỏ hoang" chữ ký cán bộ y tế kiểm định thực phẩm, kế toán, ban giám hiệu... thì bà Nga mới nói là: "Hôm qua bà Vân mới lấy cuốn sổ lên và giờ đã có đầy đủ chữ ký của cả tháng? Trao đổi với PV, bà Trâm cán bộ Y tế của nhà trường, cho biết: "Hôm vừa rồi (ngày 9/10), bà Vân bảo tôi ký hết thì tôi mới ký và có thêm một số cuốn sổ khác liên quan đến y tế, chứ từ đầu năm học tôi đâu đã ký chữ nào, giờ không biết có bị coi là tiếp tay không?". Khi PV trao đổi với bà Thành Tâm, kế toán nhà trường về cuốn sổ, bà Tâm khẳng định "chắc như đinh đóng cột" và thề thốt nói: "Có cuốn sổ đó chứ, ngày nào cũng ký đủ tất cả, nếu không có cuốn sổ đó tôi thề sẽ không làm người...?".
Để tìm hiểu thực hư vì sao cuốn sổ liên quan đến kinh tế và chất lượng bữa ăn của các em học sinh hàng ngày lại "mập mờ" đến vậy. Một cán bộ nhà trường cho chúng tôi biết: "Năm nay làm cái gì cũng là hiệu trưởng và kế toán đi mua, hiệu phó cơ sở vật chất chỉ là "giúp việc", nhưng vẫn phải đặt bút ký? Tại sao hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất của nhà trường chỉ ký, còn lại việc mua bán là của hiệu trưởng và kế toán? PV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Vinh, hiệu phó trường tiểu học Trần Cao Vân để tìm hiểu. Mặc dù ông Vinh đã khước từ những câu trả lời vì cho rằng chỉ có hiệu trưởng mới là người phát ngôn, nhưng trước sự "đeo bám" của PV về câu hỏi liên quan đến cuốn sổ tiếp phẩm chế biến thức ăn cho các em học sinh, ông Vinh trả lời ngắn gọn: "Từ đầu năm đến giờ, do tôi bận nên không nắm được vấn đề đó...?". Q.H
Kỳ tới: Đắng lòng khi hiệu trưởng “xử” tiền ăn của học sinh để tổ chức liên hoan và làm “phong bì” tiếp khách (!)
"Nếu tôi là cha mẹ học sinh tôi cũng làm thế thôi"
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch UBND phường Tân Chính (quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng) cho biết: "Vừa qua, tôi nhận được điện thoại và đơn của phụ huynh phản ánh về trường tiểu học Trần Cao Vân, tôi đã gọi lãnh đạo nhà trường (Hiệu trưởng) sang trao đổi. Nhận được đơn của ban Phụ huynh, tôi rất buồn, đau lòng. Nhưng mức độ như thế nào đi nữa thì bữa ăn ngày 8/10 của trường là rất buồn... Nhưng cũng vui là phát hiện sớm, xử lý, ngăn chặn kịp thời, nếu tôi là cha mẹ thì tôi cũng làm thế thôi. Ban phụ huynh của nhà trường những năm trước họ làm rất tốt, rất tâm huyết với nhà trường".
Theo: ĐSPL